Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 11 ngày xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Đây là kỳ họp cuối năm nên Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội cũng tiến hành giám sát tối cao về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
Một nội dung quan trọng khác là Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn hai chức danh Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT ngay tuần làm việc đầu tiên. Kỳ họp này sẽ giảm bớt thời gian trình bày báo cáo, đồng thời tăng thời gian thảo luận tại hội trường. Đáng lưu ý trong kỳ họp này có tới 11 ngày được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát. Sau 26 ngày làm việc, dự kiến kỳ họp thứ 4 sẽ bế mạc vào ngày 24/11.
Tại kỳ họp này, QH sẽ dành thời gian xem xét công tác nhân sự. Theo đó, trong ngày làm việc thứ hai (ngày 24/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu. Sau đó, QH sẽ thảo luận ở Đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với ông Trương Quang Nghĩa và ông Phan Văn Sáu.
Ngày 25/10, Ủy ban Thường vụ QH báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về việc miễn nhiệm hai vị trí trên. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Nhân sự được miễn nhiệm có thể phát biểu ý kiến (nếu có). Sau đó, QH sẽ bỏ phiếu, công bố kết quả bỏ phiếu và thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm đối với ông Trương Quang Nghĩa và Phan Văn Sáu.
Cuối giờ chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ. Sau đó, QH sẽ thảo luận ở đoàn. Sang ngày 26/10, QH sẽ tiến hành bỏ phiếu kín, công bố kết quả và thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, 2.306 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ 4 bày tỏ lo lắng về một số vấn đề: việc cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, nhiều dự án đầu tư kém hiệu quả gây thất thoát lớn, công tác cán bộ còn nhiều bất cập…
Về tình trạng tham nhũng, cử tri và nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào Đảng, Nhà nước trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã xét xử nghiêm các đối tượng liên quan trong các vụ án tham nhũng, thất thoát tài sản lớn của Nhà nước. Tuy nhiên, cử tri phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả; hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự. Một số dự án lớn đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước nhưng chưa có phương án giải quyết và xử lý kịp thời. Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp và việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế.
Từ đó, cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành quyết tâm hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ...