Xây ba trường quay, có lãng phí?

Phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” quay tại Cổ Loa. Ảnh: Hồng Hạnh
Phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” quay tại Cổ Loa. Ảnh: Hồng Hạnh
TP - Dự kiến sắp tới Việt Nam có ba trường quay tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, trong khi không khai thác tốt trường quay Cổ Loa. Đây là một trong số nội dung được bàn thảo tại Hội nghị hội thảo về triển khai đề án quy hoạch, phát triển điện ảnh sáng 24/4 tại Bộ VHTT&DL.

Nhu cầu bức thiết của nhiều nhà làm phim Việt về một trường quay chuyên nghiệp là có thật. Hai năm trước, trong một hội thảo do Cục Điện ảnh tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhiều nhà làm phim đặt vấn đề biến nơi này thành trường quay.

Thực tế là nhiều phim lịch sử, cổ trang đều chật vật tìm bối cảnh, như Đường tới thành Thăng Long phải thuê trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc).

Đề án “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” được Chính phủ phê duyệt, theo đó là cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, trong đó phải kể ba trường quay.

Diện tích trường quay ở Hà Nội, TPHCM khoảng 100-150 ha, ở Đà Nẵng là 50-70 ha. Đây không phải trường quay ngoại quá lớn. Tuy nhiên, nhiều người góp ý cần cân nhắc, bởi bài học từ trường quay Cổ Loa còn đó.

“Trong chuyến công tác Hàn Quốc tuần trước, tôi làm việc rất kỹ với Hội đồng điện ảnh Hàn quốc và thăm trường quay của họ. Trường quay rất lớn, cách thủ đô hai tiếng chạy xe, mất 7 năm xây dựng. Trong những năm đầu, có 80% phim của Hàn Quốc quay ở đây, nhưng thời gian sau số lượng giảm dần.

Hôm chúng tôi đến, cả trường quay rộng lớn không có đoàn làm phim nào, chỉ lác đác khách du lịch. Họ nói sẽ thay đổi, bán đi và di chuyển để xây dựng trường quay hiện đại hơn”, Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan nói.

Đạo diễn Đông Dương làm Chủ tịch BGK LHP Việt Nam tại Pháp

Cục trưởng Cục Điện ảnh TS. Ngô Phương Lan thông báo, LHP Việt Nam tại Pháp diễn ra từ 1-6/7 tới, do đạo diễn nổi tiếng Régis Wargnier (Đông Dương) làm Chủ tịch Ban giám khảo-gồm 9 thành viên là các đạo diễn, diễn viên Pháp, trong đó có cả diễn viên Phạm Linh Đan. Cục cũng để cho nhà tổ chức tại thành phố biển Saint-Malo tuyển lựa 9 phim dự thi, trong số 29 phim truyện điện ảnh trình chiếu. Tới Pháp dịp này, điện ảnh Việt cũng giới thiệu một số phim tài liệu, hoạt hình tiêu biểu. Đại diện Cục nói, sự kiện này được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, vì không có ngân sách chi cho sự kiện điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài

PGS.TS Trần Luân Kim nhấn mạnh, cần tránh lãng phí khi đầu tư xây ba phim trường. “Hiện nay, Việt Nam yếu nhất là phim trường nội cảnh, thiếu thiết bị nội cảnh nên khó chủ động ánh sáng, màu sắc. Nước ngoài ngày càng quay ngoại cảnh nhiều, do đó cần xem xét kỹ hơn khi lấy nhiều đất, tốn nhiều tiền để xây trường quay”, ông nói.

Ngoài việc xây ba phim trường, bộ mặt điện ảnh nước nhà hứa hẹn đột phá, theo Quyết định 88 của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ có ít nhất một rạp chiếu, với trang thiết bị hiện đại, trước mắt là xếp kho công nghệ làm phim nhựa 35mm-vì giá thành sản xuất đắt đỏ, thế giới cũng không chấp nhận chiếu định dạng này nữa. Theo kế hoạch, đến hết 2015 sẽ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật số cho các đội chiếu bóng lưu động.

Mới đây, Đài THVN thông báo nâng cấp chất lượng hình ảnh full HD (tương đương 1K), còn tiêu chuẩn phim đang chiếu tại các rạp chiếu thế giới, Việt Nam là 2K, công nghệ cao nhất hiện nay là 4K. “Là người làm hình ảnh, 6 năm qua, mỗi năm tôi quay một phim bằng sêri máy kỹ thuật số mới hơn. Chúng ta không thể đuổi theo công nghệ như thay điện thoại di động, thế thì chết.

Ở giai đoạn tiền kỳ, tiền đầu tư cho phim nhiều càng tốt hơn cho người làm nghệ thuật, nhưng tiền đầu tư cho công nghệ phải thận trọng. Nên để các cơ sở, cơ chế thị trường điều tiết, chúng ta trả tiền thuê máy để có thể dùng máy móc hiện đại nhất”, nhà quay phim Lý Thái Dũng nói.

Đồng quan điểm này, ông Trần Luân Kim cũng nhắc đến chuyện cần chống lãng phí trong việc mua sắm thiết bị. Ông cho rằng, nếu thay mới toàn bộ, số tiền sẽ rất lớn, rồi dăm bảy năm nữa lại lạc hậu thì rất phí, nên tham khảo một số nền điện ảnh.

Trong khi đó, nhà quay phim Lý Thái Dũng đề xuất, phim Việt Nam sản xuất và khai thác được một thời gian, nên “mất bản quyền trên đất Việt”, bởi vì số người tiếp cận với rạp chiếu không lớn, có thể đến với điện ảnh qua chiếu bóng lưu động, chất lượng phim HD cũng được rồi.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.