Xăng dầu: “Găm hàng” đợi giờ G

Xăng dầu: “Găm hàng” đợi giờ G
Luồng thông tin về việc điều chỉnh giá xăng dầu khiến giới kinh doanh mấy ngày nay cứ nhấp nhổm. Chỉ cần găm giữ lại để bán giá mới hoặc “tuồn” vài ngàn lít xăng ra ngoài là có thể kiếm khoản tiền chênh lệch lớn.

Tại các cây xăng trong nội thành Hà Nội, hôm qua (16/8), công việc kinh doanh dường như nhộn nhịp hơn.

Qua quan sát của phóng viên, trong số  xe cộ đến mua, tỷ lệ xe ôtô tư nhân tăng đáng kể. Nhân viên tại các cây xăng còn cho biết thêm: Nếu thường ngày, các lái xe taxi chỉ mua khoảng 150 ngàn đồng (xấp xỉ 20 lít) thì mấy hôm nay toàn đổ trên 200 ngàn.

Theo ông Phạm Bá Dục, Chi cục trưởng quản lý thị trường Hà Nội, suốt mấy hôm nay, từ sáng cho đến chiều tối, các đội quản lý trên địa bàn thành phố đều tung quân đi kiểm tra tại tất cả các cây xăng trọng điểm.

Trưa 16/8, khi cây xăng trên đường Thái Thịnh đột ngột treo biển mất điện, tạm nghỉ bán hàng, lực lượng tức thì kiểm tra ngay để có kết quả xác nhận: đúng là mất điện thật!

Đầu giờ chiều cùng ngày, tình cờ rẽ vào một cây xăng phía Tây thành phố, phóng viên thấy cảnh cây xăng này phải tạm ngừng bán hàng để cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất.

“Thiết kế cột bơm có gì không bình thường như nối dài dây bơm, cột bơm đặt phía sau nhằm che mắt khi bơm xuất lậu, thiết kế nhà kho và tường bao bất thường để lối ra vào phía sau, tại cây xăng có trữ nhiều vật liên quan như các phuy, bao nilon, nắp can. Rồi hóa đơn, chứng từ đầu vào, đầu ra, hóa đơn xuất trình cơ quan thuế đối chiếu không hợp lệ...”

Đó là những lỗi dễ bắt nhất của các cây xăng có dấu hiệu găm giữ hay tuồn hàng bất hợp pháp để bán kiếm lời mà qua một số đợt thanh tra, cơ quan chức năng đã đúc kết được.

Tuy nhiên, để những mánh khóe ấy được “bắt tận tay, day tận trán”, theo lời ông Nguyễn Cao Vãng - Giám đốc Cty kinh doanh xăng dầu khu vực I, “việc kiểm tra phức tạp hơn rất nhiều”.

Đơn cử, qua những đợt thanh kiểm tra 170 đại lý, tổng đại lý, ông Vãng... cho hay: Phòng thanh tra bảo vệ của Cty Kinh doanh xăng dầu khu vực I đã từng “dò” ra được những “mẹo vặt” như: không công khai treo biển giá xăng để lập lờ bán giá cao, điều chỉnh cột bơm, giả vờ mất điện, kéo dài thời gian kiểm kê...

Điều đáng nói, dấu hiệu này tập trung chủ yếu vào các cây xăng tư nhân, nơi không bị Cty quản lý về chất lượng các cột bơm xăng hay ràng buộc bởi những điều kiện khác.

TPHCM: Có dấu hiệu thu gom xăng dầu

Tại TP HCM đến tối 16/8, 100% các điểm kinh doanh xăng dầu của Petro VN, Potrolimex… trên địa bàn TP HCM vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, một số trạm xăng trên địa bàn quận 1, 3 và 5 thông báo hết loại xăng A.90 và yêu cầu người dân sử dụng loại A.92 hoặc A.95 thay thế.

Một số chuyên gia đang kinh doanh trong lĩnh vực này (đề nghị giấu tên) cho rằng không loại trừ khả năng các điểm bán lẻ gian lận, nâng “mác” xăng A.90 thành A.92, A.95 để hưởng chênh lệch giá hoặc dùng thủ thuật này để hạn chế số lượng bán ra nhằm “găm” hàng chờ giá tăng.

Trong khi đó, lượng người có nhu cầu mua xăng trong 2 ngày qua tại TPHCM tăng đột biến. Tại trạm xăng dầu Petrolimex số 53 (Chung cư Rạch Miễu, đường Phan Xích Long, phường 7, quận Phú Nhuận), theo ghi nhận của chúng tôi lúc 0h15 ngày 16/8, lượng người đến mua xăng vẫn đông nghịt.

Theo một nhân viên của trạm, đây là hiện tượng lạ vì điểm bán này không nằm ở trục đường giao thông chính, khu vực thưa dân cư nên thường vắng khách vào buổi tối.

Trong số hành khách đến mua xăng có rất nhiều xe tải, ô tô, mua với số lượng khá lớn. Qua biển đăng ký, nhân viên này cũng phát hiện một số xe trong ngày đã đến trạm mua nhiều lần nhưng trạm xăng vẫn phải bán vì Cty không có chủ trương hạn chế lượng xăng bán ra.

Theo ước tính, số lượng xăng dầu mà trạm này bán ra trong 2 ngày 15 và 16/8 tăng khoảng 40 - 50% so với bình thường. Theo giới chuyên môn, biên độ tăng giá (nếu có) tương đương 1.000 đồng/lít. Khoản chênh lệch này đặc biệt hấp dẫn đối với giới đầu cơ xăng dầu.

Bắc Giang: “Mất điện”, “Nghỉ họp”

Xăng dầu: “Găm hàng” đợi giờ G ảnh 1
Nhiều cửa hàng xăng dầu tại Bắc Giang đóng cửa không bán hàng

Sáng 16/8, PV Tiền Phong cùng với lực lượng QLTT Bắc Giang thâm nhập một số cây xăng nằm trên Quốc lộ 1(cũ) thuộc địa bàn 2 huyện Yên Dũng và Việt Yên; Quốc lộ 37 đoạn qua huyện Việt Yên và Hiệp Hòa - đã chứng kiến cảnh hàng chục cửa hàng, đại lý xăng dầu đóng cửa hoặc mở cửa nhưng trưng biển: “mất điện”, “nghỉ họp”… để từ chối phục vụ khách hàng.

Tình trạng này phổ biến đến mức nhiều chủ phương tiện đi qua 2 - 3 đại lý xăng dầu mà không mua nổi 1 lít xăng và phải đẩy bộ hoặc mua lẻ bên ngoài với mức trên 10.000 đồng/lít.

Đóng vai người mua xăng, ngay trong buổi sáng qua, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với 2 đại lý xăng dầu trên Quốc lộ 37 mở cửa nhưng không bán: Chủ đại lý của Cty CP Thương mại dịch vụ Hiệp Hòa đưa ra lý do mất điện nhưng khi đoàn kéo quạt, quạt vẫn quay, bật đèn, đèn vẫn sáng; một chủ đại lý của Cty CP Thương mại Việt Yên nói rằng “Hết xăng! Anh đi cây khác!”  thì kiểm tra trong téc vẫn còn hơn 5 nghìn lít xăng các loại.

Về chuyện găm giữ hàng đợi giá mới bán chênh lệch kiếm lời, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Quang Viễn, Phó cục trưởng quản lý thị trường  (Bộ Thương mại) cho hay: “Quan điểm của Bộ Thương mại là nếu cây xăng đó bán hàng bình thường thì thôi, còn bất bình thường thì có thể lập tức kiểm tra”.

Theo ông Viễn, để đối phó với tình trạng găm hàng và buôn lậu xăng dầu qua biên giới, mấy ngày nay Bộ Thương mại đang phải áp dụng khẩn cấp những giải pháp nóng, như: yêu cầu chi cục QLTT các tỉnh Tây Nam biên giới và các đội đặc nhiệm kiểm tra phân công người bám sát trực từng  cây xăng có dấu hiệu tiếp tay cho bọn buôn lậu để giám sát từng ngày, cử  trinh sát nắm chắc địa bàn để lên kế hoạch ứng phó kịp thời khi có hiện tượng tuồn hàng.

Với các tổng đại lý, đại lý, các cây xăng nội địa, Bộ đề nghị các lực lượng phải quan sát và kiểm soát thật chặt việc đổ xăng dầu, nhập hàng tại các đại lý.

Liên quan đến việc  kiểm soát tình hình buôn bán của 9000 cây xăng trên cả nước, ông Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng QLTT (Bộ Thương mại) tỏ ra cương quyết: Đề nghị chính quyền địa phương tăng cường quản lý. Đồng thời cần sớm rà soát, ban hành cơ chế giám sát tổng đại lý, đại lý.

Trước tình trạng giá dầu trên thế giới liên tục tăng đột biến, Bộ Thương mại quyết định tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp mạnh để chống lại nạn buôn lậu xăng dầu qua biên giới vào ngày 19/8/2005 tại Hà Nội.

Ban chỉ đạo TW về chống buôn lậu (Ban 127) sẽ triệu tập lãnh đạo của Chi cục quản lý thị trường các tỉnh gần biên giới Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng có liên quan phòng chống buôn lậu để quán triệt những giải pháp chống buôn lậu xăng dầu hiệu quả hơn.  

MỚI - NÓNG