Ngày 23/10, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị Văn hóa tỉnh Bắc Ninh. Chương trình được trực tiếp đến 138 điểm cầu trên toàn tỉnh. Tham dự chương trình có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Theo tỉnh Bắc Ninh, công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều thành tích quan trọng. Toàn tỉnh có 643 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 204 di tích cấp quốc gia, 435 di tích cấp tỉnh. Tỉnh có 14 nhóm hiện vật, cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia.
Về di sản văn hóa phi vật thể, dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Nghi lễ và trò chơi “kéo co” làng Hữu Chấp, xã Hoàng Long (thành phố Bắc Ninh) được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện nhân loại.
Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Tỉnh Bắc Ninh có 8 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh” cho 156 người, trong đó có 3 người được Chủ tịch nước phong tặng “Nghệ nhân nhân dân”, 17 danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú. Ngoài 44 làng quan họ gốc, tỉnh Bắc Ninh có 150 làng quan họ thực hành và 369 câu lạc bộ quan họ. Toàn tỉnh Bắc Ninh có 11 nhà chứa quan họ được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng.
Đến năm 2021, tỉnh Bắc Ninh có hơn 92 % gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, hơn 92 % khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh Bắc Ninh có 607/730 thôn, làng, khu phố có nhà văn hóa đạt chuẩn.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, khoa bảng. Bắc Ninh là quê hương có nhiều danh thần, võ tướng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gợi mở, tỉnh Bắc Ninh cần nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa là sức mạnh nội sinh đảm bảo độc lập, tự chủ. Tỉnh Bắc Ninh nên xác định xây dựng văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm của các ủy Đảng và chính quyền, tập trung nghiên cứu xác định xây dựng hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (ở giữa) tham dự hội nghị. |
“Tỉnh Bắc Ninh tập trung phát triển nguồn nhân lực về văn hóa, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tỉnh Bắc Ninh nên chủ động, tích cực hội nhập văn hóa, xây dựng Bắc Ninh trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế, đưa văn hóa, quan họ Bắc Ninh ra thế giới”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh về một số điểm mới trong quan điểm về phát triển văn hóa Bắc Ninh. Theo đó, văn hóa là động lực, nền tảng để thực hiện thành công sự phát triển bền vững tỉnh Bắc Ninh. Văn hóa cần đầu tư bảo tồn, gìn giữ, phát huy, nhưng văn hóa phải tạo động lực, tạo ra giá trị vật chất, của cải cho xã hội.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, tỉnh sẽ tích hợp vào quy hoạch đô thị các trầm tích, giá trị văn hóa. Khu đô thị mới ở Bắc Ninh có dáng dấp trầm tích văn hóa Kinh Bắc. Tỉnh Bắc Ninh đưa ra các giải pháp định vị văn hóa Bắc Ninh trên trường quốc tế. Bắc Ninh sẵn sàng đăng cai các sự kiện tầm cỡ quốc tế và đem văn hóa Bắc Ninh ra thế giới. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.