Xăng dầu giảm: Nơi bảo lãi, chỗ kêu lỗ!

Xăng dầu giảm: Nơi bảo lãi, chỗ kêu lỗ!
Về việc giảm giá xăng hôm qua, 8/11, ông Vương Thái Dũng - phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) - cho biết, Petrolimex đã đề xuất giảm 500-600 đồng, nhưng liên bộ quyết định giảm đồng loạt 1.000 đồng/lít.
Xăng dầu giảm: Nơi bảo lãi, chỗ kêu lỗ! ảnh 1
Điều chỉnh giá xăng dầu mới - giảm thêm 1.000 đồng/lít (ảnh chụp lúc 12g ngày 8-11 ở cửa hàng xăng dầu Petrolimex tại góc đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T

Giải thích về mức giảm này, ông Dũng cho rằng doanh nghiệp phải cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó giá thế giới dù là quan trọng nhất nhưng cũng chỉ là một phần trong cơ cấu giá thành của đơn vị mình.

“Chúng tôi vận hành theo cơ chế thị trường nên thị trường giảm đến mức nào hợp lý thì chúng tôi sẽ giảm ngay. Có thể chỉ 300-500 đồng là chúng tôi xem xét đề xuất chứ không chờ đến mức cao hơn” - ông Dũng nói.

Tuy đề xuất mức giảm thấp hơn so với quyết định của liên bộ, nhưng ông Dũng khẳng định Petrolimex vẫn còn lãi với mức giảm 1.000 đồng/lít.

Trong khi đó, ông Đặng Vinh Sang - tổng giám đốc Saigon Petro - lại khẳng định với mức giảm như trên cộng với việc tăng thuế và trích mỗi lít xăng 1.000 đồng cho việc bù lỗ trước đây, Saigon Petro sẽ bị lỗ sau đợt giảm giá này. “Mỗi lít xăng chúng tôi sẽ lỗ khoảng 300 đồng, dầu lỗ 1.000 đồng” - ông Sang nói.

Vẫn lãi 2.500 đồng/lít xăng

Nếu lấy giá xăng nhập khẩu tại thị trường Singapore là 70 USD/thùng, cộng với thuế và các chi phí khác, mỗi lít xăng A92 các nhà nhập khẩu có thể lãi trên 2.500 đồng. Ông Vương Thái Dũng xác định giá xăng nhập khẩu bình quân 20 ngày qua mà Petrolimex nhập về là dưới 69 USD/thùng.

Theo ông Sang, cơ quan quản lý nhà nước quyết định mức giảm theo nhịp điệu giảm giá của thị trường thế giới là đúng, nhưng cũng phải tính tới lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp mới chính xác. “Những đơn vị lớn như chúng tôi thường phải trữ một lượng hàng lớn 20-30 ngày nên khi điều chỉnh giá phải cộng bình quân giữa hàng cũ và mới”.

Bình luận về việc giảm giá bán lẻ liên tục trong thời gian qua, ông Dũng nói đó là chuyện bình thường khi doanh nghiệp vận hành theo cơ chế thị trường. Thậm chí ông Dũng cho rằng giá bán lẻ trong nước còn có thể điều chỉnh từng ngày theo giá thế giới nếu các sắc thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt cố định ít nhất trong thời gian sáu tháng.

Ngày 8-11, theo ban giám đốc bến xe miền Đông, có thêm một số doanh nghiệp giảm giá vé xe đò như doanh nghiệp Cúc Tư giảm giá vé xe TP.HCM đi Tuy Hòa từ 150.000 đồng còn 140.000 đồng/người, xe đò giường nằm 190.000 đồng còn 180.000 đồng/người; giá vé TP.HCM đi Sông Hinh vé giường nằm 230.000 đồng còn 190.000 đồng/người, vé ghế ngồi 190.000 đồng còn 155.000 đồng/người.

Doanh nghiệp Phi Hiệp giảm giá vé TP.HCM đi Đà Nẵng 300.000 đồng còn 280.000 đồng/người và doanh nghiệp Minh Dũng giảm giá vé TP.HCM đi Ninh Hòa từ 120.000 đồng còn 110.000 đồng/người.

Theo ông Đinh Quang Hiền - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, với giá xăng giảm thêm 1.000 đồng/lít, trong tuần tới từng doanh nghiệp taxi sẽ tự cân đối để xem xét giảm giá cước taxi. Ông Tạ Long Hỷ - giám đốc điều hành taxi Vinasun - cũng cho biết hiện đang xem xét mức giảm giá cước để công bố trong tuần tới.

Theo Tuổỉ trẻ

MỚI - NÓNG