Xây dựng 'Chi bộ bốn tốt', một vài kinh nghiệm

Xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” không thể chỉ là khẩu hiệu chung chung, mà các chi bộ, đảng bộ cần bám sát đặc thù nhiệm vụ để xây dựng tiêu chí phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị.

Thực hiện Nghị quyết số 21 – NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; Kế hoạch số 07 - KH/TW, ngày 17/8/2022 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW; Kế hoạch số 110-KH/ĐUK ngày 22/12/2023 của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương về triển khai thực hiện mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt”, các đảng bộ, chi bộ cơ sở đảng cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ then chốt. Để từ đó, các cấp ủy đảng xây dựng nghị quyết, chương trình đẩy mạnh thực hiện xây dựng “Chi bộ bốn tốt" với các nội dung: Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; Chất lượng sinh hoạt tốt; Đoàn kết, kỷ luật tốt; Cán bộ, đảng viên tốt.

Để làm tốt nhiệm vụ này, trước hết, các cấp ủy đảng cần tập trung vào công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai xây dựng “Chi bộ bốn tốt” trong cấp ủy, các tổ chức đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi tập thể, cá nhân về vai trò, vị trí quan trọng của tổ chức cơ sở đảng, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng “Chi bộ bốn tốt”.


Những kết quả từ xây dựng “Chi bộ bốn tốt” sẽ là tiền đề tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, cần xác định xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” không phải là khẩu hiệu, chung chung, mà cần bám sát đặc thù nhiệm vụ để xây dựng các tiêu chí “Chi bộ bốn tốt” phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị; đồng thời được quán triệt, triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục trong toàn đảng bộ, chi bộ, gắn với việc đánh giá, xếp loại chất lượng chi bộ và đảng viên hằng năm.

Việc chấm điểm chất lượng sinh hoạt chi bộ cũng cần được thực hiện nghiêm túc. Kết quả thực hiện “Chi bộ bốn tốt” cùng với kết quả thực hiện công tác đảng hằng tháng của mỗi chi bộ phải được báo cáo đều đặn về bộ phận chuyên trách công tác đảng, hoặc Ủy ban Kiểm tra để kiểm tra, giám sát. Đảng ủy giao Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại các chi bộ; phân công cụ thể các đồng chí ủy viên Ban chấp hành phụ trách chi bộ nào có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện “Chi bộ bốn tốt” của chi bộ đó… Với quyết tâm cao và những cách làm quyết liệt, hiệu quả, công tác xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” sẽ sớm trở thành nền nếp của đơn vị, tạo sức lan tỏa trong toàn đảng bộ, chi bộ.

Thứ ba, các đảng uỷ, chi ủy cũng cần chú trọng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đảng bộ, chi bộ. Thông qua các cách thức tuyên truyền sáng tạo, đổi mới về tấm gương Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động đã nhận thức sâu sắc về nội dung tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, tự giác học và làm theo Bác về ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cũng từ đó, tự thân mỗi người nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cùng khát vọng xây dựng và phát triển đơn vị.

Hằng năm, ở các đơn vị có điều kiện, có thể tổ chức các cuộc thi về Đảng, về Bác Hồ với hình thức sân khấu hóa hấp dẫn, cuốn hút được đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia. Thông qua hoạt động này, nghị quyết của các cấp ủy đảng trở nên gần gũi với cuộc sống, với hoạt động lao động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các kết luận, chỉ thị, quy định… của Đảng về nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên, nhất là việc xây dựng “Chi bộ bốn tốt” qua đó sẽ được mọi người dễ nhớ, dễ thuộc và dễ thực hiện. Nhờ vậy, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong đảng bộ, chi bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ tư, ở cấp đảng bộ, Ban chấp hành Đảng bộ cần không ngừng nỗ lực xây dựng, vun đắp, lan tỏa giá trị của “Chi bộ bốn tốt” đến mỗi tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ. Xây dựng nội dung “bốn tốt” theo từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn phát triển của đơn vị, cùng với đó cần quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới nội dung sinh hoạt đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình hoạt động kinh doanh của từng đơn vị. Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác cán bộ, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ hoạt động của các chi bộ đảng, để kịp thời điều chỉnh trong thực tiễn hoạt động.

Gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh và đội ngũ đảng viên chất lượng được xem là giải pháp hiệu quả trong việc kết hợp yếu tố về con người và tổ chức, tạo thành nền tảng vững chắc để vừa góp phần phòng, chống, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực, vừa phát triển đơn vị bền vững…, là yếu tố quan trọng để xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt”.

Vận dụng những bài học quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động của đảng bộ, chi bộ, các cấp ủy đảng sẽ chủ động trong công tác lãnh đạo việc chấp hành chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, coi trọng, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trong hoạt động của đơn vị. Với tinh thần chỉ đạo thông suốt, lan tỏa, mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ bốn tốt” sẽ ngày càng được nhân rộng trong toàn hệ thống, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn.

Những kết quả từ xây dựng “Chi bộ bốn tốt” (với các nội dung: Lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; Chất lượng sinh hoạt tốt; Đoàn kết, kỷ luật tốt; Cán bộ, đảng viên tốt) sẽ là tiền đề tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh toàn diện.