20 tháng chưa giải quyết xong quyền lợi của người dân
Hành trình xác lập chủ quyền trên mảnh đất hợp pháp của 89 hộ dân khu tập thể Trường Trung học Kỹ thuật & Nghiệp vụ Hà Nội (Trường Trung học KT&NV), thuộc tổ dân phố số 6, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) là minh chứng điển hình cho những gian nan của người dân khi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi là sổ đỏ) đối với những khu dân cư có nguồn gốc đất đai do cơ quan chia từ những năm 1970 - 1980 thế kỷ trước.
Chủ hộ của 89 hộ dân tổ 6 phường Trung Hòa đều nguyên là cán bộ, giáo viên của Trường Trung học KT&NV. Thực hiện chủ trương giải quyết chỗ ở cho cán bộ và giáo viên, từ những năm 1980, nhà trường đã chia đất cho cán bộ làm nhà ở. Theo Luật Đất đai, những hộ dân trên đều đủ tiêu chuẩn được cấp sổ đỏ từ nhiều năm trước.
Những vướng mắc trong việc làm sổ đỏ của khu tập thể chỉ được hé lộ vào cuối năm 2014, khi người dân phản đối mức phí dịch vụ 30 - 40 triệu đồng/quyển do doanh nghiệp tư nhân được nhà trường mời vào đưa ra. Sau khi sự việc được phản ánh, UBND thành phố Hà Nội liên tục ra văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Cầu Giấy, Cty Quản lý và Phát triển (QL&PT) Nhà xem xét, giải quyết quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, gần 20 tháng trôi qua kể từ ngày thành phố ký văn bản chỉ đạo lần đầu (tháng 11/2014), việc cấp sổ đỏ cho 89 hộ dân Trường Trung học KT&NV vẫn chưa được giải quyết, mặc dù đại diện khu tập thể đã tham gia cả chục cuộc họp với các đơn vị liên quan. Cùng thời gian này, số phận 89 hộ dân cũng bị đưa đẩy qua lại liên tục giữa Sở Xây dựng và UBND quận Cầu Giấy. Nguyên nhân chính được cơ quan chức năng “khoanh vùng” dẫn đến chậm cấp sổ đỏ là Trường Trung học KT&NV - đơn vị cấp đất không hợp tác cung cấp hồ sơ và bản vẽ chi tiết các thửa đất, dẫn đến không thể làm thủ tục mua bán để cấp sổ đỏ.
Tại văn bản chỉ đạo mới nhất ban hành tháng 12/2015, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì cùng UBND quận Cầu Giấy, Cty QL&PT Nhà, Trường Trung học KT&NV thực hiện việc bàn giao, tiếp nhận để quản lý, xét cấp sổ đỏ theo quy định. Trường hợp vượt thẩm quyền thì đề xuất giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ cấp sổ đỏ cho các hộ dân, đặc biệt là thái độ bất hợp tác của đơn vị chủ quản không được Sở Xây dựng và UBND quận Cầu Giấy báo cáo thành phố tìm phương án giải quyết, mặc dù đã có văn bản hướng dẫn.
“Nhà trường chậm bàn giao hồ sơ” vẫn được các cơ quan chức năng được giao giải quyết vụ việc đưa ra giải thích cho việc chậm cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, một lãnh đạo của Sở TN&MT Hà Nội lại khẳng định, Sở đã có hướng dẫn chính quyền địa phương cách thức xử lý đối với các trường hợp đơn vị giao đất không hợp tác cung cấp hồ sơ, hoặc không xác nhận hồ sơ cho người dân. Với trường hợp đơn vị chủ quản không hợp tác, UBND quận hoặc cơ quan quản lý nhà đất có quyền lập hồ sơ, đo vẽ hiện trạng sử dụng thực tế để cấp sổ đỏ theo quy định của nhà nước mà không phải thông qua cơ quan chủ quản cấp đất.
Hơn 500 hộ dân bất lực nhìn nhà sắp sập
Cuộc sống của 500 hộ dân, với trên 2.000 nhân khẩu ở khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) là ví dụ rõ nhất cho những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt do các cơ quan quản lý chậm xem xét những kiến nghị chính đáng của người dân. Khu dân cư số 4 nằm trong vùng quy hoạch công viên Tuổi trẻ Thủ đô được lập từ năm 1970.
Do thuộc vùng quy hoạch “treo”, các hộ dân ở đây có đất không được cấp sổ đỏ. Nhiều nhà bị dột nát, nhiều nhà có nguy cơ sập nhưng người dân không được sửa chữa, xây dựng nhà mới cũng vì chưa có sổ đỏ. Trong nhiều đợt khảo sát, lãnh đạo UBND quận Hai Bà Trưng đã chứng kiến những gia đình có 10 - 20 nhân khẩu sống chen chúc trong các ngôi nhà cấp 4 rộng chưa đầy 40m2.
Trước khó khăn của người dân, UBND phường Thanh Nhàn đã kiến nghị các cơ quan chức năng tạo hành lang pháp lý cho người dân được cấp sổ đỏ tạm, hoặc được phép sửa chữa cải tạo nhà đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được giải quyết.
Tháng 7/2015, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, KH&ĐT, TN&MT, UBND quận Hai Bà Trưng tổng rà soát dự án, lấy ý kiến của người dân, làm cơ sở giải quyết nguyện vọng của người dân. Kết quả lấy ý kiến do UBND phường Thanh Nhàn thực hiện cho thấy, trên 90% người dân mong muốn thành phố Hà Nội xem xét đưa khu dân cư ra khỏi vùng quy hoạch.
Tại cuộc họp HĐND thành phố Hà Nội diễn ra tháng 12/2015, ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở Xây dựng đã báo cáo thành phố xem xét chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2 dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô trên diện tích 12ha, thay vì 26ha như kế hoạch ban đầu. Thực hiện theo phương án này, người dân khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn sẽ có điều kiện cải tạo, xây dựng nhà ở. Phương án này giúp giảm được kinh phí đầu tư 2.000 tỷ đồng, không phải lo phương án di dời và tái định cư cho khoảng 800 hộ gia đình… Tuy nhiên, cho đến nay chưa có phương án “giải cứu” nào được đưa ra với khu dân cư số 4 phường Thanh Nhàn, mặc dù các sở, ngành chuyên môn đều đã vào cuộc rà soát nhiều tháng qua.