Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW, trong 3 giờ vừa qua bão số 12 tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất gần tâm bão tăng thêm một cấp.
Hồi 10h hôm nay (3/11), vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 22 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,3 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, khoảng sáng sớm mai (04/11) bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 14, sau đó suy yếu dần.
Đến 10h ngày 04/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,1 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền ven biển các tỉnh Nam Phú Yên-Bắc Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 05/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Sáng nay (3/11), ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận, đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão lũ tại các bến cảng trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã thành lập 3 đoàn kiển tra công tác phòng chống lụt bão tại các địa phương. Tỉnh đã có công điện khẩn gửi UBND các huyện, thành phố, sở ngành liên quan chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó với bão số 12.
Qua đó, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển. Thông báo, kêu gọi các tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú an toàn. Kiểm tra, giám sát không cho người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh trên biển.
Theo dõi, kiểm tra quy trình vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn hồ chứa. thông báo đến người dân vùng hạ lưu để có phương án, ứng phó, di dời. Bố trí lực lượng, vật tư tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt.
Tại Bình Thuận, hơn 7.000 tàu thuyền đã được đưa vào nơi tránh trú an toàn. Toàn tỉnh hiện có 10 hồ chứa nước xả lũ điều tiết đề đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ.
Trong sáng 3/11, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão. Chủ tịch tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền, nghiệm cấm ra khơi đến khi bão tan. Đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu, chằng buộc chắc chắn.
Ông Hai yêu cầu các địa phương không được có tâm lý chủ quan, nhanh chóng triển khai ứng phó với bão số 12. Đảm bảo giao thông trước và sau bão. Tuyên truyền cho người dân công tác phòng chống bão.