Vụ bức hại sông Thị Vải:

Xác định vùng bị ảnh hưởng, Vedan phản đối

Xác định vùng bị ảnh hưởng, Vedan phản đối
TP - Ngày 11-12, tại Hà Nội, đại diện các bên liên quan đã họp, nhằm xác định mức độ gây ô nhiễm sông Thị Vải, một năm sau khi Cty Vedan bị phanh phui việc xả thải độc hại (tháng 9-2008).

Qua nhiều tháng quan trắc, phân tích dựa trên ba kịch bản, Viện Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và ba tỉnh (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM) nhận định: Việc xả nước thải chưa qua xử lý của Công ty Vedan là nguyên nhân chính làm sông Thị Vải ô nhiễm trầm trọng, chiếm khoảng 89%, trên chiều dài 10 - 11km. Phần còn lại là do nước thải của các khu công nghiệp, doanh nghiệp khác trong khu vực.

Vùng bị ảnh hưởng nặng gồm một phần của các xã: Phước An, Long Thọ  (huyện Nhơn Trạch) và các xã Long Phước, Phước Thái (huyện Long Thành) của tỉnh Đồng Nai; các xã Mỹ Xuân, thị trấn Phú Mỹ, Tân Phước thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tổng diện tích tự nhiên của vùng này là 157,9km2, trong đó có hơn 1.990 ha đất nuôi trồng thủy sản. Vùng này bị ảnh hưởng do nồng độ các chất ô nhiễm như DO, BOD5, COD, N-NH4+, NO2-, đủ gây chết hoặc làm chậm sự phát triển của thủy sản tự nhiên hoặc nuôi trồng với tần suất xuất hiện trong các mẫu kết quả quan trắc từ 85% trở lên.

Vùng bị ảnh hưởng nhẹ gồm một phần xã Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai); một phần xã Tân Phước và Phước Hòa (Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu) và một phần xã Thạch An (Cần Giờ, TPHCM).

Vùng này cũng bị ảnh hưởng do nồng độ các chất ô nhiễm như DO, BOD5, COD, N-NH4+, NO2-, không phù hợp điều kiện nuôi trồng thủy sản hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của thủy sản tự nhiên với tần suất xuất hiện trong các mẫu kết quả quan trắc khoảng 50%.

Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) kết luận, sông Thị Vải bắt đầu bị ô nhiễm từ khoảng năm 1994, ngay sau khi Công ty Vedan đi vào hoạt động với phạm vi và mức độ ô nhiễm ngày một gia tăng.

Theo báo cáo của Thanh tra Tổng cục Môi trường năm 2006 và 2008, trong điều kiện Vedan xả thải bình thường, nước thải của đơn vị này cũng chiếm một tỷ lệ ô nhiễm lớn trong tổng số tất cả nguồn xả thải từ công nghiệp ra sông Thị Vải.

Đặc biệt khi Vedan xả lén dịch thải lên men ra sông Thị Vải và bị phát hiện, lập biên bản vào tháng 9-2008, riêng phần dịch này chiếm tới trên 95% tổng lượng các chất ô nhiễm như BOD, COD, TSS, N-NH4+, tổng P từ tất cả các nguồn xả thải ra sông Thị Vải gộp lại. 

Vedan đòi thêm thời gian

Tuy nhiên, đại diện của Vedan Việt Nam không đồng ý với những đánh giá nêu trên. Vedan cho rằng, sông Thị Vải đã ô nhiễm từ trước khi có Cty Vedan. Trong đó, nguồn nước thải từ các KCN gần đấy cũng là một trong những nguyên nhân ô nhiễm. Do vậy, toàn bộ ô nhiễm trên sông không thể do một mình Vedan gây ra. Công ty Vedan chỉ chiếm khoảng 60-70% nguồn gây ô nhiễm.

Trả lời báo giới về việc các nhà khoa học của Vedan khi tính toán, xác định mức độ ô nhiễm là bao nhiêu phần trăm, thì phía Vedan chưa đưa ra con số cụ thể. Đơn vị này đề nghị tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan để xác định mức độ “đóng góp” cụ thể.

Vedan vẫn chỉ thừa nhận đã từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải khoảng 10-11 km. Việc xác định phạm vi ô nhiễm của Cty Vedan gây ra đối với các dòng nhánh và các khu vực có liên quan, Vedan yêu cầu được tiếp tục phối hợp với Viện  Môi trường và Tài nguyên để làm rõ và xác định cụ thể.

MỚI - NÓNG