Vứt rác, mẩu thuốc lá, vệ sinh bừa bãi: Phạt không được sẽ nhờn luật

Cần xử phạt các hành vi vứt rác, đầu lọc thuốc lá, đi vệ sinh bừa bãi để răn đe. Ảnh: IT
Cần xử phạt các hành vi vứt rác, đầu lọc thuốc lá, đi vệ sinh bừa bãi để răn đe. Ảnh: IT
TP - “Hành vi hút thuốc lá, vứt đầu lọc, vứt rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định, không phải ai cũng có thể xử phạt. Dù phạt rất khó, nhưng cũng phải làm, vì đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng, người thực thi công vụ để nghị định thực sự đi vào cuộc sống”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên  Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với PV.

Nghị định 155 vừa ban hành, đưa ra các quy định xử phạt khá cao đối với các hành vi vứt đầu lọc, mẩu thuốc lá nơi công cộng, đi vệ sinh, vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Dù được xem là tiến bộ, song nghị định này dường như vẫn không đi vào cuộc sống?

Tôi cho rằng, Nghị định 155 xử phạt về các hành vi kể trên rất tiến bộ, phạt là đúng. Tuy nhiên việc áp dụng xử phạt đối với các hành vi vi phạm như vậy không hề đơn giản. Hiện nay dân số của chúng ta rất đông, mà trình độ dân trí phải nói cũng còn những hạn chế nhất định.

Nói về ý thức của người dân, điển hình như vấn đề giao thông, người đi bộ cũng có thể bị xử phạt khi đi không đúng phần đường, đi qua đèn đỏ, rồi xe máy đèo ba, không đội mũ bảo hiểm cũng vi phạm... Tuy nhiên chúng ta thấy tình trạng vi phạm trên đường phố còn rất nhiều, mà phạt lại chẳng bao nhiêu.

Vi phạm giao thông đe dọa đến sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của người dân mà việc xử phạt còn gặp nhiều khó khăn như vậy. Việc xử phạt các hành vi đi vệ sinh bừa bãi, vứt đầu lọc thuốc, vứt rác không đúng quy định chắc hẳn sẽ gặp khó khăn hơn nhiều. Ai phát hiện vi phạm, ai xử phạt, người vi phạm có chấp hành không?... Tất cả đều không hề đơn giản.

Người dân không quan tâm, cơ quan chức năng được xử phạt thì lúng túng. Ông có lo ngại điều này sẽ làm nghị định thiếu tính khả thi và tạo ra tiền lệ, gây nhờn luật?

Vứt rác, mẩu thuốc lá, vệ sinh bừa bãi: Phạt không được sẽ nhờn luật ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Trước tiên phải nói rằng, cái được của nghị định này khi ban hành chính là góp phần nâng cao được ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, đảm bảo môi trường công cộng. Nhưng khi nghị định đã được ban hành, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, chứ không phải gặp chăng hay chớ, muốn phạt thì phạt, muốn không thì không.

Điều quan trọng đúng là không để nó tạo thành một tiền lệ, nghị định ban hành nhưng phạt cũng được mà không phạt cũng chẳng sao, hoặc ban hành mà không thực thi được, rất phản cảm. 

Đại biểu Quốc hội 

Phạm Văn Hòa

Các hành vi hút thuốc lá, vứt đầu lọc, vứt rác, đi vệ sinh không đúng nơi quy định, không phải ai cũng có thể tiến hành xử phạt. Với dân số gần trăm triệu người như hiện nay, không phải ít như Singapore, nếu phạt thì rất nhiều, thậm chí phạt không xuể. Xử phạt rất khó, nhưng khó cũng phải làm, vì đó là trách nhiệm của cơ quan chức năng, người thực thi công vụ để nghị định thực sự đi vào cuộc sống.

Điều quan trọng đúng là không để nó tạo thành một tiền lệ, nghị định ban hành nhưng phạt cũng được mà không phạt cũng chẳng sao, hoặc ban hành mà không thực thi được, rất phản cảm. 

Ngoài vấn đề ý thức có lẽ còn do đối tượng được giao nhiệm vụ xử phạt chỉ ở cấp phường, nên việc xử phạt đã khó lại còn khó hơn?

Theo tôi, việc ban hành Nghị định 155 để người dân có ý thức, còn xử phạt chỉ là phần phụ, không mang lại kết quả cao, cũng không có người đâu mà phạt.

Ít ra cũng cần có những giải pháp nào đó, chứ không phải ban hành ra rồi để đấy?

Giải pháp hiệu quả có lẽ vẫn là sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để tuyên truyền, để mỗi công dân hiểu, tự nêu cao ý thức trách nhiệm. Rồi giải pháp căn cơ nữa là bản thân những người thực thi nhiệm vụ phải có sự cương quyết, xử phạt để nêu gương, góp phần nêu cao ý thức của người dân đối với môi trường công cộng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG