Washington Post: 'Hãy nhìn Việt Nam với con mắt mới'

Washington Post: 'Hãy nhìn Việt Nam với con mắt mới'
Hôm nay (18/06), tờ Washington Post đã dành hẳn một trang để viết về quan hệ Việt - Mỹ và những trông đợi nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Mỹ, trong đó, có những bài của học giả Việt Nam.
Washington Post: 'Hãy nhìn Việt Nam với con mắt mới' ảnh 1

Tổng thống Bush và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại Hà Nội. Ảnh: VietnamNet

Xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Vũ Tùng, giảng viên Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội đăng trên Washington Post sáng 18/6.

“Hãy nhìn Việt Nam bằng đôi mắt mới!” là điều Việt Nam luôn mong muốn từ phía Mỹ trong suốt quá trình hai bên phấn đấu đi tới bình thường hóa quan hệ. Quả thật, chỉ khi các giới ở Mỹ nhìn nhận Việt Nam là một đất nước mà không phải là một cuộc chiến tranh thì quan hệ mới được bình thường hóa và phát triển nhanh chóng.

Ngày nay, sau hơn 10 năm bình thường hóa, quan hệ chính thức trên các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, chính trị - an ninh đã phát triển mạnh mẽ. Quan hệ dân gian cũng phát triển toàn diện. Sự hiểu biết được tăng cường và mối quan hệ toàn diện phát triển trên một mức cao hơn đang là cơ sở mới cho quan hệ Việt - Mỹ.

Nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm. Quan hệ trên thực tế vẫn ở dưới mức tiềm năng, và đó sẽ là cơ sở để hai bên tiếp tục có những sáng kiến chủ động thúc đẩy quan hệ. Đồng thời, những khác biệt về chính trị - xã hội cũng như tranh chấp thương mại cũng đã xuất hiện, và đó sẽ là cơ sở để hai bên lo ngại về những bước lùi có thể có trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, xét về tổng thể, khi xu thế phát triển quan hệ đã trở thành không thể đảo ngược và các cơ hội bị bỏ lỡ đã trở nên không ai mong muốn, thì hướng về tương lai đã trở thành một thông điệp rõ ràng.

Nếu so sánh một cách đơn giản, mối quan hệ giữa hai nước cũng giống như một cuộc chơi, với tên gọi cho cuộc chơi và luật lệ cho người chơi. Một khi đã có giao tiếp nhưng tên gọi cuộc chơi chưa được xác định, và theo đó là luật chơi chưa rõ ràng thì quan hệ sẽ không tránh khỏi khó khăn, do trong hoàn cảnh đó, những kỳ vọng có thể trở nên không thực tế, một số hành vi có thể không được chấp nhận, và một số lĩnh vực có thể chưa được khai thác hết.

Do đó, định vị rõ ràng cho mối quan hệ đối tác Việt - Mỹ là điều cần thiết trong giai đoạn này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nêu rõ trong chuyến thăm Mỹ lần này, Việt Nam và Mỹ sẽ tìm các biện pháp để “xây dựng quan hệ đối tác xây dựng hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên nền tảng rộng lớn, ổn định và hiệu quả”.

Có thể có người vẫn cho rằng một cuộc chơi giữa Mỹ và Việt Nam sẽ không tương xứng: Mỹ là một siêu cường quốc có chiến lược tầm toàn cầu, trong khi đó Việt Nam là một nước đang phát triển với tầm nhìn và hoạt động khu vực; như vậy, cơ sở của cuộc chơi sẽ không đầy đủ, và cuộc chơi sẽ không “hoành tráng”.

Nhưng đây sẽ là một cuộc chơi thú vị, vì những lý do sau. Mối bận tâm trong một số giới ở Mỹ đến chiến lược toàn cầu trong giai đoạn chiến tranh lạnh đã khiến Mỹ không quan tâm đến những hoàn cảnh đặc thù ở một nước có tên Việt Nam mà vẫn nhảy vào can thiệp ở Việt Nam với mục tiêu ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản theo logic của thuyết đôminô. Điều đó đã buộc Mỹ phải trả giá mà sau này chính Mc Namara, một trong những kiến trúc sư của cuộc chiến tranh, phải thừa nhận rằng Mỹ đã “sai lầm ghê gớm”. Nói một cách khác, ngay từ khi đó, việc Việt Nam không được nhìn nhận như một đất nước mà Mỹ cần phải có một cuộc chơi riêng đã đưa tới Việt Nam như một cuộc chiến đối với Mỹ.

Và khi phải đương đầu với Mỹ, Việt Nam vẫn là một người chơi đàng hoàng. Việt Nam đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất đất nước, và nhìn nhận chiến thắng ở góc độ đó. Ngay cả khi một số người Mỹ vẫn cảm thấy khó chấp nhận kết cục của cuộc chiến thì vẫn không thể phủ nhận thực tế là đối thủ của họ đã cố gắng tạo cho Mỹ một lối thoát “trải thảm đỏ” ra khỏi cuộc chiến.

Như vậy, không chỉ nên coi Việt Nam là một đất nước, đã đến lúc Mỹ còn phải coi Việt Nam là một đối tác xứng tầm. Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã có thể và sẵn sàng làm bạn và làm đối tác tin cậy của các nước, đúng như đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra. Kể cả với Mỹ, điều này cũng đang đúng. Quá khứ đã khép lại, quan hệ đã mở ra. Người Mỹ, kể cả cựu binh, đến Việt Nam đều thấy người dân và Chính phủ Việt Nam thân thiện và hướng về phía trước; thậm chí lịch sử khó khăn trong quan hệ giữa hai nước cũng trở thành mối dây đặc biệt củng cố quan hệ hai bên và hòa bình, ổn định của Đông Nam Á cũng trở thành mục tiêu chung của hai nước.

Nếu Mỹ thật sự coi Việt Nam là một đối tác tốt, xây dựng một khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ hai nước sẽ là công việc của thì tương lai gần. Nói một cách dễ hiểu, cuộc chơi sẽ được đặt tên, luật chơi sẽ được cùng xây dựng, và hai bên sẽ đi vào một cuộc chơi và chơi đúng luật.

TS. Nguyễn Vũ Tùng
Theo Washington Post/VietnamNet

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.