Xăng dầu sắp tăng giá liên tục?

Với quy định tại dự thảo nghị định mới, lo ngại giá xăng dầu sẽ tăng liên tục. Ảnh: Hồng Vĩnh
Với quy định tại dự thảo nghị định mới, lo ngại giá xăng dầu sẽ tăng liên tục. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Doanh nghiệp (DN) xăng dầu được tự quyết giá trong phạm vi 3% theo dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang khiến dư luận lo ngại. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu phương án mới này được phê duyệt, trong thời gian tới xăng dầu sẽ tăng giá liên tục.

Đã độc quyền, lại thêm quyền


Theo nội dung dự thảo mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng, các DN xăng dầu sẽ được tăng giá trong phạm vi 3% (khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành - PV). Quy định này đang khiến dư luận lo ngại giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ chỉ được DN điều chỉnh tăng liên tục. 

“Liên quan đến vấn đề minh bạch giá xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương liên tục yêu cầu các DN xăng dầu phải công khai minh bạch tất cả các khâu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh”. 

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, xăng dầu là mặt hàng nguyên nhiên liệu chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế. Xăng dầu không những tác động đến rất nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà còn “đánh” trực tiếp vào túi tiền người dân. “Với tinh thần trao quyền cho DN và tinh thần điều hành giá của Bộ Công Thương, nghị định mới nếu được thông qua, sẽ khiến giá xăng dầu trong nước dễ tăng nhanh hơn và tăng nhiều lần hơn so với hiện nay”, ông Long nói. 

Thực tế, dự thảo mới quy định DN được tự tăng từ 0-2%, trên 2-7% thì DN quyết một phần, trên 7% Thủ tướng xem xét. Quy định như vậy, theo ông Long là chưa phù hợp với Luật giá. Hiện, Luật giá quy định rất rõ trường hợp nào Nhà nước định giá, trường hợp nào DN định giá. Trong khi đó, thị trường xăng dầu hiện nay đang là độc quyền nhóm. Nếu chỉ sửa mức tăng từ 7% xuống 2%, nhiều khả năng việc điều hành giá xăng dầu tới đây vẫn không nhận được sự đồng thuận của xã hội. 

Cũng theo ông Long, dự thảo nghị định lần này đề xuất việc tính giá cơ sở dựa vào chu kỳ 15 ngày thay vì tính bình quân 30 ngày như hiện nay cũng chưa giải quyết rốt ráo câu chuyện cạnh tranh giữa các DN đầu mối xăng dầu. “Với Petrolimex, nhờ có hệ thống bán lẻ, cửa hàng quá lớn nên việc tính giá cơ sở dựa trên 30 ngày hay 15 ngày đều chẳng ảnh hưởng”, ông Long nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, dự thảo kinh doanh xăng dầu mới đã thêm quyền cho DN. Do đó, việc người dân lo ngại giá xăng dầu sẽ tăng mạnh, tăng liên tục là có cơ sở. Ông Thắng phân tích: Ở hai nấc đầu (3% và 7%), các DN xăng dầu sẽ chỉ cần kê khai giá tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước vài ngày. Ở nấc thứ ba, khi diễn biến giá xăng dầu tăng cao quá 7%, DN cần phải báo cáo lên Bộ quản lý trong 5 ngày để xem xét. Nếu quá thời hạn này, Bộ không có hồi âm, DN cũng có thể được phép tự tăng giá. “Không có gì để quản việc tăng giá của DN và cũng chả có cách nào để kìm được sự tăng giá của DN”, ông Thắng nói.

Bộ khó kìm giá, người tiêu dùng lãnh đủ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã hơn 10 lần điều chỉnh. Mỗi lần điều chỉnh, mức tăng trên dưới 300 đồng/lít đã khiến người tiêu dùng toát mồ hôi. Theo bà Lan, nếu dự thảo Nghị định mới được “quyết” (thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu hiện hành), giá xăng dầu tăng có thể sẽ tăng gấp đôi hiện nay, càng khiến DN và người tiêu dùng điêu đứng.

“Rõ ràng, trong dự thảo mới này, chưa thấy điểm nào thể hiện việc Bộ chủ quản sẽ kiểm soát được tần suất tăng giá của DN”, bà Lan nói. Theo bà Lan, dù dự thảo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa 2 lần tăng giá là 15 ngày, thì 1 tháng, DN vẫn có thể tăng giá xăng dầu 2 lần (tối thiểu 500-600 đồng/lít) và không loại trừ mức tăng còn cao hơn theo sự nới rộng tối đa của dự thảo nghị định mới cho phép. 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhiều lần thể hiện chính kiến không đồng tình với quan điểm của nhà soạn thảo nghị định mới về xăng dầu. Theo ông Doanh, thị trường xăng dầu chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa nên việc nới rộng quyền cho DN xăng dầu sẽ khiến giá xăng dầu nhảy loạn xạ. Khi đó, người dân, DN không có quyền lựa chọn giá và quyền lợi của người dân sẽ chỉ ở trong tay một vài DN xăng dầu lớn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho biết, với năng lực hạn chế trong việc kiểm soát nguyên tắc tính giá xăng dầu của DN như hiện nay, nếu Nhà nước tiếp tục để cho họ tự định giá (dù biên độ hẹp) cũng sẽ rất nguy hại. DN xăng dầu đang thống lĩnh thị trường sẽ làm mọi cách để tính giá có lợi cho DN mà Nhà nước rất khó kiểm soát, còn người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đề nghị Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu chẳng khác nào để Bộ này “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Thực tế, với quy định giá xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường, DN được quyền tự tăng giá trong phạm vi 3%, cơ quan nhà nước khó có thể can thiệp. Thậm chí, khi giá thế giới tăng cao khiến giá bán lẻ trong nước phải điều chỉnh (ở mức tối đa 7%), vẫn do cơ chế liên Bộ quyết định. “Chính vì thế, mới có chuyện, hai Bộ Tài chính, Công Thương không ai muốn ôm quản lý xăng dầu”, một chuyên gia lâu năm về xăng dầu nói.

Về vấn đề này, tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đó là chuyện bình thường vì “Luật Giá quy định như thế”. Theo ông Dũng, Bộ Tài chính vẫn tham gia song hành với Bộ Công Thương thay vì chủ trì như trước và đây cũng là nhằm đảm bảo tính minh bạch. Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, bản thân Bộ Công Thương cũng không muốn việc điều chỉnh mà vẫn muốn để Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì công tác điều hành giá xăng dầu, còn Bộ Công Thương phối hợp.


MỚI - NÓNG