Wikipedia – Thành công vì không thương mại hóa

Dễ dàng truy cập Wikipedia trên các phương tiện hiện đại
Dễ dàng truy cập Wikipedia trên các phương tiện hiện đại
TP - Wikipedia trở thành một ngọn hải đăng sáng chói soi đường cho một tương lai tốt đẹp hơn, là nơi mọi người tìm đến đầu tiên để phát hiện những điều mới. Ít người nhớ đến việc, cách đây tròn 20 năm, nó ra đời từ một dự án bên lề và bị chế nhạo.

Tròn hai mươi năm trước, một công ty startup mang cái tên Nupedia không ai để ý khởi động một dự án bên lề. Dự án chính Nupedia cố tạo ra một bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí, nhưng vạch đích còn rất xa vời. Với việc biên tập tỉ mỉ và sự đầu tư vào những chuyên gia, họ chỉ hoàn thành đúng 21 bài trong năm đầu tiên.

Dự án bên lề của họ lại là một sự đối lập hoàn toàn. Với nó, bất cứ ai cũng có thể viết và biên tập bài. Những nhà sáng lập Nupedia tự hỏi liệu nó có đáng đầu tư không, nhưng chỉ vào cuối năm đầu tiên, dự án phụ này đã thu được bài viết về hơn 18.000 chủ đề. Còn Nupedia, vào lúc nó ngưng hoạt động năm 2003, mới làm được chỉ vỏn vẹn 25 bài!

Dự án bên lề ấy, Wikipedia, giờ đã có hơn 55 triệu bài viết bằng 300 ngôn ngữ khác nhau. Với hơn 1,7 tỷ người ghé thăm mỗi tháng, nó là trang web nổi tiếng thứ 13 trên Internet, theo Alexa Internet, và là trang duy nhất trong top 50 hoàn toàn phi lợi nhuận.

Mô hình nền tảng của Wikipedia hứng chịu chỉ trích ngay từ ngày đầu tiên. Việc không có nhà văn, chuyên gia hay biên tập viên chuyên nghiệp khiến nhiều người băn khoăn: Làm sao nó có thể đảm bảo tính chính xác? Năm 2006, khi trang web ăn mừng kỉ niệm 5 năm, nó trở thành chủ đề chế giễu của báo chí. Bấy giờ, một bài báo trích từ Wikipedia “David Beckham là một thủ môn người Trung Quốc vào thế kỉ XVIII” để chỉ ra những “lỗi sai đáng hổ thẹn” của trang bách khoa toàn thư này.

Tuy nhiên, ngay tại thời điểm ấy, hành vi phá hoại đó đã được khắc phục chỉ 11 phút sau. Giờ đây, Wikipedia có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn những sự lạm dụng như thế.

Wikipedia – Thành công vì không thương mại hóa ảnh 1

Jimmy Wales - nhà sáng lập Wikipedia

Khi trang web này tiếp tục được phổ biến trong môi trường online thay đổi, nó vẫn bị nghi ngờ. Wikipedia đã thành công trên thực tế, dù không ai nghĩ nó sẽ thành công trên lý thuyết cả. Vậy tại sao Wikipedia có thể xây dựng được một cộng đồng lành mạnh như vậy, trong khi nhiều trang web tương tự khác thất bại?

Jimmy Wales, nhà sáng lập, nêu ra hai yếu tố làm nên sự khác biệt. “Thứ nhất, tất cả mọi người đều biết một quyển bách khoa toàn thư là gì. Nếu tôi nói “một bài bách khoa toàn thư về tháp Eiffel”, chúng ta đều hiểu nó sẽ cần những gì, vậy nếu chúng ta quyết tâm viết nó, ta sẽ biết chắc hướng đi của mình. Thứ hai, chúng tôi chưa bao giờ coi Wikipedia là một trang diễn đàn tự do ngôn luận, sau tất cả nó vẫn là một dự án xây dựng một bách khoa toàn thư. Vì thế, chúng tôi cố tránh nhiều nhất có thể những sự cãi cọ trên mạng xã hội”.

“Wikipedia có những vấn đề của nó, như bất kỳ tổ chức lớn nào cũng có vấn đề riêng, nhưng không nghi ngờ gì, nó vẫn là một thành tựu đáng ghi nhận - theo Abigail Brady, một biên tập lâu năm của trang web - Nó ở trên Internet trước cả khi có mạng xã hội”.

“Tôi nghĩ nguyên nhân cơ bản cho thành công lâu dài của nó chính là không có tính thương mại hóa. Jimmy Wales đã quyết định ngay từ đầu là Wikipedia sẽ phải phi lợi nhuận, và ông giữ nó như vậy cho đến ngày hôm nay. Nó không có quảng cáo, chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có. Đây là một dự án hợp tác thực sự.”

Với sự phát triển của Wikipedia, nó không còn chỉ bao gồm những bài viết về những chuyện đã qua. Điểm mạnh lớn nhất của cộng đồng này rõ nhất khi có những biến động lớn xảy ra trên thế giới. Quyền biên tập công cộng cho phép hàng trăm người cùng tổng hợp thông tin về những sự kiện nóng hổi, trước cả khi chúng kết thúc.

Vào 6 giờ 34 chiều (theo giờ Anh) ngày 6/1 năm nay, một biên tập viên Wikipedia với tên tài khoản Another Believer, thấy rằng chuyện đang diễn ra ở Washington đủ quan trọng để viết một bài. Với tên ban đầu là “Buổi tụ tập Donald Trump tháng Một 2021”, nội dung của bài rất ngắn gọn: “Vào 6/1/2021, hàng nghìn người ủng hộ Donald Trump tập hợp ở Washington D.C để phản đối kết quả của cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/ 2020.”

Trong nửa tiếng tiếp theo, Another Believer tiếp tục cập nhật bài viết một mình. Dần dần, những quản trị viên khác bắt đầu đưa tay giúp đỡ, và bài viết sớm trở thành tiêu điểm chính của trang web, với những ghi chép về chuyển biến mới tại Washington theo thời gian thực. Tới nửa đêm (giờ Anh), bài viết đã dài hơn 3.000 từ, và thêm 3.000 từ nữa ở mục chú thích cuối trang, cùng với một cuộc tranh luận sôi nổi về việc đổi tên tiêu đề, biến thành “Cuộc biểu tình ở Quốc hội Mỹ năm 2021”, rồi thành tiêu đề hiện tại: “Cuộc xâm lăng Quốc hội Mỹ 2021”.

Bách khoa toàn thư online vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua, từ khủng hoảng tìm kiếm tài trợ (chỉ được giải quyết một phần nhờ sự quyên góp tự nguyện từ người dùng), đến những tập đoàn hay cá nhân lạm dụng nó để tự tạo tiếng thơm, hay xóa bỏ tai tiếng. Ngoài ra, nó vẫn phải đối mặt với một thử thách khác mà mọi nguồn tài liệu tham khảo khác đều gặp phải, đó là giảm thiểu sự tập trung vào những người đàn ông da trắng giàu có chiếm phần lớn lịch sử.

Tuy vậy, trải qua 20 năm, không thể phủ nhận được rằng Wikipedia đã chứng minh được sức mạnh của mình với những người đã từng chế nhạo nó.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.