WHO nói rằng từng nước tự quyết định cách triển khai chương trình tiêm vắc-xin COVID-19.
Tổ chức này cho rằng tiêm chủng bắt buộc sẽ là con đường sai lầm, vì đã có những trường hợp trước đây cho thấy tiêm bắt buộc gây phản ứng, khiến một số người càng có định kiến.
“Tôi không nghĩ bắt buộc là hướng đi đúng, đặc biệt đối với những vắc-xin như thế này”, bà Kate O'Brien, giám đốc bộ phận tiêm chủng của WHO, nói tại cuộc họp báo trực tuyến.
“Tốt hơn là khuyến khích và tạo điều kiện tiêm chủng mà không đề ra yêu cầu nào. Tôi không nghĩ chúng tôi đề ra tầm nhìn cho bất kỳ nước nào bắt buộc tiêm chủng”, bà nói.
Chuyên gia này nói rằng một số đối tượng nhất định có thể bắt buộc tiêm để giữ cho các nhân viên và bệnh nhân của mình an toàn.
Nhưng các chuyên gia WHO thừa nhận việc thuyết phục người dân tiêm vắc-xin COVID-19 không phải điều dễ dàng.
Đến nay đã có 51 loại vắc-xin COVID-19 bước vào giai đoạn thử nghiệm trên người, trong đó 13 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Có thêm 163 vắc-xin khác đang được tạo ra trong phòng thí nghiệm và chuẩn bị được thử nghiệm trên người.
Vắc-xin của Pfizer dự kiến bắt đầu được tiêm chủng ở Anh từ ngày 8/12.