Xây dựng hình mẫu sinh viên 5 tốt

Xây dựng hình mẫu sinh viên 5 tốt
TP - Làm sao để hoạt động của Hội Sinh viên không mờ nhạt, cùng sinh viên đối mặt với thách thức để học tập, sáng tạo, hội nhập và phát triển... là những nội dung chị Lâm Phương Thanh trao đổi với PV Tiền Phong.

Trong 5 năm, từ 2003 - 2008, theo chị sinh viên Việt Nam có sự thay đổi gì hơn so với 5 năm trước? Những thay đổi ấy có tác động như thế nào tới hoạt động của Hội Sinh viên trong các trường?

Có thể thấy rằng, diện mạo của sinh viên (SV) Việt Nam trong 5 năm qua có những thay đổi nhất định. Quy mô giáo dục đại học Việt Nam liên tục được mở rộng, cùng với sự gia tăng số lượng sinh viên (đến nay, tổng số sinh viên cả nước là hơn 1.540.000 người, tăng 50,9% so với năm 2007).

SV có nhiều điều kiện, cơ hội để tiếp cận thông tin mới, mở rộng kiến thức cũng như rèn luyện về mọi mặt. Thái độ trong học tập, nghiên cứu khoa học, trình độ, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đất nước của sinh viên được nâng cao.

Bên cạnh đó, nội dung, hình thức đào tạo đang thay đổi theo hướng tiếp cận với phương pháp, nội dung đào tạo tiên tiến. Điều kiện học tập, sinh hoạt, chỗ ở của SV có được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn, bất cập với những yêu cầu ngày càng cao về việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng học tập của SV.

Thực tế đó đòi hỏi các hoạt động của Hội ngày càng phải thiết thực và mang tính hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn sinh viên nhiều hơn nữa.

Xây dựng hình mẫu sinh viên 5 tốt ảnh 1

Chị Lâm Phương Thanh- Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam. Ảnh: Đình Thắng

Nhiều sinh viên thấy hoạt động của Hội ở không ít trường mờ nhạt, thậm chí bị lẫn với hoạt động của tổ chức Đoàn. Chị nghĩ sao về điều này?

Đó là thực tế đặt ra tại Đại hội Hội SVVN để các đại biểu tập trung thảo luận nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu hơn. Nội dung, phương thức hoạt động phù hợp, sáng tạo, trẻ trung, trí tuệ là điều cần thiết. Mặt khác, phải phát huy được tính tích cực, “cùng tham gia” của sinh viên.

Đòi hỏi đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở phải thực sự có uy tín để tập hợp sinh viên, trong khi cán bộ Hội ở các trường hầu hết là sinh viên, hoạt động kiêm nhiệm, không ít bạn thiếu kỹ năng, nghiệp vụ...

Đây vẫn là khó khăn tiếp tục được đặt ra nhưng trước mắt cần có nhiều hơn nữa cán bộ Hội năng động, nhiệt tình và hết mình vì phong trào.

Cần bộ lọc trước cơn bão thông tin

Theo chị, sinh viên Việt Nam hiện nay phải đối mặt với những thách thức nào và Hội sẽ làm gì để giúp họ vượt qua những thử thách ấy?

SV Việt Nam hiện nay bên cạnh những thuận lợi về môi trường học tập và rèn luyện, cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức: Cơ sở vật chất, chương trình đào tạo chậm đổi mới so với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; Kỹ năng thực hành của SV sau khi tốt nghiệp ra trường còn hạn chế; 

SV đang đứng trước cơn bão về thông tin và các trào lưu văn hóa, sự định hướng cho sinh viên còn hạn chế; điều kiện vui chơi, giải trí còn thiếu thốn, trong khi sinh viên luôn là đối tượng các thế lực thù định tìm cách lôi kéo, kích động tham gia các hoạt động gây mất ổn định; chính sách đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường còn nhiều bất cập...

Sinh viên 9X: Thừa năng động, thiếu kỹ năng

Chị có cảm nhận gì về thế hệ sinh viên 9X: Khả năng tự chủ, hội nhập, kỹ năng sống?

Trước hết, phải khẳng định rằng thế hệ sinh viên 9X có những đặc điểm chung của sinh viên Việt Nam, cộng với những ưu thế riêng của thế hệ mình.

Xét một cách toàn diện, thế hệ sinh viên 9X hiện nay năng động, sáng tạo, tự tin, tư duy độc lập, dám nghĩ, dám làm, dám theo đuổi những mục tiêu của  mình.

Tôi hoàn toàn tin tưởng lớp sinh viên này sẽ tiếp nối các thế hệ sinh viên trước đây, có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, lớp trẻ hiện nay, trong đó có thế hệ sinh viên 9X vẫn còn thiếu những yếu tố để có thể hoàn toàn tự tin, chủ động lập thân, lập nghiệp và hội nhập.

Cái thiếu quan trọng và cũng dễ nhận thấy nhất chính là kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội. Mặc dù xu hướng tích cực là chủ yếu, vẫn còn một bộ phận trong giới trẻ quá coi trọng giá trị vật chất mà bỏ qua nhiều giá trị văn hóa, truyền thống, tiếp thu ồ ạt văn hóa phương Tây; quá đề cao cá nhân, sống vị kỷ, không xác định đúng đắn mục đích sống.

Bản lĩnh, tri thức, kỹ năng và trách nhiệm chính là những yếu tố mà các bạn trẻ cần tự trang bị cho mình để lập thân, lập nghiệp và đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

Để góp phần khắc phục những khó khăn, thách thức đó, T.Ư Hội SVVN đã xác định 5 chương trình mang tính giải pháp, góp phần xây dựng hình mẫu người sinh viên “5 tốt” (gồm đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt): Chương trình sinh viên rèn luyện đạo đức, tác phong; Chương trình sinh viên học tập, sáng tạo; Chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên; Chương trình sinh viên tình nguyện; Chương trình xây dựng Hội SVVN vững mạnh.

Qua các chương trình này, SV được tạo điều kiện, môi trường, động lực tự giáo dục, tự rèn luyện, tự trau dồi lý tưởng, trang bị những hành trang cơ bản vào đời, lập nghiệp; từng bước đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội; xây dựng các điển hình tiên tiến trong SV một cách rộng rãi, cụ thể, sát thực với tình hình mới.

Hội SVVN sẽ góp phần tích cực giải quyết nhiều vấn đề của sinh viên, đưa ra phương hướng, giải pháp cụ thể góp phần hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay.

Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Vậy làm sao để tập hợp cũng như cung cấp thông tin đến lượng lớn sinh viên này?

Đoàn kết, tập hợp sinh viên Việt Nam và phát triển tổ chức hội sinh viên ở nước ngoài là chủ trương lớn trong chương trình công tác Hội– phong trào sinh viên Việt Nam những năm vừa qua cũng như trong thời gian tới.

Trong thời gian vừa qua, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và T.Ư Hội SVVN tổ chức nhiều hoạt động, thu hút TN, SV Việt Nam đang học tập ở ngoài nước tham gia; các bạn đã ủng hộ, đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp các phong trào sinh viên tình nguyện trong nước.

Trong thời gian tới, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và T.Ư Hội SVVN sẽ phối hợp với kênh VTV4– Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình truyền hình dành riêng cho TN, SV Việt Nam ở nước ngoài.

Qua các chương trình này, chúng tôi tin tưởng rằng SV Việt Nam đang học tập ở nước ngoài sẽ có cơ hội được gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, với sinh viên đang học tập trong nước. Ngoài ra, báo điện tử Sinh viên Việt Nam, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ cũng là một kênh thông tin rất hữu ích đối với việc truyền tải thông tin tới các bạn SV Việt Nam ở ngoài nước.

Cám ơn chị và chúc Đại hội thành công!

Phương Hiếu
Thực hiện

Ngày 15/2 khai mạc Đại hội

Đại hội Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) được tiến hành trong ba ngày từ 14 – 16/2 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, với sự tham gia của 850 đại biểu chính thức và khách mời. Chiều 14/2, ĐH họp phiên trù bị. Phiên khai mạc ĐH chính thức diễn ra ngày 15/2 sau khi đại biểu viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tại tượng đài liệt sỹ.

Chiều 15/2, 650 đại biểu chính thức tham gia bốn diễn đàn: Học tập, sáng tạo – chìa khóa của sự thành công; Chúng tôi là sinh viên tình nguyện; Hội SVVN - người bạn đồng hành của sinh viên và  SVVN rèn luyện kỹ năng, hội nhập cùng thế giới. Vào 19 giờ 30 cùng ngày, các đại biểu gặp gỡ và đối thoại với Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. 

Trong ngày làm việc cuối cùng 16/2, ĐH thảo luận tại hội trường thông qua báo cáo tổng hợp góp ý vào dự thảo Báo cáo của BCH T.Ư Hội SVVN khóa VII, báo cáo sửa đổi Điều lệ và Điều lệ sửa đổi; hiệp thương bầu BCH T.Ư Hội SVVN khóa VIII, tiếp tục nghe phát biểu của đại diện các bộ ngành, tham luận của Hội SV các tỉnh thành, ra mắt BCH mới và bế mạc ĐH. Lễ hội và gala ca nhạc, giao lưu chào mừng thành công của ĐH sẽ được T.Ư Hội SVVN tổ chức tối cùng ngày.  

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
Con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từ nhỏ đã đọc nhật ký chuyện riêng tư của cha mẹ
TPO - “Con đường văn sĩ” chuyển tải hàng trăm trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong giai đoạn 1938 đến 1945. Mộng văn chương, quá trình thai nghén tác phẩm và thêm cả những chuyện đời thường cũng được Nguyễn Huy Tưởng nêu trong nhật ký. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Thắng - con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - tiết lộ từ bé đã đọc nhật ký của cha, trong đó có cả những chuyện riêng tư của cha mẹ.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.