Xây nhà trên cát

TP - Mới đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về tương lai không mấy sáng sủa của ngành ngân hàng Trung Quốc. Bloomberg còn đi xa hơn khi dự báo Bắc Kinh sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân hàng vào cuối năm 2016.

Theo các nhà kinh tế, đây là hệ lụy của đợt bùng nổ tín dụng trong hai năm 2009-2010, thời điểm Bắc Kinh phải chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chỉ riêng trong giai đoạn này, tổng số tiền mà các ngân hàng mở cửa tín dụng đã lên tới khoảng 17.500 tỷ Nhân dân tệ (NDT).

Các ngân hàng nhắm mắt cho vay và những đối tượng được ưu đãi nhất trong đợt mở cửa tín dụng này là các doanh nghiệp lớn của nhà nước, các dự án bất động sản của các chính quyền địa phương.

Thế nhưng sau hai năm cho vay, chính những đối tượng được ưu tiên này đang đẩy ngành ngân hàng Trung Quốc đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Các doanh nghiệp quốc doanh ngày càng nợ chồng chất nhưng hầu như không có khả năng chi trả.

Bất động sản, một khu vực kinh tế từng được ưu đãi đặc biệt, sau hai năm thu hút lượng lớn tiền mặt giờ đây lại trở thành các cỗ máy ngốn tiền khi giá nhà đất rớt thê thảm do các chính sách kiểm soát giá và thắt chặt tín dụng của nhà nước để ngăn chặn nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản.

Nếu như từ năm 2009, giá nhà đất ở các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải có mức tăng trung bình 30% hàng năm thì sang năm 2001, lại giảm chóng mặt, xấp xỉ 50% chỉ trong vòng một năm. Gánh nặng nợ xấu ngày một tăng trong đó chỉ riêng các dự án bất động sản của các chính quyền địa phương đã lên tới 1.000 tỷ NDT.

Quỹ đầu tư của nhà nước Trung Quốc đã chính thức cảnh báo nguy cơ nợ khó đòi sẽ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2012. Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ còn dự đoán nợ xấu sẽ hút tới 60% thanh khoản của các ngân hàng trong vài năm tới. Hệ thống tín dụng ngân hàng đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu như quốc gia này không thể giải quyết được núi nợ lên tới hàng nghìn tỷ NDT.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng vẫn được đánh giá khá vững mạnh. Thậm chí, Standard & Poor còn nói rằng Trung Quốc có cơ hội được nâng xếp hạng tín nhiệm nếu nước này cải cách được tình hình nợ và thực hiện các biện pháp cải cách hiệu quả.

Một nhà kinh tế đã nhận định, các ngân hàng Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng xây nhà trên cát, tuy nhiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn còn thời gian và đủ nguồn lực để gia cố lại móng nhà trước khi quá muộn.

Theo Báo giấy