Theo đại diện Ủy ban kinh tế Quốc hội, những vấn đề “nổi cộm” được dư luận quan tâm đó là: Bất cập trong các quy định hiện hành như doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu như thời gian qua...
Với nhiều DN bán lẻ, mối quan tâm “sát sườn” của họ ngay và luôn là cần hai bộ trưởng giải trình thấu đáo về bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua. Chia sẻ với phóng viên một tờ báo ngành, DN bán lẻ lớn tại miền Nam thẳng thắn: Tôi muốn biết “ai “ăn” chiết khấu của DN bán lẻ”. Theo các DN, vấn đề chiết khấu của DN bán lẻ, mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung ứng bị “bóp nghẹt” là nguồn cơn xảy ra những bất ổn của thị trường xăng dầu. Đó là nguyên nhân chính gây nên việc thua lỗ của DN, khiến họ không mặn mà kinh doanh, nhưng buộc phải bán trong mọi tình huống.
Trở lại buổi họp, theo dõi cập nhật, dư luận có thể thấy rõ: trái với việc “đùn đẩy” trao đi đổi lại trước đó vài tháng (khi Công Thương muốn trả lại quyền điều hành cho Tài chính và ngược lại), nay cả hai “tư lệnh ngành” đều trả lời khá ôn hoà, tỏ ra nắm chắc vấn đề. Phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự “phối hợp nhịp nhàng” giữa hai ngành trong quản lý điều hành và chỉ ra câu chuyện năm 2022 nằm “cốt lõi” ở diễn biến phức tạp của thị trường khi giá xăng dầu thế giới liên tục biến động, sản lượng sản xuất trong nước chỉ đạt 61,3% tổng nguồn cung, còn phần nhập khẩu chiếm 34% trong khi đó, có những thời điểm giá thế giới biến động mạnh…khiến DN nhập khẩu khó khăn.
Phần Bộ Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho rằng:“Bộ Tài chính đã nỗ lực cùng Bộ Công Thương quản lý tốt giá xăng dầu. Khi nhận được báo cáo chi phí của DN gửi lên, chúng tôi tính toán và cho ý kiến ngay”. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn chỉ ra thêm: bất ổn thị trường xăng dầu một phần do nguyên nhân từ chi phí định mức chưa tính đúng, tính đủ trong công thức giá và khẳng định: Để quản lý thị trường xăng dầu bền vững, giá cả ổn định, phải quản lý tốt nguồn cung để không bị đứt gãy...
Kết thúc cuộc họp, hai bộ đều bày tỏ sự nhất trí cao trong điều hành, đặc biệt đồng thuận với những kiến nghị lên Chính phủ về việc sửa Nghị định 95 thời gian tới nhưng có cảm nhận dường như những gì dư luận, DN mong mỏi nhất chưa thực sự sáng tỏ.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của quốc gia. Từ góc độ cơ quan quản lý trực tiếp, chắc chắn ngành Công Thương sẽ phải “cầm cân nảy mực” làm sao để đảm bảo điều phối công bằng trong hệ thống, quản lý các doanh nghiệp với lợi ích hài hoà trong các mắt xích cung ứng cũng như cân đối lo đảm bảo nguồn cung cả sản xuất trong nước và nhập khẩu…
Tại lần sửa đổi Nghị định 95 này, Chính phủ đặt kỳ vọng và yêu cầu liên bộ cần quyết tâm làm thấu đáo, sửa cho thực căn cốt để thị trường vận hành tốt hơn, người dân và doanh nghiệp không rơi vào khó khăn như hiện nay.