Xăng dầu ồ ạt qua biên giới

Xăng dầu ồ ạt qua biên giới
Những tưởng khi xăng dầu trong nước đột ngột tăng giá thì tình trạng buôn lậu mặt hàng này sẽ lắng dịu, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Xăng dầu ồ ạt qua biên giới

> Xăng dầu tăng giá, nhưng vẫn "chảy" qua biên giới

Những tưởng khi xăng dầu trong nước đột ngột tăng giá thì tình trạng buôn lậu mặt hàng này sẽ lắng dịu, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại.

Vỏ lãi chở xăng dầu tràn qua biên giới. Ảnh: Thanh Quốc
Vỏ lãi chở xăng dầu tràn qua biên giới. Ảnh: Thanh Quốc.

Tăng cường hoạt động

Chúng tôi quay trở lại các điểm nóng buôn lậu xăng dầu ở biên giới Tây Nam thuộc tỉnh An Giang ngay trong buổi trưa 24-2, là thời điểm xăng dầu trong nước đồng loạt tăng giá. Dưới cái nắng gay gắt ở vùng biên, đội quân vận chuyển xăng dầu bằng xe máy từ các cửa hàng, cây xăng trên quốc lộ 91 đoạn thuộc thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang) vẫn ào ào lao đi.

Từng tốp hai đến ba xe máy, mỗi xe chở 3-4 can nhựa loại 30 lít đầy ắp xăng, dầu lao vút trên con đường nhựa rộng thênh thang, cặp chợ biên giới Tịnh Biên rồi về đổ hàng ở bãi tập kết trên bờ kênh Vĩnh Tế. Mỗi bãi hàng nơi đây có hàng trăm can xăng dầu đầy ắp, còn vỏ can thì nằm la liệt.

Trong khoảng thời gian gần ba tiếng đồng hồ (từ cuối giờ làm việc buổi sáng đến đầu giờ chiều), khi thấy vắng bóng lực lượng chống buôn lậu là dân buôn lậu tăng cường hoạt động. Mật phục trong một góc kín bên trục đường chính vận chuyển xăng dầu ở thị trấn Tịnh Biên, ống kính máy quay của chúng tôi ghi nhận được hơn 100 lượt xe máy ra vào các cây xăng để lấy hàng.

Theo một số "dân trong nghề” đã giải nghệ, thời điểm nóng nhất trong ngày là buổi trưa và gần cuối giờ chiều, những lúc không có lực lượng chức năng tuần tra, dân buôn lậu sẽ tung quân ra các đầu mối gom hàng.

“Nếu thấy tình hình căng thẳng, họ sẽ “ách” hàng lại điểm tập kết, chờ thời cơ sẽ tuồn lên ghe, vỏ lãi vượt biên. Nhiều người lầm tưởng khi giá xăng, dầu trong nước tăng thì không còn buôn lậu xăng dầu là hoàn toàn sai. Ngược lại, cánh buôn lậu còn tăng cường hoạt động do sợ giá trong nước tiếp tục tăng sẽ không còn đường “hốt bạc”. Nếu như thời điểm trước mỗi ngày có khoảng 500.000 lít “chảy” sang biên giới thì hiện nay phải gấp rưỡi hoặc gấp đôi”, anh L.C.S, từng là "dân trong nghề”, phân tích.

Còn anh N.V.H, một người chuyên vận chuyển xăng dầu thuê, cho biết, hiện mỗi can xăng, dầu xuất lậu sang Campuchia, đầu nậu còn lời từ 140.000 - 150.000 đồng, sau khi đã trừ chi phí vận chuyển.

“Bây giờ giá xăng, dầu chênh lệch giữa Việt Nam và Campuchia khoảng 5.000 đồng/lít, so với Lào còn cao hơn”, anh H. quả quyết.

Can nhựa đầy ắp xăng dầu và vỏ can nằm la liệt ở bãi tập kết trên bờ kênh Vĩnh Tế. Ảnh: Thanh Quốc
Can nhựa đầy ắp xăng dầu và vỏ can nằm la liệt ở bãi tập kết trên bờ kênh Vĩnh Tế.
Ảnh: Thanh Quốc.

Mở thêm đường mới

Dọc tuyến biên giới Tây Nam thuộc tỉnh An Giang, từ trước Tết Nguyên đán 2011 đã hình thành điểm nóng buôn lậu xăng dầu ở cửa khẩu Khánh Bình (huyện An Phú) và thị trấn Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên). Các lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới như hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế... nhiều lần ra quân nhưng tình trạng trên vẫn không hề giảm. Bọn buôn lậu càng lúc càng ngang nhiên, táo tợn, công khai hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Theo người dân thị trấn Tịnh Biên, kênh Tư Mèo vốn là con đường huyết mạch vận chuyển xăng dầu từ Việt Nam sang Campuchia, nay đã bị hải quan và biên phòng phong tỏa cả ngày. Thế nhưng, không vì thế mà cắt được “dòng chảy” xăng dầu mỗi ngày ồ ạt qua biên giới.

Ông Tám Ph., ở gần khu vực kênh Tư Mèo, cho biết con đường này giờ giới buôn lậu chỉ sử dụng từ nửa đêm về sáng, nhưng có phần sôi động hơn. “Khoảng từ 1 giờ khuya là tiếng máy của vỏ lãi chở xăng dầu bắt đầu gầm rú, lao vun vút trên kênh. Lúc đầu, nhiều người bị tiếng máy làm giật mình thức giấc, riết rồi cũng quen vì đêm nào buôn lậu cũng dập dìu”, ông Ph. nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, vào ban ngày tuyến kênh Tư Mèo bị “nghẽn” do các lực lượng chống buôn lậu túc trực, các con buôn chuyển sang kênh 19 và kênh Trà Sư, cũng thuộc khu vực huyện Tịnh Biên. Hai tuyến kênh mới này khá xa và dài vì nằm sâu trong nội địa, phải đi vòng vèo mới ra tới biên giới, nhưng khá an toàn.

Anh H. nói: “Đi tuyến kênh mới này nặng chi phí lắm vì đường vận chuyển xa gấp 2, 3 lần kênh Tư Mèo. Ngoài ra, còn có tuyến kênh 21 cặp bờ kênh Vĩnh Tế thuộc xã An Nông nhưng mùa khô kiệt nước không đi được. Dân buôn chỉ sử dụng những con đường này khi con đường huyết mạch bị “nghẽn” mà thôi. Nhưng đã đi buôn lậu thì bị “nghẽn” đường này họ cũng sẽ mở thêm nhiều đường mới”.

Ông Trang Thế Hiền, Đội trưởng Đội kiểm soát Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cũng nhìn nhận dân buôn lậu có thể sẽ tìm thêm đường đi mới bằng những con kênh xa hơn, sâu hơn, có thể lấn ra đến tận ranh giới với địa phận thị xã Châu Đốc.

Theo Thanh Quốc
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG