Reuters cho hay, công trình, do học giả Tiết Công (Xue Gong) thực hiện, viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore ấn hành trong tuần qua, cho thấy các hoạt động ngày càng mở rộng của các công ty nhà nước Trung Quốc. Các công ty này chủ yếu phát triển hạ tầng và du lịch, thăm dò dầu mỏ ở biển Đông, bao gồm cả những hoạt động ở những vùng nước tranh chấp.
Một số chuyên gia và học giả tin rằng sự hiện diện ngày càng tăng của các hoạt động thương mại khiến tình hình ngày càng phức tạp trong khi Bắc Kinh đang khuyến khích các công ty của họ tăng cường hoạt động tại biển Đông dưới sự bảo trợ chính trị và quân sự từ chính quyền.
Các công ty nhà nước Trung Quốc này hoạt động trong một môi trường phức tạp phục vụ các lợi ích mà phía chính quyền xếp vào hàng chiến lược, học giả Tiết nói với Reuters. “Họ không thể hoạt động độc lập, và khi chính sách khiến cơ hội trở nên “ngon ăn”, họ sẵn sàng làm mọi việc. Và chúng ta đã thấy dấu hiệu của những hành vi dạng đó ở biển Đông”, học giả Tiết, thuộc trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nói. “Nếu chính phủ Trung Quốc có thể duy trì thế thượng phong trong một thời gian dài, sẽ còn có nhiều cơ hội to lớn hơn cho các công ty nhà nước này”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào trước thông tin mà học giả Tiết Công đưa ra.
Bản báo cáo của học giả Tiết, dù ghi nhận sự khó khăn trong việc thu thập các thông tin về tài chính, kết luận rằng Trung Quốc đã phải tiêu tốn nhiều tỷ USD để biến các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng trái phép trở thành các hòn đảo nhân tạo.
Báo cáo trích dẫn thông tin từ báo chí Trung Quốc ước tính rằng chỉ riêng các công trình Trung Quốc xây trên đá Chữ Thập, gồm 3km đường băng và các hạng mục phục vụ quân sự như hệ thống tên lửa, đã tiêu tốn khoảng 11 tỷ USD.
Các hoạt động xây đảo và những tuyên bố chủ quyền ngang ngược với cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đã khiến cộng đồng thế giới bất bình.
Báo cáo của học giả Tiết Công cho thấy các công ty nhà nước hưởng lợi cụ thể như thế nào từ những chỉ lệnh từ chính quyền trung ương. Ví dụ, tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) và các công ty con từ năm 2012 đã nhận được các hợp đồng chế tạo những giàn thiết bị nạo vét thuộc hạng lớn nhất thế giới.
CCCC đã thành lập các đơn vị chi nhánh đặt trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974, với mục tiêu mở rộng các hoạt động du lịch, kho vận, đánh cá, bên cạnh các hoạt động chính vẫn đang diễn ra là xây dựng, theo báo cáo.
Họ đã đầu tư 15 tỷ USD vào nhiều lĩnh vực, một kế hoạch “xuất phát từ thực tế rằng họ (CCCC) đã âm thầm thu lợi từ việc xây đảo nhân tạo ở biển Đông thông qua việc thực thi nhiệm vụ chính phủ giao”, báo cáo viết.
CCCC cũng hợp tác với các công ty nhà nước khác, bao gồm tập đoàn Dịch vụ Lữ hành Trung Quốc (CTSG) để đóng một tàu du lịch hạng sang, phát triển các dịch vụ du lịch ở quần đảo Hoàng Sa. Cả CCCC lẫn CTSG đều không đưa ra bình luận khi được Reuters đề nghị.
Hơn 70.000 lượt du khách đã du ngoạn trên bốn tàu du lịch tới biển Đông kể từ khi tour Hoàng Sa khai trương từ tháng 4/2013, chính quyền đảo Hải Nam tuyên bố hồi tháng Hai. Đã có 680 chuyến bay thương mại hạ cánh xuống đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc cho xây trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”, tính đến cuối tháng 12/2017. Đây là những hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Báo cáo của học giả Singapore cũng nói tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã vận động hành lang để thúc đẩy sự can dự sâu hơn của Trung Quốc vào biển Ðông, để nhận được nhiều ngân sách hơn. CNOOC sau đó được chi 32 tỷ USD cho việc thăm dò và chế tạo giàn khoan nước sâu khổng lồ mang tên Hải Dương 981, hạ đặt trắng trợn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014.