Xây dựng cơ chế phán quyết sự vi hiến

Xây dựng cơ chế phán quyết sự vi hiến
TP - Đó là ý kiến của GS.TS Trần Ngọc Đường (Văn phòng Quốc hội) tại Hội thảo “Kinh nghiệm lập hiến của Việt Nam và Hoa Kỳ” được tổ chức tại Hà Nội hôm qua.

> Bổ sung một số quyền mới về quyền con người
> Sẽ sớm có quy chế lấy phiếu tín nhiệm

Đề xuất thành lập Hội đồng bảo hiến

Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phân công rõ các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo hướng Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và Toà án thực hiện quyền tư pháp.

Quy định nhiệm vụ quyền hạn của các quyền phù hợp với tính chất và khả năng thực hiện của mỗi quyền.

Chẳng hạn, đối với quyền lập pháp của Quốc hội, cần phân định nhiệm vụ quyền hạn lập hiến giữa nhân dân, chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước và Quốc hội; điều chỉnh một số nhiệm vụ quyền hạn về giám sát tối cao việc tuân thủ Hiến pháp.

Đối với quyền hành pháp, cần làm rõ nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp và với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Còn đối với quyền tư pháp, cần quy định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của quyền tư pháp và nhiệm vụ quyền hạn của Toà án theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử.

GS Đường cho rằng cần xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp. Trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhằm khắc phục sự thiếu hụt của cơ chế bảo vệ Hiến pháp phi tập trung hiện nay có thể thành lập Hội đồng bảo hiến.

Sửa đổi Hiến pháp cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước theo hướng khắc phục khiếm khuyết của cơ chế kiểm soát hiện hành, chỉ có giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, không có giám sát của tư pháp đối với lập pháp và hành pháp.

GS.TSKH. Đào Trí Úc (ĐHQG Hà Nội, Ủy viên thường trực Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp năm 1992) cũng cho rằng, Hiến pháp cần chỉ rõ cơ quan nào là cơ quan lập pháp, cơ quan nào là hành pháp, cơ quan nào là tư pháp.

Thu hút sự tham gia của người dân

Chia sẻ những kinh nghiệm lập hiến của Hoa Kỳ, GS Thomas Ginsburg (Đại học Chicago, Hoa Kỳ) cho biết, Hiến pháp của Hoa Kỳ tồn tại hơn 200 năm (ra đời từ năm 1779).

Mặc dù đã lạc hậu, nhiều người dân Mỹ không hài lòng, nhưng Hiến pháp của Hoa Kỳ tồn tại lâu dài là có Tòa án Tối cao - cơ quan giúp vượt qua những khó khăn, cản trở của Hiến pháp, thông qua sự giải thích để phù hợp với sự thay đổi của đời sống.

Chính Tòa án làm cho Hiến pháp mang tính đại diện hơn, thu hút sự tham gia của người dân hơn. Những giải thích của tòa án đã bảo vệ quyền lợi của người dân, quyền bầu cử của người dân.

Theo GS Thomas, Hiến pháp nên thiết kế đề cập đến những thể chế, thiết chế tồn tại lâu dài, có khả năng thích nghi được với điều kiện xung quanh, linh hoạt và có những điểm càng chi tiết càng tốt.

Bản Hiến pháp phải mang tính toàn diện, lôi kéo được sự tham gia của người dân, đóng góp vào tiến trình dân chủ, quản lý Nhà nước. Trong quá trình soạn thảo Hiến pháp cần phải lấy ý kiến của nhân dân để biết những vấn đề, nguyện vọng mà người dân quan tâm.

Sau khi hoàn thiện bản dự thảo Hiến pháp cần tiếp tục tăng cường sự tham gia của nhân dân bằng cách trưng cầu ý kiến của nhân dân trước khi phê duyệt Hiến pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG