Xây dựng luật phải chuẩn bị từ sớm, từ xa

0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng luật phải chuẩn bị từ sớm, từ xa
TPO - Đợt họp trực tuyến đầu tiên của kỳ họp thứ 2 kết thúc với các kết quả xây dựng luật bảo đảm chất lượng, thu hẹp được nhiều ý kiến khác biệt để các cơ quan sớm hoàn thiện, tiếp thu, giải trình hay để Quốc hội biểu quyết thông qua tại đợt họp tập trung thứ 2.

Trước đó từ tháng 5/2021, Chủ tịch Quốc hội khoá XIV đã có hàng loạt các buổi làm việc với tất cả các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đặt ra yêu cầu phải chủ động nghiên cứu, thậm chí đề xuất phương án xây dựng pháp luật.

Từ giữa tháng 8/2021, trên tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã lần lượt chủ trì 1 ngày họp với Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội để góp ý vào các báo cáo thẩm tra 7 dự án Luật trình ra tại Kỳ họp thứ 2.

“Kinh nghiệm muốn rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng như Kỳ họp thứ nhất vừa rồi thì không có cách gì tốt hơn là phải chuẩn bị từ sớm, chuẩn bị từ xa mà có chất lượng. Thống nhất trình luật ra mà không thành công thì sẽ rất vất vả. Chúng ta đã có bài học rồi nên phải tránh lặp lại. Đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng luật, gắn với trách nhiệm người đứng đầu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lúc đó nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá kỷ luật lập pháp đã có bước tiến bộ, tài liệu gửi đến Quốc hội sớm hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan của Quốc hội cũng vào cuộc từ sớm, có nhiều thời gian hơn để thẩm tra. Do đó, các báo cáo thẩm tra rất chất lượng, gợi mở nhiều vấn đề thảo luận, báo cáo trình bày trước Quốc hội đều bảo đảm ngắn gọn, súc tích, cơ bản đáp ứng được toàn diện các vấn đề đặt ra cho đại biểu Quốc hội tham chiếu.

Thực tế, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo khi đó xin rút ra khỏi chương trình của Kỳ họp thứ 2 để lùi lại nhằm rà soát các quy định trong dự thảo cho phù hợp với các cam kết quốc tế.

Tuy nhiên, trên tinh thần siết chặt kỷ cương xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra tăng cường rà soát, đối chiếu dự thảo Luật với các cam kết quốc tế để đảm bảo tiến độ. Một thành viên của cơ quan soạn thảo cho biết sau khi tăng cường rà soát các nội dung của dự thảo không mâu thuẫn với các cam kết quốc tế, đủ điều kiện để có thể trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận.

Hay dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê đã có sự thay đổi quan trọng khi trình ra Quốc hội sau khi có góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trước đó, dự án này có tên là Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Tại phiên họp lần thứ 3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng không nên chỉ sửa Phụ lục- Danh mục thống kê mà nên coi đây là cơ hội để sửa Luật Thống kê nhằm tạo ra các giá trị gia tăng quan trọng cho kinh tế, xã hội. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu ra 7 lý do để có thể sửa Luật Thống kê.

Nhận định các yêu cầu sửa Luật là cần thiết, cơ quan soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị thay đổi nội dung của dự thảo Luật và đổi tên dự án thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê trên cơ sở tiếp thu một số đề xuất của Chủ tịch Quốc hội mà đã chín, đã rõ để phục vụ trực tiếp cho công tác điều hành, đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước ngay khi ban hành luật.

Theo đó, dự án Luật sửa đổi 2 điều, mở rộng phạm vi, bổ sung nội dung về nâng cao vai trò trách nhiệm xây dựng quy trình biên soạn tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP của cơ quan thống kê Trung ương; xác định rõ thẩm quyền rà soát, đánh giá lại quy mô GDP; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, công bố thông tin thống kê và sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Chuẩn bị từ sớm, từ xa, xác định những vấn đề cốt lõi

Đặc biệt, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê sẽ được thông qua theo thủ tục rút gọn ngay tại Kỳ họp thứ 2, thay vì phải cần tới 2 kỳ họp như ban đầu.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, qua thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến, các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội đã làm sáng tỏ nhiều nội dung còn khác biệt, chỉ còn lại 1 nội dung về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155 BLTTHS về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại và khoản 8 Điều 157 BLTTHS về Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự.

Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp với cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, các cơ quan chuyên môn để xác định phương án tiếp thu đối với nội dung này để trình ra Quốc hội biểu quyết tại đợt họp trực tuyến trong tuần tới.

Không chỉ nhờ các nỗ lực chuẩn bị từ sớm, từ xa của các cơ quan xây dựng và thẩm tra luật góp phần nâng cao chất lượng dự án luật, theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc đổi mới hoạt động của Quốc hội thông qua triển khai nhanh, kịp thời báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ đối với các dự án Luật là kênh thông tin quan trọng, giúp đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, xác định được các vấn đề cốt lõi để góp ý xây dựng luật.

MỚI - NÓNG