Xây dựng thế hệ trẻ giỏi chuyên môn, giàu kỹ năng

Thanh niên tình nguyện Thủ đô. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thanh niên tình nguyện Thủ đô. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 16/5, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến chuẩn bị Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI trong khối trường THPT, sinh viên, giáo viên và giảng viên trẻ khu vực miền Bắc. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong chủ trì hội nghị.

Kết nối “Sinh viên 5 tốt” với nhà tuyển dụng

Tại hội nghị, phong trào “Sinh viên 5 tốt” được các đại biểu quan tâm bàn luận sôi nổi. Đây là danh hiệu với các tiêu chí rất cao và khắt khe. Các đại biểu đặt câu hỏi: Đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” rất khó nhưng danh hiệu này đã thực sự phát huy hiệu quả, trở thành công cụ hữu hiệu để sinh viên ra trường thuyết phục nhà tuyển dụng hay chưa?

Anh Nguyễn Xuân Thành, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Y dược Hưng Yên cho rằng, với những tiêu chí khắt khe của “Sinh viên 5 tốt”, phong trào này hiện chỉ dành cho sinh viên khá, giỏi những em học lực trung bình không thể với tới. Và nhà tuyển dụng rất nhiều nơi chưa nhận thấy ý nghĩa, vai trò của danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.

Anh Thanh đề xuất, để phong trào “Sinh viên 5 tốt” đi vào cuộc sống, làm động lực cho mọi sinh viên phấn đấu, T.Ư Đoàn cần có sự kết hợp công nhận của chính quyền, bộ ngành, nhà tuyển dụng. Sự công nhận này giúp những sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” khi ra trường sẽ có cơ hội nghề nghiệp, việc làm rộng mở hơn các bạn khác. 

Theo anh Nguyễn Thanh Hưng, Bí thư Đoàn trường ĐH Thương mại, phong trào “Sinh viên 5 tốt” vướng đầu vào lẫn đầu ra. “Với đầu vào, cần mềm hóa một số tiêu chí để mọi sinh viên có thể tham gia. Còn đầu ra, danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” chưa thấy có tác dụng gì với nhà tuyển dụng.

Trong khi để đạt được danh hiệu này đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện không chỉ trình độ học vấn mà cả khả năng hội nhập, kỹ năng xã hội, sức khỏe. Vì thế tôi đề xuất T.Ư Đoàn kết nối với nhà tuyển dụng, cần ưu tiên những sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” khi tuyển dụng”, anh Hưng nói.

Một số ý kiến khác cho rằng, trước khi đợi tổ chức Đoàn lên tiếng, các bạn đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” nên chủ động giới thiệu thành tích của mình trong CV xin việc với nhà tuyển dụng để họ lưu ý, tìm hiểu.

Coi trọng giáo dục kỹ năng sống

Giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Anh Nguyễn Trọng Tấn, Bí thư Đoàn trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) trăn trở: “Hiện nay, nhiều em thiếu cả những kỹ năng sống cơ bản như: cách đi đứng, chào hỏi, ăn mặc, cách giới thiệu về bản thân,…”. Anh Tấn đề xuất, tổ chức Đoàn cần đặc biệt quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, coi trọng giáo dục kỹ năng sống như học chữ. 

Đồng quan điểm, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Minh Phương đề xuất, để sinh viên thực sự chú trọng học kỹ năng sống hay kỹ năng mềm, T.Ư Đoàn cần có quy định sâu hơn nữa về vấn đề này. Đưa giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học. Tất cả sinh viên ra trường đều phải có giấy chứng nhận về kỹ năng sống. Để có giấy chứng nhận đó, mỗi năm sinh viên phải tham gia ít nhất một chương trình của Đoàn.

Chị Trần Thị Ninh, Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hải An, Hải Phòng) cho rằng, hiện tại, học sinh đang bị nghe quá nhiều. Ở trường nghe thầy cô giáo, về nhà nghe bố mẹ, tham gia sinh hoạt Đoàn nghe các bài tuyên truyền. “Tổ chức Đoàn cần quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu, sở thích của các em, đặc biệt lắng nghe tiếng nói của các em. Cán bộ Đoàn phải như người bạn của các em, để nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em, để được các em chia sẻ mọi điều”, chị Ninh nói. Để làm được điều đó, theo chị Ninh, tổ chức Đoàn phải đổi mới phương thức hoạt động, không nói nhiều nữa mà phải làm, phải đưa các em vào hoạt động thực tế.

Anh Nguyễn Xuân Thành, Phó Bí thư Đoàn trường ĐH Y dược Hưng Yên cho rằng, hiện một bộ phận sinh viên đang rơi vào “hội chứng smartphone”, luôn cúi mặt vào điện thoại để giao lưu với thế giới bên ngoài. Vì thế, tổ chức Đoàn cần tăng cường tổ chức nhiều chương trình, hoạt động xã hội hướng đến cộng đồng. Trong đó, tập trung hoạt động cho đối tượng thanh niên chậm tiến, thờ ơ với các hoạt động của Đoàn. “Thay vì kèm cặp, “cầm tay chỉ việc”, chúng ta phải biết truyền lửa để các bạn thấy hứng thú tham gia các phong trào”, anh Thành nói.

Bàn về định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, anh Nguyễn Đức Trọng, cố vấn Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội), cho rằng việc tổ chức tư vấn hướng nghiệp không khó, khó nhất là tổ chức có chất lượng. Anh Trọng đề xuất T.Ư Đoàn phối hợp xây dựng cẩm nang hoặc trang web chính thống cập nhật đầy đủ thông tin về tư vấn hướng nghiệp, kết nối với các đơn vị tư vấn hướng nghiệp tin cậy.

Theo chị Trần Thị Tuyến, cố vấn Đoàn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) thay vì tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho toàn bộ học sinh, nên chia nhỏ mục tiêu, chia nhỏ đối tượng học sinh để tư vấn. Thay vì ngồi nghe tư vấn chung chung, Đoàn trường có thể phối hợp với các trường ĐH, CĐ tổ chức cho các em tới tham quan, tìm hiểu về ngôi trường mà các em mong muốn theo học.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các đại biểu. Ban Bí thư T.Ư Đoàn ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Anh Phong đề nghị, với những mô hình hay, cách làm hiệu quả, ngay từ bây giờ các trường cùng bắt tay thực hiện và lan tỏa, không nhất thiết phải đợi Đại hội xong rồi mới làm.

Dấu ấn của tuổi trẻ với các công trình trọng điểm quốc gia

Ngày 16/5, tại Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội  lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Đây là đại hội điểm đầu tiên trong khối công nhân viên chức của Thành Đoàn Hà Nội. Dự Đại hội có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, cùng 116 đại biểu đại diện cho gần 2.000 ĐVTN trong toàn Tổng Cty Xây dựng Hà Nội.

Nhiệm kỳ qua, tuổi trẻ Tổng Cty Xây dựng Hà Nội đã có những đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, tham gia xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia: Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới, Nhà khách Văn phòng Quốc hội, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, nâng cấp và cải tạo Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2… Trong nhiệm kỳ có 40 sáng kiến cải tiến kỹ thuật giúp làm lợi và giảm chi phí hàng chục tỷ đồng; 21 công trình, phần việc thanh niên với giá trị trên 10 tỷ đồng...

Tại Đại hội, đồng chí Đoàn Kim Phú được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Cty Xây dựng Hà Nội khóa VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2022.    

Lưu Trinh

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.