Trước thềm năm mới Tân Sửu 2021, một số trí thức, chuyên gia chia sẻ về những bí quyết biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước vươn lên mạnh mẽ, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển,…
TS. Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty TMA Solutions: Mạnh dạn ứng dụng và thử nghiệm công nghệ mới
Nếu chúng ta mạnh dạn áp dụng các công nghệ mới, nhanh chóng giải quyết các rào cản, thì Việt Nam sẽ tận dụng được các lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, nhanh chóng hiện đại hóa các ngành và thúc đẩy nền kinh tế số, không chỉ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 mà còn tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh mới, trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ ở Đông Nam Á.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tại các nước, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhà nước luôn là khách hàng lớn của nền kinh tế. Trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam cần tăng ngân sách để đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ quan, các bộ ngành, triển khai 5G, khuyến khích họp trực tuyến…để chính phủ tiên phong trong ứng dụng công nghệ, vừa thúc đẩy thị trường công nghệ Việt Nam.
Thay vì chỉ tập trung vào Hà Nội và TPHCM, Việt Nam nên xây dựng các trung tâm phát triển khoa học – công nghệ, công viên phần mềm tại miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc… để thúc đẩy ứng dụng công nghệ giải quyết các bài toán tại địa phương.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia Tài chính Ngân hàng: Tìm vốn cho chuyển đổi kinh tế số
Trong thời đại 4.0, nếu không chuyển đổi trên nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp có thể bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, chi phí cho chuyển đổi số là rất lớn.
Vấn đề đặt ra là tiền đâu? Các NH hiện nay có thanh khoản rất tốt và trong nguồn vốn huy động có nguồn huy động lõi với lãi suất rất thấp là CASA (gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn). CASA của hệ thống NH Việt Nam chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. NH có thể lấy nguồn đó để tham dự vào tổ hợp tín dụng, từ đó có thể cho vay (tín chấp) với lãi suất rất thấp, khoảng 3-5%/năm. Thời hạn cho vay là 5 năm. Hạn mức tín dụng được sử dụng theo phương pháp vay tuần hoàn trong 2 năm đầu và chuyển sang vay cố định và trả dần cho 3 năm sau.
Trên phương diện quản lý rủi ro, những DN vay vốn từ gói này đa phần là DN đang yếu, nên phải có những tiêu chí định lượng và định tính để thẩm định các DN có nhu cầu vay. Những DN nào “chết lâm sàng” hay có vốn chủ sở hữu âm hay trong tình trạng phá sản thì không cho vay vì DN này đã quá kiệt quệ, dù có bơm bao nhiêu tiền cũng không thể cứu được.
Giáo sư Augustine Hà Tôn Vinh - Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cơ sở hạ tầng: Xu hướng kinh tế tuần hoàn
Tất cả đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều đang bị khủng hoảng vì đại dịch COVID-19. Sức mua hàng hóa Việt Nam vì thế bị chững lại và khó có thể được phục hồi trong thời gian ngắn. Để đối phó với tác động tiêu cực để phát triển kinh tế, Chính phủ cũng như các DN cần có tầm nhìn và giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn. Trong ngắn hạn, với đa số thuộc nhóm DN nhỏ và vừa, Việt Nam sẽ dễ dàng thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của thị trường và dịch chuyển để tồn tại và phát triển. Nếu Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh các dự án đầu tư công và giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang bị chậm trễ hay tạm dừng, kinh tế Việt Nam sẽ bớt bị động và giảm tác động tiêu cực của COVID-19.
Trong dài hạn, Chính phủ và DN phải tính đến việc chuyển hướng từ nền kinh tế tiêu thụ truyền thống sang kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn nhắm đến việc kéo dài tuổi thọ của vật chất, tài nguyên thiên nhiên, giúp giảm thiểu chi phí khai thác, sản xuất, và gia tăng lợi ích cũng như lợi nhuận nhất là khi sự cạnh tranh giữa các nước, các DN càng ngày càng khốc liệt. Nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình hợp tác công tư hoàn hảo. Chính phủ không chịu thêm áp lực tìm và mua tài nguyên quý hiếm, đắt đỏ từ thị trường quốc tế. Chính phủ có thể hướng dẫn, hỗ trợ DN với các chính sách tài trợ việc nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ kinh tế tuần hoàn, giảm thuế cho việc sản xuất, quảng bá các sản phẩm được tái chế, tái sử dụng,…
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và bài học của các nước đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, như các nước Bắc Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore,…
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số
Với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sang tăng trưởng dựa vào tri thức. Nhận thức rõ cơ hội này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên cơ sở các Nghị quyết và Chương trình hành động của Đảng và Chính phủ, theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh. Với tầm nhìn này, Việt Nam coi chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp phải ý thức trạng thái “bình thường mới” phức tạp, khó lường hơn
Đừng nghĩ chúng ta khắc phục được COVID -19, được thế giới khen là một nước tăng trưởng tốt trong năm 2020 mà chủ quan, lơ là trong việc phòng chống dịch. Doanh nghiệp phải ý thức được rằng trạng thái “bình thường mới” phức tạp, nhiều nhân tố bất định, khó lường hơn. Và quan trọng nhất, ưu tiên hàng đầu vẫn là “chống dịch như chống giặc”. Có chống được dịch, giữ được môi trường kinh doanh an toàn thì mới nghĩ đến tồn tại, phát triển được.
Bên cạnh đó, năm 2021 cũng là thời điểm chúng ta hòa vào dòng chảy của thị trường quốc tế khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Thành quả ban đầu của những hiệp định đã tham gia như EVFTA khá tốt, so với CPTPP rõ ràng doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn, có ý thức về tận dụng cơ hội để phát triển.
Để đạt được kết quả tích cực trong năm 2021, ưu tiên số 1 của doanh nghiệp phải tăng cường sự hiểu biết để nắm bắt kịp thời các vấn đề của thị trường. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần liên kết với nhau. Thời điểm khó khăn do COVID-19 như năm cũ các doanh nghiệp đã cùng nhau kết nối, tận dụng thế mạnh của doanh nghiệp A, bổ trợ cho sự yếu kém của bên B, dắt tay nhau cùng đi lên. Kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam càng cần hơn bao giờ hết để cạnh tranh với doanh nghiệp FDI trong thời hội nhập.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tham gia ngay vào công nghệ trong các khâu kinh doanh. Các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng của mình, nhằm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của người tiêu dùng trong nước, từ đó tạo tiếng vang sang các nước lân cận, trong khu vực cũng như toàn thế giới.
Cuối cùng, hơn ai hết, ban lãnh đạo doanh nghiệp phải là người hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó tái cấu trúc nội bộ, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cụ thể. Giải đáp được những vấn đề trên thì doanh nghiệp sẽ có thể làm ăn một cách lâu dài và phát triển được không những trong năm 2021 mà còn các năm tiếp theo.
PGS-TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng: Kinh tế tư nhân là nền tảng, tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột
Chính phủ phải nhận diện vai trò kinh tế tư nhân căn bản hơn, có lý luận hơn. Những năm gần đây, khi tư nhân nhập cuộc nền kinh tế có nhiều cải thiện. Chính vì vậy, cần phải khẳng định và tiếp tục với nền kinh tế tư nhân, coi nền kinh tế tư nhân là nền tảng, tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột cho một cường quốc kinh tế tương lai, có như vậy các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mới đạt được.
Thứ hai, phải tận dụng triệt để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phải nhập cuộc để chiến đấu. Khi chúng ta hội nhập, kéo được các tập đoàn lớn trên thế giới về với mình, mượn được các công nghệ và đặc biệt tạo được năng lực công nghệ như Việt Nam có 5G, phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo…Hay thành tựu mới đây nhất là VinGroup đã bán được hàng triệu điện thoại thông minh. Chúng ta có thể nương sức thế giới và cho thấy Việt Nam làm được điều đó.
Ngoài ra, thể chế phải tốt, khuyến khích tư nhân, không trói buộc, phân biệt tư nhân, bỏ cơ chế xin cho, đề cao tính sáng tạo… thì cơ hội đặt ra mới có thể thành hiện thực.
Cần phải nhấn mạnh rằng, yếu tố mấu chốt vẫn là kinh tế tư nhân và phát triển công nghệ. Tuy nhiên cũng cần đánh giá cao vai trò kinh tế nhà nước. Khi đặt mục tiêu như vậy thì phải biết lực lượng nào chủ đạo để mở cửa cho lực lượng đó.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê: Công nghiệp chế biến,chế tạo - Động lực chính của tăng trưởng
Động lực tăng trưởng năm 2021 sẽ vẫn là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn đang được đầu tư, triển khai, tập trung ở các ngành như: sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt may, da giày; Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; giấy và sản phẩm từ giấy; Ngành sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ phi thị trường như y tế, giáo dục, quản lý nhà nước tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá trong năm 2021. Các ngành dịch vụ có mức tăng trưởng âm trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như dịch vụ lưu trú ăn uống, vận tải, du lịch,…cũng sẽ được phục hồi trong năm 2021.
Ngoài các ngành, lĩnh vực nêu trên, năng suất lao động được xem là yếu tố, động lực tiềm năng mang đến sự phát triển bền vững cho kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ, các cấp, ngành đang giành nhiều tâm huyết và nỗ lực để cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng DN. Do đó, năng cao năng suất lao động là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê: Điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn các FDI
Trong bối cảnh xu hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang hướng tới những nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam,…để tái cơ cấu chuỗi cung ứng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư. Trong xu thế đó, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm đầu tư hấp dẫn và an toàn.
Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới với việc chủ động tham gia và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; EVFTA cùng với CPTPP được coi là 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra những cơ hội lớn cho Việt Nam. Không chỉ các DN nội địa mà nhiều DN FDI đặt nhà máy tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ những hiệp định này.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, trẻ, năng động, có kiến thức; Là thị trường tiềm năng và rộng lớn với dân số tiệm cận 100 triệu người.
Một yếu tố quan trọng khác theo ông Thúy là Việt Nam nằm ở vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực châu Á, kết nối giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Thời gian bay đến các trung tâm kinh tế lớn và năng động như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước ASEAN rất ngắn.
Thực tế thời gian qua cho thấy một số địa phương đang là điểm sáng thu hút FDI.
Việc kiểm soát thành công dịch COVID-19, theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Việt Nam đang được cộng đồng thế giới đánh giá cao và trở thành một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong hiện tại và tương lai.