Xây dựng hạ tầng chậm là do vướng cơ chế

Xây dựng hạ tầng chậm là do vướng cơ chế
TP - Phóng viên Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Lương Văn Tự về những vấn đề đang đặt ra sau một năm nước ta trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Xây dựng hạ tầng chậm là do vướng cơ chế ảnh 1
Ông Lương Văn Tự

Ông Lương Văn Tự- nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Tổng Thư ký UB quốc gia Hợp tác kinh tế quốc tế, Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam.

Ông Tự cho biết:

Chỉ qua một năm gia nhập WTO, chúng ta đã có bước tiến dài.

Cái được thứ nhất và quan trọng nhất là đã xây dựng được nhiều bộ luật phù hợp với việc hội nhập kinh tế thế giới, nhiều văn bản dưới luật cũng đang được soạn thảo. Chúng ta đã có những chiến lược, chuẩn mực cao và xứng tầm hơn trước để phấn đấu và phát triển.

Cái được tiếp theo: Uy tín Việt Nam trên trường quốc tế đã cao hơn trước nhiều; quan hệ kinh tế-thương mại của Việt Nam trên thế giới đã thay đổi về chất. Các kết quả  thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển thị trường chứng khoán, xuất khẩu hàng hoá, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển... đã chứng minh điều đó.

Cái được rất lớn nữa: Tính chủ động sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tăng rất nhiều...Chỉ riêng mấy cái được đó cũng thể hiện chúng ta đã và đang tận dụng tốt các cơ hội để phát triển bền vững.

Xây dựng hạ tầng chậm là do vướng cơ chế ảnh 2
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đại diện một số DN nhận giải “Thương mại - Dịch vụ 2007”

Còn đối với những  thách thức, theo ông chúng ta giải quyết ra sao?

Những thách thức đó gắn liền và thể hiện rõ nhất ở việc chúng ta chưa tận dụng, chưa khai thác được nhiều cơ hội. Ví như, lạm phát tăng cao mà chúng ta chưa có kinh nghiệm khống chế vì chúng ta còn rất thiếu kinh nghiệm.

Cũng dễ hiểu, khi các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế phải chuyển gấp từ điều hành quản lý trực tiếp sang gián tiếp. Đây là vấn đề rất lớn, cần có thời gian đủ độ mới giải quyết được.

Một ví dụ: Vừa rồi, trước hiện tượng  một số mặt hàng công nghiệp tăng giá, nhiều người dân và doanh nghiệp đề nghị giảm thuế nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu; nhưng thực tế, đến khi Nhà nước đã giảm thuế mà các doanh nghiệp kia vẫn chưa chịu giảm giá.

Riêng điều này, chúng ta đã phải học các nước tiên tiến rất nhiều. Một ví dụ khác: Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật của chúng ta quá chậm, nhiều khi không phải do thiếu vốn mà do không giải ngân được, vì  vướng... cơ chế. Cơ chế lại do chính chúng ta tạo ra...

Có nghĩa, phần chủ động sáng tạo của chúng ta còn “có vấn đề”. Cũng tương tự, con số thu hút đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc 60-70 tỷ USD/năm, so với con số vào VN đến nay tổng cộng mới hơn 80 tỷ USD rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Trao thưởng cho 108 DN tiêu biểu sau một năm gia nhập WTO

Tròn một năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, 108 doanh nghiệp (DN) tiêu biểu nhất (chọn từ gần 500 DN) ở 11 lĩnh vực cam kết với WTO đã được Bộ Công Thương trao giải thưởng “Thương mại dịch vụ - Top trade services 2007” vào sáng qua (6/1). Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến dự và trao giải.

“Kết thúc năm đầu tiên gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay (8,5%). Điều đó cho thấy việc Việt Nam gia nhập tổ chức này là hợp xu thế và hoàn toàn đúng đắn. Hơn thế, nó còn khẳng định sự hội nhập nhanh chóng của Việt Nam, mà trọng tâm là các DN thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ” - ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng BTC giải khẳng định tại buổi lễ.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, việc tôn vinh các DN sẽ góp phần khẳng định sự thành công của chúng ta trong việc thực hiện các cam kết của WTO, tạo đà hội nhập sâu rộng hơn trên cơ sở các cam kết đã ký.

Ông Vĩnh cũng khẳng định Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ, xem việc tổ chức giải thưởng này là một động lực lớn để DN có thêm sức mạnh và ngày càng khẳng định vị thế của mình, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Sự có mặt của hầu hết các DN hàng đầu Việt Nam tại buổi lễ này thể hiện bước tiến rất nhanh khi ra sân chơi WTO… 

Một vấn đề rất quan trọng trong kinh tế là chuyển đổi phương thức mua bán.

Việc mua bán qua Internet, chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Hãy hình dung, chỉ trong khâu làm thủ tục hải quan, nhờ thực hiện qua Internet, mỗi năm Nhà nước đã giảm chi khoảng 4,3 tỷ đồng.

Một số chuyên gia dự tính, với mức độ hoạt động kinh tế như hiện nay, nếu thực hiện thương mại điện tử thì tổng chi phí mỗi năm của các doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 14,4 tỷ USD.

Riêng khâu này đã là cuộc cách mạng. Chưa kể, thực hiện thương mại điện tử còn góp phần đắc lực chống tham nhũng...

Theo ông,  những việc mà chúng ta cần lưu ý nhất trong thời gian tới là gì?

Có nhiều vấn đề lắm. Ở đây chúng tôi chỉ xin nêu một vấn đề: Giải quyết dân sinh thế nào trong quá trình tăng trưởng kinh tế.

Làm thế nào giảm thiểu sự chênh lệch giữa các vùng miền, thu hẹp khoảng cách giữa người giàu với người nghèo, giữa các thành phần và các ngành kinh tế, trên cơ sở phát huy tối đa các nguồn lực xã hội.

Đầu tư nhiều nhưng năng lực không đáp ứng được thì dễ gây hiệu ứng xấu. Phải có cơ chế, chính sách phát huy năng lực, mà việc xây dựng cơ chế chính sách không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước; mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp đều có trách nhiệm.

Gia nhập WTO, chúng ta buộc phải có những chính sách phù hợp yêu cầu của WTO. Như vậy đồng nghĩa với việc người dân và các doanh  nghiệp phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức mới, mất đi nhiều nguồn hỗ trợ theo lối cũ từ Nhà nước.

Nay, Nhà nước cần và có thể đưa ra nhiều chính sách mới, vừa đảm bảo yêu cầu của WTO vừa tạo thuận lợi cho người dân nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trong đó bao hàm cả ý nghĩa phát huy tính năng động.

Các chính sách (kinh phí, giá, hỗ trợ kỹ thuật...) đó rất đa dạng, nhiều nước đã làm và có hiệu quả, như: xoá đói giảm nghèo; phát triển kinh tế, công nghiệp hoá nông thôn; đưa thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp về nông thôn; Nhà nước hỗ trợ nông dân bằng các chính sách khuyến nông, giúp nông dân giảm chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ lợi phí...; tăng cường các giải pháp hỗ trợ vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; giảm chi phí thủ tục lao động xuất khẩu...

Nguyên Bảng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.