Thanh Hóa:

Xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập

Bia tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam.
Bia tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam.
TPO - Thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa” của thế hệ trẻ trong việc tri ân với những người có công với cách mạng, từ tháng 10/2014 đến nay, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đang tích cực triển khai cuộc vận động “Xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập- Người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa”.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập- Người thanh niên cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Ngoài thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ, công trình này sau khi được xây dựng còn là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Công trình được xây dựng với quy mô là 10.000 mét vuông tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, tượng đài, bia ghi danh, sân, đường nội bộ và công trình phụ trợ. Với tổng vốn dự kiến là 10 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng, còn lại là nguồn vận động đóng góp của ĐVTTN và các doanh nghiệp). Thời gian thực hiện là năm 2014-2015.

Hiện nay, tại xã Xuân Lộc, Lê Hữu Lập còn có một người cháu dâu đang còn sống là La Thị Duệ (SN 1918) ở làng Bái Hà, xã Xuân Lộc. Tại xã này cũng có bia tưởng niệm, nhà thờ họ thờ Lê Hữu Lập.

Xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập ảnh 1

Bia tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập. Ảnh: Hoàng Lam.

Theo tài liệu lịch sử thì Lê Hữu Lập, sinh năm 1897 ở thôn Hữu Nghĩa,  tổng Xuân Trường, huyện Hậu Lộc (nay là xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là con của một gia đình nho học có khí tiết. Ông nội Lê Hữu Lập đậu cử nhân, làm quan án sát dưới triều Nguyễn tại Nghệ An. Sau đó, cụ đã cáo quan về nhà dạy học. 

Cụ thân sinh ra Lê Hữu Lập là cụ Lê Cơ- một nhà giáo yêu nước. Các bậc cha, chú của Lê Hữu Lập đều học giỏi, đỗ tới cử nhân, song đều từ chối việc làm quan. Lê Hữu Lập có một chị gái tên Lê Thị Mận, lấy chồng ở làng Y Vích (nằm sát cửa biển Lạch Trường, nay gọi là làng Lộc Tiên, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc). 

Vợ Lê Hữu Lập là Phạm Thị Ngan là con của một gia đình nhà nho nghèo, có tinh thần yêu nước, sớm thông hiểu được ý chí cách mạng của chồng nên đã tạo điều kiện cho chồng đi vào con đường tiến bộ. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, chị bị bệnh nặng và qua đời vào tháng 9/1945. Lê Hữu Lập và Phạm Thị Ngan có một người con gái nhưng mất từ khi mới sáu tháng tuổi.

Xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập ảnh 2 Khu đất quy hoạch xây dựng khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập tại xã Xuân Lộc. Ảnh: Hoàng Lam
Lúc còn nhỏ tuổi, Lê Hữu Lập được cha chú mang theo trọ học ở nhiều nơi trong tỉnh. Anh có điều kiện tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến nông thôn. Tầm hiểu biết ở một thiếu niên ham hiểu biết ngày được mở rộng. Năm 1918, sau khi tốt nghiệp trường Pháp Việt, anh càng suy nghĩ nhiều về con đường hoạt động tìm chí hướng. Sau khi khởi nghĩa Ba Đình thất bại, phong trào cách mạng trong nước bị bọn thực dân, phong kiến đàn áp dã man. Tại quê hương của anh có hàng chục gia đình bị tàn sát dã man.

Hè năm 1922, Lê Hữu Lập đã trực tiếp gặp đồng chí Đinh Chương Dương, một thanh niên lớn tuổi đương thời đã từng nhiều phen bị thực dân Pháp kết tội vì lòng yêu nước. Từ đây, Lê Hữu Lập được nghe về các tổ chức cách mạng trong và ngoài nước, về các nhà ái quốc… Đầu năm 1923, Lê Hữu Lập tạm biệt mẹ già, người vợ hiền và đứa con thơ mới ba tháng tuổi, bước vào con đường thoát ly hoạt động. Giữa năm 1924, Lê Hữu Lập được Đinh Chương Dương đưa sang Quảng Châu tham gia vào “Tâm tâm xã”. Tổ chức này ra đời năm 1923 do các đồng chí Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu và một số thanh niên có tư tưởng tiến bộ thành lập tại Quảng Châu (Trung Quốc). 

Tháng 6/1925, Lê Hữu Lập được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội- tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1925, Lê Hữu Lập cùng một số anh em khác trực tiếp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ rời Quảng Châu về nước tuyên truyền giác ngộ cách mạng và lựa chọn những thanh niên yêu nước ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị đưa sang Quảng Châu huấn luyện.

Đầu năm 1927, Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội tỉnh Thanh Hóa được thành lập, Lê Hữu Lập được cử làm bí thư tỉnh bộ lâm thời. Năm 1929, Lê Hữu Lập được cử sang Thái Lan hoạt động. Tháng 3/1930, Lê Hữu Lập đã trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Đầu năm 1934, đồng chí được ban viện trợ cách mạng Đông Dương cử về hoạt động tại Nghệ An và được tổ chức bố trí hoạt động tại một cơ sở tại huyện Nghi Lộc. Tại đây đồng chí lâm bệnh nặng và qua đời tại nhà thương Vinh. Đồng chí được mai táng ở nghĩa địa Tập Phúc, làm mộ chí mang tên Nguyễn Thụ.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.