Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII:

​Xây dựng xã hội học tập, thu hút nhân tài, bảo vệ môi trường

TPO - Sáng 6/11, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu góp ý Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trăn trở vì sự thịnh vượng của đất nước

Tại Hội nghị, các ý kiến đều chung nhận định, các Dự thảo Văn kiện đã được chuẩn bị công phu và có tính khái quát cao; về kết cấu, bố cục của các Văn kiện chặt chẽ, nội dung các dự thảo có nhiều điểm mới; các vấn đề nêu trong báo cáo đã bám sát thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... đánh giá sát với những thành tựu đạt được và những hạn chế, yếu kém sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII.

​Xây dựng xã hội học tập, thu hút nhân tài, bảo vệ môi trường ảnh 1

Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư Bùi Tuấn Quang và Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương chủ trì hội nghị góp ý Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng lần thứ XIII. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Nghiên cứu sinh Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia cho rằng, phải xây dựng một “xã hội học tập” công bằng và bình đẳng, giảm thiểu khoảng cách phát triển văn hóa. Anh Đức góp ý, đổi mới giáo dục và đào tạo cần phải được đặt trong bối cảnh thế giới đang biến đổi phức tạp.

“Chúng ta đã và đang bàn nhiều đến thuật ngữ “Cách mạng Công nghiệp 4.0”, nhưng đa phần nội hàm được bàn bạc mới chỉ dừng lại ở mức 3.0 (cuộc cách mạng về Internet), trong khi cuộc cách mạng thực sự về dữ liệu lại chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Thực tiễn cho thấy, những ngành, nghề mới đang được ra đời với tốc độ còn nhanh hơn việc mất đi những ngành nghề cũ. Cả tỉ lệ sinh viên thất nghiệp và tỉ lệ thiếu hụt lao động có tay nghề phù hợp cũng đều cao, chứng tỏ sự yếu kém trong công tác dự báo và quản trị nguồn lực. Bởi vậy, dữ liệu, dữ liệu lớn cần có được vị thế nhất định trong công tác hoạch định, đổi mới giáo dục và đào tạo”, anh Đức phân tích.

Cũng theo anh Đức, đổi mới giáo dục, phát triển văn hoá, xã hội phải gắn liền với thực trạng già hoá dân số; đảm bảo tính khái quát, bao trùm và sát sao với các đặc trưng về tâm, sinh lý của thế hệ thanh thiếu niên sinh ra trong thời đại số sau năm 2000.

Tuy nhiên, việc xây dựng các chương trình giáo dục, đào tạo dành cho thế hệ này không những chưa thực sự bao hàm được các sự khác biệt về bối cảnh văn hoá, xã hội, mà còn chưa bao hàm cả các khác biệt về tâm, sinh lý thế hệ, thay vì tâm, sinh lý độ tuổi thông thường.

“Hướng tới tầm nhìn 2045, thế hệ các bạn trẻ sinh từ những năm 2000 đến 2020 sẽ là lực lượng lao động, sáng tạo chủ chốt của đất nước. Bởi vậy, việc cụ thể hoá trong văn kiện sự quan tâm đặc biệt tới đối tượng này là một ý tưởng rất đáng được cân nhắc”, anh Đức nói thêm.

​Xây dựng xã hội học tập, thu hút nhân tài, bảo vệ môi trường ảnh 2

Đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Tiến sĩ Lê Duy Anh, Khoa Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, sinh viên và các trí thức trẻ Việt Nam luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

“Chúng tôi luôn trăn trở vì đây là một lĩnh vực đặc biệt quan trong quyết định sự thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn phát triển tới, đặc biệt khi cuộc cách mạng 4.0 đang gõ cửa từng quốc gia và từng lĩnh vực”, anh Anh nói.

Theo anh Anh, cần có tầm nhìn và mục tiêu đến 2045 phải xây dựng được ít nhất 1-3 đại học nghiên cứu hàng đầu có chất lượng và uy tín quốc tế để cạnh tranh với các đại học hàng đầu trên thế giới và trong khu vực, nằm trong top 100 đại học thế giới.

“Việc có ít nhất một trường đại học Việt Nam vào được top 100 thế giới sẽ có ý nghĩa vô cùng lớn đối với nền giáo dục đại học, khoa học công nghệ nước nhà. Nó sẽ là một ngọn đuốc khẳng định trí tuệ Việt Nam, chứng minh tính đúng đắn của chiến lược phát triển hệ thống giáo dục, là hình mẫu cho các trường đại học khác phát triển, và thu hút những nhân lực tốt nhất của Việt Nam và thế giới về sống và làm việc tại Việt Nam”, anh Anh nói thêm.

Anh Trần Lê Hưng, Trường Đại học cầu đường Paris, Pháp cho rằng, nên bổ sung trực tiếp vào Dự thảo những nguồn nhân lực cao để phát triển con người, đẩy mạnh không chỉ kết hợp không giữa những nhà khoa học, trí thức người Việt trong và ngoài nước mà còn với các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

“Chúng ta cũng nên có những cơ chế để thu hút và gìn giữ nhân tài, tránh việc chảy máu chất xám, cùng nhau thay đổi cách nhìn về Việt Nam như một miền đất hứa dành cho khoa học, công nghệ”, anh Hưng chia sẻ.

Bảo vệ môi trường, phát triển bền vững

Tiến sĩ Nguyễn Linh Đan, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho rằng, nhu cầu giao thông, đun nấu, điều hòa… sẽ khiến hệ thống năng lượng trở nên quá tải. Nhu cầu xăng dầu cho đi lại có khả năng tăng ba lần trong tương lai, vượt xa nhu cầu trong công nghiệp và các ngành khác. Khí thải do giao thông cũng là một trong những nguyên nhân trọng yếu gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở các thành phố lớn thời gian gần đây.

Theo chị Linh Đan, năng lượng là xương sống của mọi nền kinh tế. Khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu, vì vậy ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong khả năng bền vững của phát triển, cũng như đảm bảo an ninh quốc gia.

“Tôi đồng ý với những bài học kinh nghiệm được ghi trong báo cáo chính trị, rằng cần bảo đảm mối tương quan hợp lý giữa tăng trưởng và ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; và phải thực hiện tốt công tác dự báo, bảo đảm đánh giá và nhận định kịp thời tình hình thế giới và khu vực. Tôi nghĩ cần phải cân nhắc lại các dự báo kinh tế và năng lượng, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đưa ra những giải pháp đồng bộ và kịp thời, đảm bảo nền kinh tế nước ta thực sự phát triển theo hướng bền vững”, chị Linh Đan nói.

​Xây dựng xã hội học tập, thu hút nhân tài, bảo vệ môi trường ảnh 3

Đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Lâm Đăng Hải

Anh Nguyễn Hoàng Long, Nghiên cứu sinh ĐH Karolinska, Thụy Điển cho rằng, cần trang bị, đề cập đến khả năng tự phục hồi của cộng đồng. Qua các nguy cơ, vấn đề an ninh, an toàn, các tình huống hiểm nghèo ví dụ như thảm họa thiên nhiên, khi người dân được trang bị đầy đủ thì có khả năng tự phục hồi hay không?

Theo anh Long, thời gian tới, biến đổi khí hậu nhiều, người dân, đặc biệt là người trẻ, cần có những kiến thức, thực hành để chuẩn bị tốt hơn để ứng phó. Anh Long cũng cho rằng, cần chú ý đến chuyển giao tri thức, chuyển giao khoa học công nghệ, nhưng phải bền vững, cân nhắc các vấn đề bảo vệ môi trường trước các vấn đề về kinh tế.

“Một trong yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bền vững là thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đưa ra các giải pháp bền vững, góp phần tăng trưởng nhanh chóng, đảm bảo an sinh xã hội”, anh Long nói thêm.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hằng, Văn phòng Điều phối Hợp tác Chiến lược, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam cho rằng, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn cần được làm rõ hơn nữa trong các Dự thảo Văn kiện bởi kinh tế tuần hoàn vừa đảm bảo giảm thiểu rác thải, tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên, vật liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế.

MỚI - NÓNG