Vướng phải tình lan

Anh Nguyễn Văn Cảnh bên loài lan mới phát hiện.
Anh Nguyễn Văn Cảnh bên loài lan mới phát hiện.
TP - Đại ngàn Tây Nguyên bị chặt phá, lan rừng bị tận thu, nhiều loài quý hiếm lẽ ra đã tuyệt chủng nếu không có những người đàn ông yêu hoa, cả đời say mê sưu tầm, nhân giống bảo tồn và phát triển nguồn gien quý.

Tiến sĩ hoa lan

Dành trọn sự say mê cho loài hoa mỏng manh quyến rũ, ngay từ khi mới đặt chân về Viện Nghiên cứu Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, TS Nông Văn Duy (SN 1970, nay là Phó Viện trưởng) đã chọn lan rừng làm đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Hơn 20 năm công tác trong ngành, cũng là ngần ấy thời gian ông rong ruổi, lăn lộn trong các khu rừng nguyên sinh, vườn quốc gia khắp 5 tỉnh Tây Nguyên để tìm lan, lấy mẫu. Đều đặn mỗi tháng dăm ba chuyến ông khoác ba lô vào rừng tìm hoa. Mỗi lần tìm thấy một loài lan khác lạ, lập tức bao nhiêu mệt nhọc, lo toan trong ông tan biến.

TS Duy tâm sự: “Vấn đề kinh phí phục vụ cho nghiên cứu rất quan trọng. Không phải chuyến đi nào, phần việc nào tôi cũng được duyệt hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, bằng nhiều cách khác nhau, tôi vẫn cố gắng thực hiện đến cùng đề tài nghiên cứu - cũng chính là sự nghiệp theo đuổi trọn đời mà chính tôi đã chọn”. 

Quá trình phân loại lan rừng rất phức tạp, từ khâu nhận biết sơ bộ về  hình thái bên ngoài đến khi soi chiếu tỉ mỉ trong phòng thí nghiệm để nhận rõ các đặc tính bên trong. Điều tiên quyết xác định loài lan mới hay không đều phụ thuộc vào hoa của nó, toàn bộ quy trình đều xoay quanh việc phân tích cấu trúc: Đài, cánh, môi, nhụy hoa… rồi căn cứ vào đó, kết hợp với các tài liệu khoa học để tìm họ, giống, tên của cây lan. Nếu trải qua tất cả các bước phân loại theo quy định của thế giới vẫn không tìm ra tên của cây thì tiến hành mô tả, đặt tên, thực hiện thủ tục mời các nhà khoa học đầu ngành thẩm định, loài lan mới được ghi nhận.

Năm 2012, TS Duy cùng các cộng sự khảo sát, thu thập hàng nghìn mẫu lan ở các cánh rừng Tây Nguyên cho đề tài “Điều tra họ Lan tại Tây Nguyên, nghiên cứu các cơ sở khoa học để bảo tồn, phát triển, sử dụng có hiệu quả và bền vững”. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã phát hiện và mô tả mới cho khoa học được 3 chi Bidoupia, Hymenorchis, Octarrhena; 11 loài Bidoupia phongii, Bulbophyllum bidoupense, Calanthe bidoupensis, Dendrobium thinhii, Hymenorchis phitamii, Octarrhena minuscula, Phaius aolocensis, Sarcoglyphis tichii, Schoenorchis hangianae, Taeniophyllum phitamii, Trichoglottis canhii.

Trước đây, mỗi khi phát hiện được những loài lan mới, do chưa tiếp cận nhiều nguồn tài liệu nước ngoài, ông Duy vẫn phải nhờ các chuyên gia đầu ngành giúp đỡ. Hiện nay, việc tiếp cận, trao đổi thông tin, tài liệu khoa học thuận tiện, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã có thể tự xác định được đâu là loài lan mới khám phá.

Vướng phải tình lan ảnh 1

Phân tích hoa tìm tên cho loài lan mới.

Trước nguy cơ một số giống lan đặc hữu rơi vào tình trạng có thể bị tuyệt chủng, nhóm nghiên cứu của ông  đã nhân giống in vitro - kỹ thuật nuôi cấy tế bào thực vật, gieo hạt trong môi trường nhân tạo, để bảo tồn. Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đang bảo tồn hơn 300 loài lan Tây Nguyên. Theo TS Duy, các cánh rừng Tây Nguyên có thể vẫn còn nhiều loại chưa được khám phá nên cần có biện pháp cấp bách bảo vệ. Ông cũng đề xuất việc chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình trồng lan trong dân nhằm giảm bớt áp lực lan rừng đang bị tận diệt.

Đam mê của bố con kiến trúc sư

Cũng bị hút hồn bởi vẻ đẹp cao sang, quyến rũ của những nhánh lan rừng tinh khôi, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Cảnh (SN 1981), ở phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đã thích thú với việc sưu tầm phong lan. Trước đây, rừng rộng mênh mông, lan mọc rất nhiều, cư dân bản địa ai cũng dễ dàng tìm hái. Bây giờ, bước chân tìm lan của anh ngày càng xa. Hầu hết các khu rừng nguyên sinh ở Tây Nguyên đều in dấu chân chàng trai yêu hoa lan như yêu chính cuộc sống của mình.

Năm 2000, anh Cảnh sang Nga theo học ngành kiến trúc cảnh quan tại Học viện Lâm nghiệp Saint - Peterburg. Việc tiếp cận kiến thức chuyên sâu về ngành thực vật học càng gắn chặt đời anh với loài hoa lan. Anh tâm sự: “Nhiều người du học về chỉ mong làm giàu, lên chức. Còn Cảnh chọn nghề thiết kế tự do để kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa có thời gian theo đuổi đam mê vì lỡ vướng phải tình lan”. Với anh, chơi lan không chỉ “ngắm hoa, thưởng vị” bên ngoài mà còn phải phân tích, bóc tách vẻ đẹp bên trong và phát hiện thêm loài mới thi vị, hấp dẫn.

Vướng phải tình lan ảnh 2

Vườn lan rừng trong phố.

Trong khu vườn nhà rộng 1.000m2 của anh Cảnh có tới gần 700 loài lan rừng chen nhau khoe sắc tỏa hương. Mỗi loại đều được anh gắn tên khoa học lẫn tên thường dùng. Anh còn làm sẵn album chụp ảnh tất cả các loại hoa có trong vườn, cung cấp thêm kiến thức về màu sắc, kích thước, mùi hương… cho những ai thích tìm hiểu sâu. Lan trong vườn có cả loài thông dụng và loại quý hiếm như: Chi lan Thạch Hộc (tên khoa học là Flickingeria) mỗi năm chỉ nở 1 lần, mỗi lần nở chỉ trong 1 giờ; hoặc loài lan Drymoda Picta cả nước hiện chỉ còn có nơi này. Đó là thành quả suốt 7 năm qua anh bỏ thời gian, công sức, tiền của xuyên rừng sưu tầm, thu mua hoặc trao đổi với bạn bè cùng hội chơi lan trên cả nước.

Nhiều loại lan rừng chỉ nở duy nhất một lần trong năm, tỏa hương thơm ngào ngạt, không có giống lan nhập ngoại nào sánh được. Để tránh lan rừng bị săn lùng tận diệt, trong các báo cáo khoa học, anh không ghi cụ thể địa điểm phân bố, khi vào rừng chỉ lấy mỗi loại một ít làm mẫu nghiên cứu, sưu tầm. Nhiều loại lan “khó tính” sau khi di thực về vườn bị héo chết, anh Cảnh phải cất công đi lấy mẫu lại.          

Năm 2012, trong một lần đi công tác tại huyện Ea Hleo (Đắk Lắk), anh tình cờ phát hiện một loại lan khác lạ. Tò mò, anh lấy mẫu đem về chăm sóc chờ ngày ra hoa, sau đó nhờ các nhà nghiên cứu đầu ngành ở nước ngoài phân tích, giải mã. Đúng như tiên đoán, 3 năm sau, loại lan mới  tên Lưỡi Tóc Cảnh (tên khoa học là Trichoglottis canhii) gắn với tên anh được công bố lần đầu tiên tìm thấy tại Việt Nam. Nối tiếp thành công, anh kết hợp cùng chuyên gia nghiên cứu lan rừng ở nhiều nước trên thế giới tiếp tục sưu tầm, phát hiện nhiều loài mới, làm phong phú thêm bộ sưu tập lan rừng Việt Nam.

Vướng phải tình lan ảnh 3

Lan rừng nở hoa.

Bạn đồng hành với anh Cảnh trên hành trình sưu tập lan rừng chính là bố anh - ông Nguyễn Văn Cương. Trò chuyện với phóng viên, ông Cương vui vẻ nói: “Mỗi người sống trên đời đều cần có niềm đam mê. Khi biết con theo đuổi thú chơi lan tao nhã, lành mạnh, tôi rất ủng hộ”. Ban đầu hai bố con chỉ sưu tầm để chơi, nhưng khi ngộ ra nhiều loài lan quý đang bị khai thác tận diệt, họ đã tìm mọi cách cứu vớt, nhân giống, bảo tồn và kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức nghiên cứu chuyên sâu, nhằm gìn giữ nguồn gien lan rừng độc đáo trước nguy cơ tuyệt chủng.

Họ lan rừng (Orchidaceae Juss) ở Việt Nam được ghi nhận có hơn 1.000 loài. Riêng ở Tây Nguyên có khoảng 500 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm chỉ có ở khu vực này. Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đang bảo tồn hơn 300 loài lan rừng Tây Nguyên.

Lan trong vườn có cả loài thông dụng và loại quý hiếm như: Chi lan Thạch Hộc (tên khoa học là Flickingeria) mỗi năm chỉ nở 1 lần, mỗi lần nở chỉ trong 1 giờ; hoặc loài lan Drymoda Picta cả nước hiện chỉ còn có nơi này. Đó là thành quả suốt 7 năm qua anh bỏ thời gian, công sức, tiền của xuyên rừng sưu tầm, thu mua hoặc trao đổi với bạn bè cùng hội chơi lan trên cả nước.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.