Xã hội gì...?

Xã hội gì...?
TP - “Tôi nghĩ cái mà đất nước chúng ta thiếu nghiêm trọng là lòng tin... Mọi người đều phải nhận thức rõ ràng chuyện nỗ lực của từng người có tính xây dựng ở đất nước này, trước hết xây dựng lòng tin để cùng nhau làm việc”. 

Giáo sư Ngô Bảo Châu trải lòng sau hội thảo Cải cách giáo dục đại học do nhóm Đối thoại giáo dục của ông vừa tổ chức. Khi ông tỏ ra thất vọng với một số báo đưa tin về hội thảo theo kiểu phản ánh một cuộc “đấu tố giáo dục” chứ không phải là “đối thoại giáo dục” như nó vốn đã diễn ra đầy cởi mở và thiện chí...


“Xã hội đen” là ai, là gì - có lẽ các nhà xã hội học, ngôn ngữ học cần cập nhật bổ sung các nét nghĩa mới của từ này. Khi Bộ trưởng Đinh La Thăng mới đây không nén được bức xúc: “Tôi không nắm rõ định nghĩa về “xã hội đen” của các anh (lực lượng Cảnh sát giao thông – NV), nhưng chuyện chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát là xã hội gì?”.

Đó là khi ông Bộ trưởng GTVT tranh luận với đại diện lực lượng CSGT về nạn bảo kê cho các xe quá tải qua mặt các trạm cân trên đường, chỉ với một thứ “bùa chú” ngoài luật pháp. Khi “Cả đoàn trăm cái xe được chụp ảnh lại, có biển số xe, có phù hiệu hẳn hoi mà các anh vẫn bảo là không có, không biết gì ?”. 

Cả xã hội đều nhìn thấy, đều bức xúc với nạn “xe vua” ngông nghênh khắp nơi, duy chỉ có các lực lượng làm nhiệm vụ là “không biết gì”, tin được không ? Hay ngược lại, “lòng tin” của ai đó thật lớn để cố tình không nhìn ra sự thật.   

Trở lại với nhóm Đối thoại giáo dục. Toàn bộ nền giáo dục nước nhà nói chung giống như một cơ thể ốm yếu, chỗ nào cũng cần chữa, chứ không riêng đại học. Nhưng với những giáo sư như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn ... vốn đang là chuyên gia hàng đầu trong môi trường đại học thế giới, thì việc chọn đại học để đối thoại và cải cách là điều đương nhiên.

Ngạc nhiên, chính là bên ngoài hội thảo có không ít người cũng đang làm giáo dục lại “giãy nảy”, cho rằng cải cách phải bắt đầu từ cấp này, lứa tuổi kia, với triết lý giáo dục nọ... Và GS Châu chỉ nên tập trung... dạy Toán, đừng đi ngược chuyên môn là bàn về cải cách giáo dục (?!).

Tóm lại, vẫn cái tính cố hữu của người Việt, đó là chỉ thích chỉ trích, dạy đời cho sướng miệng, nhưng rồi chẳng ai chịu làm. Bởi cơ bản họ chẳng tin ai. Dù nói như GS Châu: “Sản phẩm của đối thoại không chỉ là kết luận, đề xuất cụ thể mà còn có sản phẩm phụ - thực ra không phụ chút nào – là lòng tin”. 

Xã hội gì cũng vậy. Khi niềm tin không có, hoặc mất dần, thì mọi sự đối thoại sẽ trở nên rất khó khăn. Cần liều thuốc mạnh để ít ra còn giữ được cảm giác về lòng tin. Cũng là lực lượng thực thi pháp luật, nhưng khi anh không giữ được mình, sẽ có người khác làm thay. Như vụ chiều qua ở Thanh Hóa, công an ập vào bắt kiểm lâm khi vừa nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.