Xây dựng văn hoá sống cho thanh niên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Thiều Quang Thắng, nguyên Trưởng ban Mặt trận T.Ư Đoàn cho rằng, Đoàn cần chú trọng giáo dục văn hóa sống cho thanh thiếu nhi. Trong giáo dục văn hóa sống cần đi vào những vấn đề cụ thể, từ văn hóa ăn, văn hóa mặc, văn hóa ở, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.

Ngày 5/5, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cựu cán bộ Đoàn vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; ông Hà Quang Dự, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam.

Xây dựng văn hoá sống cho thanh niên ảnh 1

Hội nghị lấy ý kiến góp ý của cựu cán bộ Đoàn vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.

Trao đổi tại hội nghị, ông Lê Truyền, nguyên Phó Trưởng Ban Công nghiệp T.Ư Đoàn cho rằng, cán bộ Đoàn là nguồn bổ sung cho hệ thống chính trị ở tất cả các cấp. “Cán bộ Đoàn rất đặc biệt, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của thanh niên. Đây là lực lượng tiêu biểu của thanh niên, được lựa chọn, rèn luyện, trưởng thành trong phong trào thanh niên”, ông Truyền nhấn mạnh.

Theo ông Truyền, cán bộ Đoàn trưởng thành trong phong trào thanh niên, chịu sự giám sát của thanh niên và phong trào thanh niên cũng có sự đào thải rất nhanh. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ Đoàn phải học tập, rèn luyện cả kiến thức, kỹ năng, thái độ ứng xử, nói đi đôi với làm để trưởng thành nhanh. Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là cán bộ Đoàn phải có kiến thức chuyên sâu, trải nghiệm thực tiễn.

Xây dựng văn hoá sống cho thanh niên ảnh 2

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị

Ông Truyền khẳng định, đội ngũ cán bộ Đoàn hiện nay được học tập bài bản rèn luyện, trưởng thành trong phong trào thanh niên đủ sức cung cấp cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. “Tôi mong muốn kỳ đại hội lần này, Đoàn cần có một tuyên bố về đội ngũ cán bộ Đoàn, và nhận trách nhiệm về xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn trưởng thành vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình vừa cung cấp nguồn cán bộ chất lượng cho hệ thống chính trị các cấp”, ông Truyền đưa ra kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Truyền cũng bày tỏ sự quan tâm về thanh niên, mong muốn, Đoàn tuyên truyền, giáo dục cho thanh niên thượng tôn pháp luật.

Xây dựng văn hoá sống cho thanh niên ảnh 3

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị

TS. Trần Văn Miều, nguyên Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở làm sao để không “nhạt Đảng, khô Đoàn”. Theo TS. Miều, cần xây dựng Đoàn Thanh niên vững về chính trị, tư tưởng, tổ chức xã hội. Đoàn, Hội, Đội tạo ra các hoạt động hấp dẫn, thiết thực cho thanh thiếu nhi tham gia, hưởng thụ; đồng thời, kiến tạo môi trường lành mạnh để bạn trẻ học tập, rèn luyện, xây dựng lối sống xanh. Bên cạnh đó, Đoàn phải là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thanh thiếu nhi.

Theo TS. Miều, trong xu hướng phát triển của đất nước trở thành quốc gia số, Đoàn nhất định phải định hướng, bồi dưỡng, phát triển thanh niên trở thành những công dân số.

Xây dựng văn hoá sống cho thanh niên

Tại hội nghị, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại trước những vấn đề bức xúc đang đặt ra đối với giới trẻ hiện nay như: tệ nạn xã hội, ma túy, bạo hành, xâm hại trẻ em, tự tử ở người trẻ…; đồng thời, đưa ra các giải pháp, hiến kế.

Ông Thiều Quang Thắng, nguyên Trưởng ban Mặt trận T.Ư Đoàn cho rằng, bên cạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, Đoàn cần chú trọng giáo dục văn hóa sống cho thanh thiếu nhi. Trong giáo dục văn hóa sống cần đi vào những vấn đề cụ thể, từ văn hóa ăn, văn hóa mặc, văn hóa ở, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.

Xây dựng văn hoá sống cho thanh niên ảnh 4

Bà Nguyễn Thị Bích Lại, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng xã hội, Học viện Thanh niên Việt Nam trao đổi tại hội nghị

Theo bà Nguyễn Thị Bích Lại, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng xã hội, Học viện Thanh niên Việt Nam, cuộc sống gia đình trẻ thời hiện đại đối mặt với nhiều áp lực, vấn đề phức tạp. Vì thế, Đoàn cần tổ chức nhiều mô hình giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi, trong đó, chú trọng định hướng kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình tiền hôn nhân và hôn nhân, vì đây là nền móng của hạnh phúc gia đình và xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với việc Đoàn đề cao công tác giáo dục. Tuy nhiên, theo ông Dự, Đoàn cần có giải pháp đột phá hơn trong công tác giáo dục, bởi đây là công việc không hề đơn giản.

“Từ bây giờ đến Đại hội Đoàn XII, T.Ư Đoàn nghiên cứu, tìm ra các giải pháp mới trong công tác giáo dục của mình, xem điểm nhấn của thanh niên trong thời gian tới là gì? Cái gì là chủ đạo về đạo đức, cái gì là chủ đạo về tư tưởng?”, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự bày tỏ sự trăn trở.

Ông Hà Quang Dự đề nghị, Đoàn phải giáo dục để làm sao đa số thanh niên cùng chung lý tưởng phấn đấu cho sự phát triển giàu mạnh của đất nước, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng và nền tảng chính trị của đất nước.

Xây dựng văn hoá sống cho thanh niên ảnh 5

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam; ông Hà Quang Dự, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Trưởng ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn Thanh niên Việt Nam.

Kết luận hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, hiến kế đầy tâm huyết của các đại biểu đã nêu ra nhiều câu chuyện lớn, vấn đề cấp bách đang đặt ra để tổ chức Đoàn có giải pháp giải quyết trong thời gian tới. Anh Lương bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với ý kiến các đại biểu cho rằng, cần có giải pháp đột phá, đổi mới, hấp dẫn hơn trong công tác giáo dục của Đoàn trong thời gian tới. Và công tác cán bộ là vấn đề cốt lõi, gốc của mọi vấn đề. “Cán bộ Đoàn phải thực sự tiêu biểu về mọi mặt vừa để dẫn dắt, thúc đẩy thanh niên phát triển; đồng thời, cũng chuẩn bị trước một bước cung cấp cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp”, anh Lương nói.

Theo anh Lương, câu chuyện về văn hoá của giới trẻ đã và đang được tổ chức Đoàn quan tâm như: văn hoá gia đình trẻ, văn hoá đọc, văn hoá trong chuyển đổi số… Tổ chức Đoàn sẽ quan tâm và làm tốt hơn nữa câu chuyện này. Bên cạnh đó, thời gian tới tổ chức Đoàn cần làm tốt hơn vài trò giám sát phản biện xã hội, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh thiếu nhi.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.