Kỳ tích ở một vùng đất chết
Những năm chiến tranh, vùng rừng sinh thái ngập mặn Cần Giờ là nơi trú quân của lực lượng Ðặc công rừng Sác. Hòng tiêu diệt lực lượng Ðặc công của ta, Quân đội Mỹ và chư hầu đã nhiều lần rải bom, rải chất độc hóa học xóa trắng rừng sinh thái ngập mặn này. Theo số liệu tại UBND huyện Cần Giờ, bình quân mỗi hécta rừng ngập mặn nơi đây trong chiến tranh chống Mỹ phải gánh trên 60 lít hóa chất phát quang độc hại khiến gần như mọi sinh vật đều bị tận diệt. Vì thế sau năm 1975, rừng Sác chỉ còn là vùng đất chết khi không còn cây cối, không có nhiều động vật sinh sống.
Năm 1978, sau khi huyện Cần Giờ được chuyển giao từ tỉnh Ðồng Nai cho TPHCM quản lý, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc đó đang còn là Bí thư Thành ủy (TPHCM) đã có một quyết định táo bạo: Trồng lại toàn bộ khu rừng ngập mặn này. Nhiệm vụ được giao cho lực lượng TNXP TPHCM. Ông Nguyễn Văn Hóa - người đã tham gia trồng rừng ngập mặn những ngày đó nhớ lại: “Tôi chỉ biết rằng lãnh đạo thành phố đã giao cho chúng tôi nhiệm vụ làm lại lá phổi xanh cho thành phố. Ban đầu chỉ có 250 lao động thuộc TNXP, nhưng sau đó vì tính cấp bách và quan trọng của công trình, thành phố đã huy động thêm dân cư tại chỗ, có lúc lên đến 8.000 người. Ðể có nguồn giống cây trồng rừng, lãnh đạo thành phố phải xuống Cà Mau, thu mua các loại trái đước, vẹn, bầu, ô rô…
Ban đầu kế hoạch đưa ra là sẽ trồng khoảng 200ha/năm, nhưng sau đó, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm vượt kế hoạch đẩy khối lượng công việc trồng rừng lên đến trên 4.000ha/năm. Chỉ vòng hơn 5 năm, đã có 20.000 ha rừng được trồng mới, hơn 11.000 ha được khoang nuôi tái sinh tự nhiên. Và theo thời gian, những nhánh cây bén rễ, hồi sinh lại vùng đất một thời chết chóc này để biến thành khu rừng sinh thái. Năm 2000, nghĩa là chỉ hơn 20 năm sau chiến dịch trồng rừng ngập mặn, khu rừng Sác đã hoàn toàn hồi phục và được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam, nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ðây quả là một kỳ tích rất đỗi tự hào của người dân TPHCM, bởi trước năm 1975, 2 nhà khoa học Mỹ là Pfeifer và Wasting đã từng nghiên cứu khu rừng này và cho rằng nếu tổ chức trồng lại thì phải đến hơn 100 năm sau, khu rừng ngập mặn Cần Giờ mới có thể khôi phục lại hoàn toàn.
Hồi sinh loài khỉ
Theo những cư dân đã sống lâu ở Cần Giờ thì ngày xưa, vùng rừng ngập mặn Cần Giờ từng có rất nhiều khỉ. Nhưng sự tàn phá của chiến tranh môi trường sống của đàn khỉ bị mất đi, đàn khỉ vắng dần tưởng chừng như sẽ bị diệt vong như ở nhiều nơi khác.Tuy nhiên khi sự sống nơi đây hồi sinh, đàn khỉ đã trở lại. Anh Nguyễn Hữu Trước- Ðội trưởng đội bảo tồn thuộc khu du lịch Cần Giờ cho biết, cách đây hơn 30 năm, khi cánh rừng ngập mặn mới được trồng lại thì đàn khỉ Cần Giờ chỉ có khoảng hơn 20 con. Là những người đầu tiên tham gia xây dựng khu Lâm Viên, anh Trước và đồng nghiệp được chỉ đạo phải giữ cho được đàn khỉ như là điều tiên quyết để khẳng định sự hồi sinh vùng đất này.
Anh Trước kể: “Chúng tôi rải thức ăn, tạo những bóng cây để khỉ tập trung về. Ban đầu khỉ rất cảnh giác không dám đến gần con người vì có lẽ chúng đã quá quen với môi trường hoang dã. Phải kiên trì cả năm, lũ khỉ mới quen dần với sự có mặt của chúng tôi. Lũ khỉ trở nên bạo dạn dần, không còn hoảng sợ khi thấy người, thậm chí chúng còn sán đến bên người đòi ăn hay giành thức ăn ngay từ trên tay người”.
Từ 1 đàn khoảng 20 con, tới nay đàn khỉ ở Lâm Viên đã lên tới 7 đàn với trên 1.500 con và sống tập trung trong khu quản lý Lâm Viên rộng 2.000ha. Môi trường bán tự nhiên cùng sự phát triển phong phú của nhiều loại thực vật, sinh vật rừng, loài khỉ thực sự phát triển bền vững. Sự phát triển của quần thể khỉ ngay vùng ven thành phố đã khiến cho nhiều người chú ý và từ năm 2000, khi khu du lịch Cần Giờ được thành lập thì đảo khỉ đã trở thành điểm đến được nhiều người lựa chọn. Số liệu từ Ủy ban huyện Cần Giờ cho biết vào những ngày cao điểm, đảo khỉ Cần Giờ thu hút hàng ngàn du khách tham quan. Trong đó có cả những trường học tổ chức tua du lịch cho học sinh tìm hiểu về tự nhiên hay những người nước ngoài yêu thích môi trường thiên nhiên.
Vương quốc khỉ ven đô
Một điều khá thú vị là những người làm việc tại đảo khỉ đều chưa qua trường lớp đào tạo nào về chăm sóc thú hoang. Như anh Trước khi đến với đàn khỉ thì anh học về ngành xây dựng. Khi được phân công, anh Trước đã phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu từ sách vở cũng như học hỏi các chuyên viên từ sở thú. Nhưng anh cho biết cái quan trọng để làm tốt công việc chăm sóc đàn khỉ hoang không phải là từ kiến thức mà chính là thái độ, cũng như tình yêu với đàn khỉ. “Lũ khỉ tuy hoang dã nhưng chúng cũng biết thân thiện với con người, biết ghét những ai không thích chúng” - anh Trước giải thích.
Gần 20 năm chăm sóc đàn khỉ, những người như anh Trước phải lòng với chúng. Các anh gọi các đàn khỉ với những cái tên mộc mạc như đàn Chăn nuôi, đàn Khe Ðôi lớn, đàn Saki… Các đàn khỉ tuy sống hoang dã nhưng cũng rất có kỷ luật của bầy đàn. Thông thường một con đầu đàn chỉ được làm thủ lĩnh có 1 năm. Nhưng ở đàn Khe Ðôi lớn có con đã giành vị trí thủ lĩnh tới… 3 nhiệm kỳ nhờ năm nào đánh nhau cũng chiến thắng. Rồi mỗi khi có những con trong đàn khác lân la bò tới lãnh địa của đàn là lập tức cả đàn báo động, những con đầu đàn lao ra đánh nhau còn các con cái thì chạy quanh kêu gào cổ vũ…
Theo anh Lê văn Tân- Quản lý khu du lịch Ðảo khỉ Cần Giờ thì từ tháng 7/2015, khu du lịch Cần Giờ đã được chuyển giao cho Bộ chỉ huy quân sự TPHCM nhằm mở rộng khai thác khu Di tích lịch sử căn cứ địa rừng Sác. Nơi đây không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng đàn khỉ phong phú mà sẽ là nơi giáo dục truyền thống Cách mạng, là nơi mọi người có thể tìm hiểu đời sống cũng như những chiến công vang dội của những người Ðặc công rừng Sác năm xưa. “Ðó là cách phát triển bền vững mà chúng tôi đang hướng đến”, anh Tân cho biết.
Kể chuyện về đàn khỉ, anh Nguyễn Hữu Minh- người trực tiếp chăm sóc đàn khỉ cho biết, lũ khỉ đã quen với việc du khách ghé thăm và chúng thường lân la đi theo để xin thức ăn, thậm chí có lúc còn bạo dạn giật thức ăn trên tay người. Thậm chí nếu du khách hớ hênh có thể bi giật túi xách để tìm đồ ăn. Vì thế nên trong khu đảo khỉ có rất nhiều bảng cảnh báo du khách cần cẩn thận bởi rất dễ bị khỉ… trấn cướp.