Xe cán bộ cấp cao gặp tai nạn sẽ được ‘xử lý nhanh’?

Lực lượng CSGT đang điều tra tai nạn giao thông đường bộ. Ảnh Tuấn Nguyễn.
Lực lượng CSGT đang điều tra tai nạn giao thông đường bộ. Ảnh Tuấn Nguyễn.
TPO - Nếu xe của cán bộ cấp cao liên quan đến tai nạn vẫn di chuyển được thì CSGT phải giải quyết cho đi, nếu xe hỏng thì CSGT phải đưa cán bộ tới nơi an toàn hoặc nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó.

Đây là một trong những nội dung mà Dự thảo Thông tư Quy định Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến. Thông tư quy định cụ thể về nguyên tắc, trình tự và những tình huống cụ thể khi giải quyết tai nạn giao thông,...

Theo đó, việc đầu tiên mà CSGT phải làm sau khi tiếp cận hiện trường là tổ chức cấp cứu người bị nạn đồng thời ghi nhận, bảo vệ hiện trường. Trường hợp nạn nhân từ chối cấp cứu, cán bộ làm nhiệm vụ phải ghi vào biên bản, xin chữ ký xác nhận của nạn nhân.

CSGT cũng có quyền huy động, trưng dụng phương tiện liên lạc, xe cộ để đưa phục vụ công tác cấp cứu hoặc truy đuổi tội phạm. Dự thảo nghiêm cấm việc lợi dụng việc huy động, trưng dụng phương tiện để nhằm mục đích vụ lợi, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đối với vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp cần điều tra, xác minh thì thời hạn có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo bằng văn bản để xin gia hạn, thời hạn gia hạn cũng không quá 30 ngày.

Dự thảo dành một chương hướng dẫn cảnh sát xử lý tình huống khi gặp tai nạn giao thông liên quan đến một số trường hợp đặc biệt. Đáng lưu ý là những trường hợp tai nạn liên quan đến cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể, nếu xe của lãnh đạo cấp cao liên quan đến tai nạn mà vẫn có thể di chuyển thì CSGT ghi lại thông tin và cho đi, hẹn thời gian quay lại giải quyết. Nếu xe của cán bộ không thể di chuyển thì CSGT phải đưa họ đến nơi an toàn hoặc nơi cần thiết theo yêu cầu của cán bộ đó đồng thời báo cáo lên công an tỉnh và Bộ Công an.

Các phương tiện ưu tiên đang làm nhiệm vụ như xe cứu thương, cứu hoả, … liên quan đến tai nạn giao thông mà không bị hư hỏng cũng được tiếp tục di chuyển và quay lại giải quyết sau.

Trường hợp tai nạn liên quan đến người hoặc phương tiện của quân đội và  có dấu hiệu hình sự thì CSGT phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền của quân đội. Nếu tai nạn không có dấu hiệu hình sự thì CSGT lập hồ sơ để xử lý hành chính.

Dự thảo Thông tư sau khi được lấy ý kiến đóng góp sẽ được Bộ Công an chỉnh sửa và ban hành trong năm 2016.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.