Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, việc xây thêm 4 thủy điện trên địa bàn là cần thiết để phát triển KTXH địa bàn và không có gì “đáng lo ngại”.
Theo ông Bửu, 4 thủy điện đang được đề xuất xây thêm là 4 thủy điện nhỏ, không ảnh hưởng đến tự nhiên, không ảnh hưởng đến hộ dân nào. Tất cả thủy điện này đều đưa nước về thủy điện Sông Tranh 2 nên hạ du không ảnh hưởng gì cả. Việc xây dựng thủy điện là cần thiết để phát triển KTXH tại địa phương.
“Hiện nay, tại huyện Nam Trà My chỉ có 1 đường dây trên 35KV. Hầu như ngày nào chiều cũng cúp điện, mùa mưa cúp điện cả tuần. Trong khi đó địa phương đang phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm, hiện Nam Trà My cũng có cụm công nghiệp, nhiều tập đoàn lên đầu tư xây dựng. Có cụm công nghiệp mà không có điện sao họ làm. Muốn có điện thì cần phải có đường dây 110KV. Bây giờ nhà nước không bao giờ có đủ tiền để đầu tư đường dây 110KV từ Bắc Trà My lên Nam Trà My kinh phí lên tới hơn 400 tỷ”, ông Bửu nói.
“Trực tiếp đi tới 4 thủy điện, đứng nhìn rõ ràng thì không có rừng, chỉ có rừng nứa thôi và không ảnh hưởng đến đất của nhân dân. Cam đoan việc này không ảnh hưởng đến rừng, không ảnh hưởng đến người dân, chỉ góp phần giúp cho KTXH phát triển” - ông Bửu khẳng định.
Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương, cho hay hiện trên địa bàn tỉnh có 34 thủy điện, số thủy điện này chỉ khai thác được 1/3 tổng tiềm năng thủy điện của tỉnh. Các địa phương đề nghị bổ sung 18 thủy điện, tuy nhiên sau khi rà soát chỉ chọn thực hiện 4 thủy điện ở huyện Nam Trà My vì địa phương này đã và đang tập trung phát triển sâm Ngọc Linh và phát triển du lịch, nếu không có điện thì sẽ rất khó để phát triển.
Cần cân nhắc thật kỹ
Bà Lê Thị Thủy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam thì cho rằng việc đầu tư xây dựng thêm 4 thủy điện là không cần thiết và chưa tính đến vấn đề hệ lụy sâu xa. “Có cần thiết phải có nhiều thủy điện như vậy không? Tôi chưa thấy có tỉnh nào quá nhiều thủy điện như Quảng Nam hiện nay” - bà Thủy đề cập.
Theo bà Thủy, việc xây dựng thêm thủy điện là mới tính đến bài toán kinh tế nhưng vấn đề lâu dài chưa được tính toán kỹ. Nếu xét bài toán kinh tế thì làm thủy điện có nguồn lợi nhuận rất lớn, thu ngân sách, nhưng phải nhìn thấy bản chất sâu xa sau này, lâu dài sẽ mất đất, mất rừng rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là diện tích đất thu hồi làm thủy điện thì chừng đó nhưng diện tích rừng mất bao nhiêu? Chưa nói hậu quả kéo theo nó. Mấy năm trước, thủy điện Sông Tranh 2, cứ đến mùa mưa là lâm tặc lợi dụng hô nước lên để vào trong rừng khai thác gỗ, giờ làm thêm 4 thủy điện sẽ không loại trừ lâm tặc lợi dụng khai thác gỗ.
“Chúng ta chỉ thấy bên ngoài một mảng rừng còn xanh nhưng trong “ruột” đó có ai thấy được đã bị mất không?” Hệ lụy từ thủy điện là rất lớn, chưa nói diện tích đất rừng phải thu hẹp như vậy ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, con vật sinh sống, ảnh hưởng về biến đổi khí hậu. Giờ chúng ta phá dần dần thì hậu thế 100 năm sau sẽ quay ngược lại “chửi” chúng ta, nói chúng ta là tội đồ” - bà Thủy gay gắt.
Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc xây dựng 4 thủy điện cần được cân nhắc kỹ. “Nếu nói không có hại gì cả thì không đúng. Đã là thủy điện thì dứt khoát sẽ ảnh hưởng môi trường sinh thái, vấn đề ít hay nhiều và phải cân đối giữa lợi và hại kể cả trước mắt và lâu dài để từ đó lựa chọn cái tốt nhất. Việc xây dựng thủy điện kể cả là thủy điện vừa và nhỏ cũng cần phải cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ” - ông Thẩm chia sẻ.
Bốn dự án thủy điện nằm trên địa bàn Nam Trà My, gồm thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và thủy điện Trà Leng. 4 dự án thủy điện trên có tổng công suất 78,8MW; Tổng diện tích chiếm đất của 4 dự án là 144, 27ha (bình quân 1,83ha/1MW). Trong đó chiếm đất lâm nghiệp là 60,1ha.
Tránh nguy cơ động đất kích thích
Theo PGS.TS Lê Huy Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, điều kiện địa chất, địa vật lý của huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My tương đối giống nhau, thậm chí tại Nam Trà My còn tồn tại đứt gãy lớn hơn Bắc Trà My. Vì vậy nguy cơ xảy ra động đất kích thích nếu xây dựng 4 công trình thủy điện cần được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng.
Trước đó, từ cuối năm 2011, tại huyện Bắc Trà My liên tục xảy ra động đất sau khi hồ chứa của nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đi vào hoạt động, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như an toàn hồ đập. Các nhà khoa học nghiên cứu và xác định động đất ở Bắc Trà My là động đất kích thích do việc xây dựng hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2. Trận động đất lớn nhất ghi nhận được là 4,7 độ richter xảy ra ngày 15/11/2012. Từ đó, đến nay động đất kích thích vẫn liên tục xuất hiện tại khu vực này với tần suất tương đối lạ. Theo PGS.TS Cao Đình Triều, Chủ tịch Hội KHKT địa vật lý Việt Nam, động đất kích thích thường chỉ xảy ra một đợt rồi chấm dứt thì ở Sông Tranh 2, động đất bùng phát theo từng chu kỳ, giảm dần xong lại bùng phát.
Không chỉ ở Bắc Trà My, ngay tại khu vực Nam Trà My, nơi đang dự kiến xây dựng 4 công trình thủy điện cũng ghi nhận nhiều trận động đất kích thích do hồ chứa của thủy điện Sông Tranh 2. Mới nhất, ngày 21/5/2017 một trận động đất có độ lớn 2.7 độ richter xảy ra tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đầu năm 2017, chỉ trong 5 ngày, tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam xảy ra một đợt động đất với 3 trận động đất liên tiếp, trận mạnh nhất có cường độ 3,9 độ richter kèm theo những tiếng nổ trong lòng đất.
PGS Lê Huy Minh cho biết, thực tế, các nhà khoa học cũng ghi nhận nhiều trận động đất đã xảy ra trên đứt gãy Hương Nhượng - Tà Vi và các đứt gãy xung quanh nó sau khi hồ chứa thủy điện sông Tranh 2 đi vào hoạt động. Vì vậy, phải khảo sát, đánh giá kỹ nếu có chủ trương xây dựng 4 nhà máy thủy điện ở đây, tránh nguy cơ động đất kích thích như đang xảy ra ở Bắc Trà My và cả Nam Trà My.
Nguyễn Hoài