Tuổi trẻ của bạn và Đoàn

Vượt qua bão dư luận

Năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Hà Quang Dự Ảnh: Chinhphu.vn
Năm 2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho ông Hà Quang Dự Ảnh: Chinhphu.vn
TP - Giai đoạn 1987-1992, thời kỳ công tác đoàn kết tập hợp, giáo dục lý tưởng cho thanh niên gặp nhiều thử thách, ông Hà Quang Dự, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, đã tiên phong đổi mới mạnh mẽ, vượt qua bão dư luận, đối mặt án kỷ luật để đưa ra những quyết định lịch sử. 

Không để tinh thần thanh niên thoái trào

Hội nghị Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Praha, Tiệp Khắc được xem là hội nghị cuối cùng của Đoàn Thanh niên các nước XHCN. Cựu Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự nhớ lại tình hình lúc đó các nước XHCN từ Liên Xô đến Đông Âu đang có nhiều vấn đề rất rối ren, phức tạp. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của hội nghị là bàn về giải pháp giáo dục lý tưởng XHCN; đoàn kết, tập hợp thanh niên. Tuy nhiên, tâm thế của nhiều Bí thư thứ nhất Đoàn Thanh niên các nước khi bước vào hội nghị không còn phấn khởi nữa. Có những người phát biểu ý kiến 2, 3 lần nhưng đều có một cảm tưởng, đó là sự bế tắc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Đông Âu, Liên Xô lan rộng.

Sau hội nghị, ông Hà Quang Dự bay sang Cộng hòa Dân chủ Đức để làm việc về một chương trình hợp tác thanh niên đã được chuẩn bị trước đó, nhưng không thành, vì tình hình chính trị lúc đó rất tồi tệ. Không có cuộc bàn bạc, làm việc nào diễn ra. Sau một ngày ông bay sang Liên Xô, rồi về Việt Nam.

“Khi về Việt Nam, tôi xin gặp và báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Lịch sắp xếp là 30 phút nhưng thực tế cuộc gặp kéo dài 1,5 giờ đồng hồ. Tôi báo cáo chi tiết tình hình ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ thị, tình hình thế giới như vậy nhưng đồng chí phải cố gắng tìm tòi mọi cách để tiến hành công tác vận động thanh niên cho tốt, đừng để tinh thần thoái trào”, ông Dự nhớ lại.

Sự chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với thanh niên vừa là mệnh lệnh, đồng thời là động lực để Ban Bí thư, Ban thường vụ T.Ư Đoàn lúc đó quyết tâm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác của mình. Lần lượt các chương trình, hoạt động được ra đời: Cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong; phong trào thanh niên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xóa tiêu chuẩn đoàn viên vào đại học… Những chương trình, hoạt động đó đạt thành công ngoài mong đợi nhưng cũng đưa đến không ít sóng gió cho Thủ lĩnh thanh niên Hà Quang Dự.

Hai lần bị đề nghị kỷ luật

“Đoàn đổi mới phương pháp tiếp cận thanh niên, tự đổi mới diện mạo hoạt động của Đoàn mình, không hô hào kêu gọi lý tưởng chung chung mà triển khai những việc làm thiết thực. Đồng thời, tiếp tục đấu tranh với những biểu hiện sai lệch trong thanh niên về nhận thức XHCN. Ban Bí thư T.Ư Đoàn trực tiếp tham gia nhiều cuộc họp của thanh niên ở cơ sở, trường học, đối thoại với thanh niên”, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn kể lại.

Cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong do báo đề xuất và lập tức được Ban Bí thư T.Ư Đoàn phê duyệt. Cuộc thi ra đời giống như một sự thử nghiệm xem thanh niên thích cái gì. “Nhớ mãi lúc đó, tôi và anh Hồ Đức Việt là Bí thư thường trực T.Ư Đoàn ngồi bàn với nhau, lường trước cả những phản ứng trái chiều của dư luận. Anh em chúng tôi hạ quyết tâm: Giờ mình dùng cuộc này (Hoa hậu báo Tiền Phong - PV) để thử xem thái độ tiếp thu của thanh niên đối với cái mới, với những hoạt động của Đoàn ra sao”, ông Dự nhớ lại.

Cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong diễn ra nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của thanh niên. Tuy nhiên, ngay sau đêm chung kết, dư luận nổ ra những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến phản ứng rất dữ dội, trong đó có những lãnh đạo rất cao cấp. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự bị cho là “đầu têu” mang văn hóa tư sản vào Việt Nam, và đứng trước án kỷ luật. Đích thân ông và Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trịnh Tố Tâm, Bí thư T.Ư Đoàn lúc đó phải đến giải trình với “các cụ”. Sau cuộc gặp ông được lệnh làm báo cáo giải trình trong 2 trang giấy, nếu sai sẽ bị kỷ luật. Cuộc giải trình thành công nên các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam sau đó được tổ chức định kỳ 2 năm/lần.

Cũng trong năm 1988, ông cùng Ban Thường vụ T.Ư Đoàn đã có một quyết định đi vào lịch sử là đề nghị Nhà nước bỏ quy định phải là đoàn viên mới được vào đại học, đi hợp tác lao động nước ngoài. “Bỏ tiêu chuẩn đoàn viên vào đại học không hề dễ dàng. Nhưng chúng tôi kiên quyết làm, vì nhu cầu của thanh niên và phụ huynh. Quyền đi học, đi lao động là quyền cơ bản của công dân. Nếu mình không làm, không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của thanh niên thì không tập hợp được họ”, ông Dự chia sẻ.

Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn tổ chức ở Vũng Tàu bàn về nội dung này. “Hôm họp Ban Thường vụ căng thẳng lắm. Mọi người đều lo lắng sẽ bị kiểm điểm, sợ bị chụp mũ là Đoàn Thanh niên “đầu têu” bỏ tiêu chuẩn chính trị. Trong Ban Thường vụ cũng có nhiều ý kiến khác nhau, người tán thành, người phản đối”, ông Dự kể.

Hơn 16 giờ chiều, thấy không khí cuộc họp căng thẳng quá, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn quyết định nghỉ họp sớm, rồi chia Ban Thường vụ thành 2 đội bóng, đá với nhau. Hai nữ thường vụ được phân công bắt gôn 2 bên, Bí thư thứ nhất làm trọng tài. Đá bóng, ăn tối xong, Ban Thường vụ tiếp tục họp trong đêm. Lúc này, Ban Thường vụ nhận được sự đồng thuận, biểu quyết nhất trí cao với đề nghị bỏ tiêu chuẩn đoàn viên vào đại học, đi hợp tác lao động nước ngoài.

Đề nghị này đưa ra bị phản ứng quyết liệt từ nhiều phía, có ý kiến đề nghị kiểm điểm, kỷ luật Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhưng cuối cùng cũng thành công. Đề nghị này được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất ủng hộ.

Vượt qua bão dư luận ảnh 1 Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Hà Quang Dự (ngoài cùng, bên trái) cùng Giáo sư Nguyễn Lân Hùng thăm một nhà vườn sản xuất giống cây ăn quả năm 1990ẢNH: NVCC

Khơi dậy mầm thiện trong thanh niên lạc lối

Giai đoạn Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Nông nghiệp phát động phong trào Thanh niên thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Thanh niên được tập huấn kỹ năng, phổ biến kỹ thuật, hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Phong trào đã tạo nên một khí thế thi đua sôi nổi, khắp nơi trên cả nước. Các mô hình kinh tế, trang trại thanh niên ra đời. Ban Bí thư T.Ư Đoàn liên tục đi về cơ sở tham quan, cổ vũ, động viên các mô hình.

Ông Hà Quang Dự sinh năm 1945, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội khóa VIII. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI, VIII, IX, X. Năm 2012, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Đối với thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, chậm tiến, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức một số hoạt động cho họ và thành lập được các Chi hội thanh niên, như: Chi hội xích lô, chi hội bốc vác ở bến xe, … từ đó, tập hợp được đông đảo thanh niên. Bí thư thứ nhất Hà Quang Dự trực tiếp đến sinh hoạt với thanh niên chậm tiến. Nhờ đó, tạo được sự gần gũi, tin cậy với tổ chức Đoàn.

Thậm chí, có những thanh niên có tiền án, tiền sự, khi tiếp xúc, cựu Thủ lĩnh thanh niên thấy được mầm thiện trong họ, đã khơi dậy, cảm hóa. Ông đã hỗ trợ để họ trở về nẻo thiện, làm lại cuộc đời. Cho đến bây giờ, một số thanh niên thời đó vẫn còn giữ liên lạc, thi thoảng gọi điện thăm hỏi ông. “Mình phải có sự đồng cảm, sẻ chia và yêu thương thanh niên. Có yêu thương mình mới cảm hóa được họ; họ mới nghe mình để theo mình”, ông Dự nói.

Nhờ sự đổi mới toàn diện, mọi mặt đó, công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi khởi sắc về mọi mặt, tạo nên một diện mạo mới, đầy tươi trẻ. “Ngẫm lại, giai đoạn 1987-1992 rất khó khăn do sự sụp đổ của thể chế XHCN ở Đông Âu, Liên Xô tan rã, nhưng chúng ta đã vượt qua. Điều đó cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mà người đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đoàn Thanh niên đã nhận được sự ủng hộ để những cuộc đổi mới trong giai đoạn khó khăn đó đều thành công, mang lại làn gió mới trong công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi lúc bấy giờ”, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nói.

Bài dự thi cuộc thi viết “Tuổi trẻ của bạn và Đoàn” có thể gửi về báo Tiền Phong theo địa chỉ email: gioitretienphong@gmail.com đến hết ngày 3/3/2021.Ngoài ra, tác giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội) và đề ngoài phong bì: Bài dự thi viết về “Tuổi trẻ của bạn và Đoàn”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.