Vượt “Cổng trời” vào “Mường trăm tuổi”

Vượt “Cổng trời” vào “Mường trăm tuổi”
Có một “Đà Lạt” giữa lòng miền Trung nắng cháy, có một “Sa Pa” giữa vùng đất gió Lào cát trắng. Đó là Mường Lống, một địa danh nằm giữa những ngọn núi cao nhất trên dãy Trường Sơn.
Vượt “Cổng trời” vào “Mường trăm tuổi” ảnh 1
Chợ phiên Mường Lống

“Muốn vào Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) phải vượt qua cổng trời” - Anh xe ôm nói, rồi nổ máy chiếc Minsk dã chiến đưa tôi vào sâu giữa đồi núi trập trùng …

Bí quyết sống lâu ở “Mường trăm tuổi”

Mặc dù nằm trên địa bàn “càn quét” những trận gió Lào, nhưng khí hậu Mường Lống vào mùa hè mát mẻ chẳng thua kém các khu nghỉ mát Đà Lạt hay Sa Pa. Các đỉnh núi nơi đây quanh năm mây mù bao phủ, một ngày có đủ 4 mùa xuân, hạ, thu, đông.

Dường như nhờ vào sự khác biệt của khí hậu vào mùa hè nên có thể nói, Mường Lống là một “thiên đường nghỉ dưỡng”. PGS.TS Nguyễn Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Vật liệu và Môi trường khắc nghiệt (Viện Cơ học), đã công bố trong một nghiên cứu của ông về gió Lào ở miền Trung rằng Mường Lống là nơi duy nhất trên cả nước có số đông các cụ già sống trên 100 tuổi.

Sau gần nửa ngày quăng quật trên phương tiện “hành” khách đặc trưng của miền núi, chiếc Minsk dừng lại trước một lối đi độc đạo hai bên là vách đá sừng sững và vực thẳm sâu hút.

Anh xe ôm hét lớn vào đôi tai ù đặc vì độ cao của tôi: “Đây là cổng trời! Bà con địa phương gọi như vậy vì xưa kia nơi này quanh năm mây mù bao phủ, rừng núi hoang sơ chằng chịt không thể đi tiếp”.

Chắc vì vẻ mặt ngơ ngác của tôi, anh ta lại giải thích: “Mới cách đây vài năm thôi, chỉ có thể đi bộ đến cổng trời. Phải tốn rất nhiều… mìn và sức lực lắm mới mở đường được như bây giờ”.

Xốc lại hành trang phủ đầy bụi đỏ, tôi cuốc bộ qua cổng trời và “lạc” vào giữa một thung lũng rộng lớn, phía trước thấp thoáng những mái nhà được úp kín bằng các tấm gỗ lòng máng. Nét đặc trưng nhà ở của người Mông tại Mường Lống là đây!

Vượt “Cổng trời” vào “Mường trăm tuổi” ảnh 2
Cô gái Mường Lống mang gà đen đi chợ bán

Được biết xã Mường Lống có 15 bản của đồng bào người Mông và 7 dòng họ, với hơn 600 hộ, đa số các hộ đều có 4 thế hệ cùng sống chung. Theo chân Phó công an xã Và Chồng Xử, tôi đến bản Mường Lống I, là bản Trung tâm của toàn xã.

Ban ngày, bản vắng người, Và Chống Xử chỉ tay vào những dãy núi xa mờ nói: “Bà con ta đang đi làm rẫy ở sau núi, cả những người già cũng vậy, tối mới về”. Hỏi về số lượng người già trong xã, Và Chống Xử thật thà: “Ồ, nhiều không đếm hết đâu, nhà nào cũng có người già mà.

Người Mông ta quan niệm gia đình nào có nhiều thế hệ sống chung dưới một ngôi nhà, cùng ăn một bếp là nhà có phúc. Ngay ở bản Trung tâm có cụ Và Chà Xía năm nay đã trên 110 tuổi, cụ Xía là bố đẻ của ông Và Nỏ Tu (85 tuổi) làm chức… Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở xã ta đó”.

Hội Người cao tuổi được thành lập đã gần 2 năm ở Mường Lống. Ngày tôi bước chân qua “cổng trời”, ông Chủ tịch hội Và Nỏ Tu đang đi họp ở dưới huyện, hỏi ra mới biết là ông… cuốc bộ đi họp vì kinh phí của Hội không đủ để thuê xe ôm.

Tôi lại theo chân Và Chống Xử đến gặp già làng Xồng Gà Vừ. Tên tuổi của già Vừ được lưu truyền ở Mường Lống với kỳ tích thời trai trẻ một mình già chỉ với con dao đã hạ gục con hổ dữ thường về bắt dê, lợn của bản.

Già làng Xồng Gà Vừ năm nay xấp xỉ tuổi 90, nhìn dáng vẻ quắc thước của già thật khó tin vào điều đó, nếu như không căn cứ vào ngày tháng năm của một số bằng khen do chính quyền trao tặng được già treo trang trọng trên tường nhà.

Bữa tối được dọn ra, ngoài món cơm và bát canh nhạt như thường lệ của người Mông, hôm nay có khách nên cô con dâu nhà già Vừ làm thịt thêm con gà đen, món gia cầm đặc sản ở Mường Lống.

Theo TS Võ Văn Sự - Trưởng bộ môn Động vật quý hiếm và đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi) - gà đen không những là món ăn đặc sản mà còn được Hội nghị quốc tế về dinh dưỡng trị liệu (ngày 4/7/1996) công nhận thịt gà này còn có tác dụng tăng khả năng sinh lý và giá trị dược liệu cao, rất tốt cho những người bị bệnh tim mạch.

Uống đến chén rượu ngô thứ ba, tôi mạnh dạn hỏi già Vừ về bí quyết “sống lâu, sống khỏe” của người Mường Lống. Già cười vang trong đêm khuya rồi nửa đùa nửa thật: “Theo phong tục truyền thống, lễ tang của người Mông rất tốn kém. Cha hoặc mẹ qua đời, các con phải mổ ít nhất 2 con lợn, 1 con bò để làm cỗ cho bà con dân bản ăn uống trong ba ngày, rồi tiền thuê thầy cúng, đội kèn trống…

Mỗi lễ tang tính ra hơn chục triệu đồng, nhiều khi đời ông nhắm mắt đến đời cháu cũng trả chưa hết nợ, cho nên người già ở Mường Lống sống lâu vì…thương con cháu”.

Sáng sớm, già Vừ dẫn tôi đi thăm các bản nằm ở lưng chừng núi. Bà con ở đó cho biết bên cạnh các món ăn chính hàng ngày, người Mông còn có một số món ăn tẩm bổ hoặc để chữa bệnh, trong đó đáng kể nhất là xương và thịt của gà đen.

Việc sử dụng các loại cao nấu từ xương thú phải theo nguyên tắc, không dùng bừa bãi, ví như cao hổ chỉ những người 40 - 50 tuổi trở lên mới được sử dụng, bằng cách ngâm rượu uống hoặc nấu cháo ăn.

Vượt “Cổng trời” vào “Mường trăm tuổi” ảnh 3
Người Mường Lống đã biết phát triển chăn nuôi để ổn định cuộc sống, thay vì  trồng cây thuốc phiện

Khí hậu ở Mường Lống thích hợp với nhiều loại dược liệu, một số thực vật như hà thủ ô đỏ, ngưu tất đỏ, đường quy…cũng được bà con khai thác chế biến làm món tẩm bổ. “Những năm gần đây rừng bị tàn phá, các loại thú lớn không còn nhiều…” - Già Vừ nói, giọng già buồn như tiếng thở dài vào vách núi.

Cũng với câu hỏi về bí quyết sống lâu của người Mường Lống, khi tôi gặp được Chủ tịch Hội Người cao tuổi Và Nỏ Tu, ông Tu trầm ngâm hồi lâu rồi kể: “Một người lấy trộm cái tẩu hút thuốc, một người lấy trộm một nén bạc. Khi phân xử, người Mông phạt người trộm cái tẩu thuốc nặng hơn.

Lý do là: Nén bạc tuy đắt, nhưng lao động bình thường không làm ra được, cái tẩu thuốc tuy rẻ nhưng ai cũng làm được. Vì thế người ăn trộm cái tẩu còn phạm thêm tội…lười lao động”.

Lắng nghe câu chuyện, tôi bỗng “ngộ” ra triết lý sống khỏe thật đơn giản và sâu sắc của người Mường Lống. Còn nhớ già làng Xồng Gà Vừ từng tâm sự: “Người Mông ta chẳng có bí quyết sống lâu gì đâu, cứ sống tự nhiên như cây pơ mu giữa rừng, như cây đỗ tương trên rẫy thôi”…

Vĩnh biệt những mùa hoa thuốc phiện

Màn đêm như một tấm lưới buông sầm sập từ trên các đỉnh núi xuống thung lũng, nhiệt độ hạ thấp nhanh chóng, gió lạnh lang thang khắp bản làng rì rầm những lời nguyên thủy.

Giữa mùa hè, tôi vẫn phải co ro bên bếp lửa, bây giờ già làng Xồng Gà Vừ đang kể về những mùa hoa thuốc phiện, loại cây ma mị nhưng lại có hoa thơm rực rỡ, một thời tràn ngập trên nương rẫy của người Mường Lống...

Những người Mông đầu tiên đã di cư sang miền Tây xứ Nghệ từ lâu. Tổ tiên của 7 dòng họ ở Mường Lống khi đến đây và chọn đất bằng cách đào thử thấy đất mềm và ẩm ướt, họ cũng cho đất vào mồm thì có vị mặn, theo kinh nghiệm đây là nơi đất tốt.

Những ngôi nhà mái gỗ lòng máng được dựng lên sau “cổng trời”, những bếp lửa bập bùng suốt ngày đêm để xua tan sương mù và đuổi thú dữ, và những hạt giống thuốc phiện bắt đầu được gieo xuống trên những sườn núi hướng về phía mặt trời mọc.

Phó công an xã Xồng Gà Vừ cho biết vụ mùa thuốc phiện hàng năm bắt đầu vào cuối mùa hè hoặc đầu thu, nhiều năm liền đây cũng là thời gian những cán bộ từ dưới xuôi lên và các “cốt cán” ở xã phải “căng” ra khắp các bản làng để vận động bà con chặt phá cây thuốc phiện và không gieo hạt thuốc phiện.

Dự án thay thế cây thuốc phiện cũng trực tiếp đưa vốn về mỗi gia đình để các hộ mua cây, con khác về thay cây thuốc phiện. Mới đầu chỉ có những bản trung tâm và lân cận thực hiện cuộc vận động thay thế cây thuốc phiện, những bản ở xa thì vẫn lén lút gieo trồng…

Già Vừ cho tôi xem bàn tay đầy những vết sẹo ngang dọc của già. Chủ tịch Hội Người cao tuổi Và Nỏ Tu cũng cho tôi xem bàn tay có những vết sẹo. Phó công an xã Xồng Gà Vừ cũng đưa bàn tay với những vết sẹo ra trước ánh lửa.

Nhìn sâu vào ánh mắt và những nếp nhăn trên khuôn mặt già Vừ, tôi hiểu rằng đó không chỉ là những vết sẹo của lao động thường nhật trên nương rẫy, đó còn là vết sẹo của những năm mọi người cầm con dao sắc đi khắp núi rừng Mường Lống để chặt phá cây thuốc phiện.

Già Vừ nói: “Bỏ thuốc phiện còn khó hơn chặt tay mình, nhưng người Mông ta đã làm được, đã cùng với cán bộ đi chặt cây thuốc phiện để lấy đất trồng cây mận tam hoa”.

Nghe già Vừ nói, tôi chợt nhớ ra khi vào thăm nhà của bà con ở các bản, tôi đã nhìn thấy bình rượu của bà con ngâm những trái mận căng tròn. Chẳng phải già Vừ vừa kể trước đây người Mông thường sử dụng hạt quả thuốc phiện ngâm rượu để uống hàng ngày đó sao?

Khi có những người Mông trở thành triệu phú mận tam hoa, triệu phú chăn nuôi bò trên đất Mường Lống, cũng là lúc một số bà con nghe theo lời bọn xấu di cư sang Lào. Họ tin vào lời dụ dỗ được…thoải mái trồng cây thuốc phiện vì bên đó “đất đai còn rộng lắm”.

“Lời rủ rê của bọn xấu cứ như luồng gió độc len lén khắp bản làng” - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Và Nỏ Tu thừa nhận. Vào những đêm sương trắng bao trùm thung lũng, đã có nhiều gia đình lặng lẽ bỏ nhà, bỏ bản dắt díu nhau băng rừng đi tìm “miền đất hứa”.

Có thời điểm, trên 14 hộ với hàng chục khẩu ở Mường Lống bỏ Mường Lống ra đi. “Ta còn nhớ gia đình Lầu Dua Dìa xin đi kiếm ăn, nhưng thực chất là sang Lào để trồng thuốc phiện vì ta biết vợ chồng Dìa và các con đều nghiện hút” - Phó công an xã Xồng Gà Vừ nói.

Bây giờ tôi đang ngồi với Lầu Dua Dìa ở…Mường Lống, chỉ vài tháng sau khi bỏ đi, Dìa đã lại dẫn gia đình trở về. Hỏi vì sao, Dìa trả lời ngắn gọn: “Ta đã bị lừa mà”. Không chỉ có Dìa, nhiều bà con khác khi sang đến đất Lào mới biết những lời hứa của bọn xấu đều không có thật.

Lầu Ba Rê, một trong những người bỏ đi đầu tiên nay đã trở về. Thung lũng sương mù chứng kiến những đoàn người ra đi, và chẳng bao lâu lại ôm vào lòng những đoàn người trở về.

MỚI - NÓNG