WHO chỉ ra những mặt cần khắc phục hậu COVID-19 của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo Việt Nam cần đảm bảo an ninh y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ngành y tế cần biến những thách thức của đại dịch thành cơ hội để phục hồi và ứng phó tốt hơn với mọi dịch bệnh trong tương lai.

Ngày 9/11, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, Hội Quân Dân y tổ chức Hội thảo trực tuyến “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, thích ứng an toàn với COVID-19”.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Chúng ta đã cùng nhau chiến đấu với dịch COVID-19 suốt 22 tháng qua, đặc biệt là trong 6 tháng trở lại đây kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam. Giờ đây tất cả chúng ta đều nhận ra dịch COVID-19 sẽ tiếp tục kéo dài do đó việc bảo vệ chăm sóc, thích ứng an toàn với dịch bệnh là điều cần thiết”.

WHO chỉ ra những mặt cần khắc phục hậu COVID-19 của Việt Nam ảnh 1

Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội

Đại diện WHO cho rằng, giai đoạn hiện nay, các nước cần chuyển sang hướng tiếp cận khác, thay vì loại bỏ COVID-19 thì sống chung với dịch COVID-19 và đặt mục tiêu giảm số ca mắc, giảm số ca nhập viện, giảm số ca tử vong, giảm thiệt hại về kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Để làm được những điều trên, đại diện WHO khuyến cáo Việt Nam cần tiêm chủng vắc xin ngừa COVID; thực hiện 5K; củng cố năng lực của hệ thống y tế; ứng dụng kỹ thuật số một cách có chiến lược; tiếp cận toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch.

Nhằm đạt được bình thường mới, chung sống an toàn với dịch COVID-19, ông Kidong Park cho rằng: “Việc củng cố hệ thống y tế của Việt Nam cần hướng tới 2 mục tiêu là đảm bảo an ninh y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cả 2 mục tiêu trên đều rất quan trọng”.

WHO chỉ ra những mặt cần khắc phục hậu COVID-19 của Việt Nam ảnh 2

TS Kidong Park phát biểu tại Hội thảo trực tuyến tổ chức vào sáng 9/11

"Để đảm bảo an ninh y tế Việt Nam cần tăng cường các chức năng chính của y tế gồm giám sát dịch bệnh; phát hiện sớm và ứng phó hiệu quả để kiểm soát đại dịch; thu thập thông tin và nghiên cứu về sức khỏe công cộng. Nội dung này bao gồm cả việc bảo đảm các chức năng cơ bản của hệ thống y tế công cộng như cung ứng và mua sắm vắc xin, thuốc thiết yếu, nguồn nhân lực được cung cấp và phân phối công bằng" - ông Kidong Park nói thêm, đồng thời cho khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu, nhằm tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ có thai và trẻ em, người cao tuổi, người có HIV, lao hoặc các bệnh mạn tính khác.

Theo đại diện WHO, nhiệm vụ này rất quan trọng để đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, cần đảm bảo ngay cả trong đại dịch COVID-19 việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu không bị gián đoạn, đồng thời bất cứ khó khăn nào về mặt tài chính tiếp cận với dịch vụ y tế cũng cần phải được xóa bỏ. Để làm được vấn đề trên, chìa khóa chính là tập trung vào y tế cơ sở bằng nguồn tài chính công, ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và ngành y tế Việt Nam nhằm thích ứng an toàn với dịch COVID-19 trong tình hình mới. Ông Kidong Park nhấn mạnh: “Việt Nam cần biến những thách thức đại dịch COVID-19 thành cơ hội để tái đánh giá, tái cấu trúc các hoạt động và nguồn lực đầu tư, phân bổ cho hệ thống y tế, giúp hệ thống y tế phục hồi mạnh mẽ hơn và ứng phó tốt hơn khi phải đối mặt với bất kỳ đại dịch nào trong tương lai”.

Sáng 9/11, Sở Y tế Lâm Đồng cho biết trong số 54 ca mắc COVID-19 mới, TP Đà Lạt có tới 17 ca, kế đến là Di Linh 8 ca... Đa số các ca mắc mới là người từ địa phương khác về Lâm Đồng và số ca bệnh phát hiện trong cộng đồng ngày càng nhiều. Chẳng hạn, tại TP Đà Lạt ghi nhận 17 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 10 ca từ địa phương khác về.

WHO chỉ ra những mặt cần khắc phục hậu COVID-19 của Việt Nam ảnh 3

Phong tỏa tạm thời 1 địa điểm tại Đà Lạt

Như vậy đến nay, Lâm Đồng phát hiện 762 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó, đang cách ly điều trị 303 ca, ra viện 454 ca, tử vong 4 ca, về địa phương khác 1 ca.

Ca tử vong mới công bố sáng nay là bà N.T.H (43 tuổi, ngụ thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương). Bà H. làm nghề uốn tóc, tiếp xúc với nhiều người, có bệnh nền tiểu đường. Bà H. đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 vào cuối tháng 9 vừa qua.


Cách đây vài ngày, bà H. có triệu chứng hô hấp tại nhà và tự mua thuốc uống. Ngày 8/11, khi bệnh trở nặng, bà H. được gia đình đưa đi bệnh viện nhưng đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau đó, cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm, kết quả bà N.T.H dương tính SARS-CoV-2.

WHO chỉ ra những mặt cần khắc phục hậu COVID-19 của Việt Nam ảnh 4

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân khu vực có ca dương tính với SARS-CoV-2

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ ngày 15/10 đến nay, khoảng 13 ngàn người từ địa phương khác về/đến Lâm Đồng, trong đó phát hiện 85 ca mắc COVID-19. Đến nay, Lâm Đồng đã được Bộ Y tế cấp 1.504.036 liều vắc xin phòng COVID-19; số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 đạt 96,2% và số người được tiêm mũi 2 đạt 44%.

TT-Huế sẵn sàng thành lập các trạm y tế lưu động nơi bùng phát dịch

Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh TT-Huế cho biết, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn, xuất hiện các chùm ca bệnh trong cộng đồng, nhà máy; tỉnh sẵn sàng, chủ động đề ra các biện pháp ứng phó.

Đến ngày 9/11, tỉnh TT-Huế có 1.359 ca F0, hiện điều trị 356 ca. Các ca mắc được ghi nhận xuất hiện tại nhiều địa bàn như TP Huế, các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, thị xã Hương Thủy. Riêng trong ngày 8/11, trên địa bàn ghi nhận 14 ca dương tính với SARS-CoV-2 (trong đó có 7 ca cộng đồng).

Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ; chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả.

Ngành y tế và các địa phương tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay các trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vắc xin. Các địa phương tổ chức tiêm ngay khi nhận được vắc xin, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe..., yêu cầu thực hiện nghiêm an toàn phòng chống dịch; tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về tiếp tục thực hiện 5K, không lơ là, chủ quan sau khi tiêm vắc xin; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

MỚI - NÓNG