Vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ có thêm cao tốc, sân bay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn đến năm 2025 và đến 2030, Bộ phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư hoàn thành các tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – ngã ba Trung Sơn và các cảng hàng không Nà Sản, Lai Châu.

Ngày 27/8, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có chương trình hành động số 16-CTr/BCSĐ ngày 2/8/2022.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ có thêm cao tốc, sân bay ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tham dự và có bài tham luận tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Ảnh: Hân Nguyễn.

Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ tạo động lực tăng trưởng cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, về quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành quốc gia, trong đó hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng được quy hoạch theo 5 hành lang vận tải chính, tổ chức hợp lý trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên, kết nối vùng và thủ đô Hà Nội, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Lạch Huyện dựa trên lợi thế từng phân khúc vận tải.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ, ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, cảng hàng không, đường thủy gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững vùng, trong đó:

Giai đoạn đến năm 2025: Bộ GTVT chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn, tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu – ngã ba Trung Sơn; đầu tư nâng cấp một số đoạn ưu tiên trên các đường vành đai và một số tuyến quốc lộ khác có nhu cầu vận tải; cải tạo, nâng cấp một số ga hàng hoá để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đầu tư kết nối ray tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai; đầu tư nâng cấp tĩnh không cầu Đuống để thuận lợi cho hoạt động vận tải thủy trên tuyến đường thủy nội địa Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Phối hợp, hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai đầu tư các dự án; nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng; hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực nông thôn.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ có thêm cao tốc, sân bay ảnh 2

Sân bay Sa Pa cùng các sân bay khác như Nà Sản, Lai Châu sẽ thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Ảnh: Hân Nguyễn.

Giai đoạn đến năm 2030: Bộ GTVT chủ trì thực hiện đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc: Cổ Tiết – Chợ Bến, tuyến nối Hà Giang với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; nghiên cứu triển khai đầu tư các tuyến đường sắt: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng; nâng cấp tuyến vận tải thủy Việt Trì - Yên Bái - Lào Cai; nghiên cứu bổ sung cảng cạn trên một số hành lang vận tải để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và nâng cao hiệu quả khai thác của dịch vụ logistics.

Phối hợp, hỗ trợ địa phương hoàn thành đầu tư các dự án; mở rộng theo quy hoạch một số tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư có nhu cầu vận tải cao (Yên Bái – Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình,...); các cảng hàng không: Nà Sản, Lai Châu; tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện trong vùng; Phát triển cảng cạn theo quy hoạch để tổ chức hiệu quả mạng lưới vận tải và các dịch vụ phân phối hàng hóa của vùng, tối ưu chi phí.

Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ gồm 14 tỉnh, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Hệ thống giao thông vùng có 4 phương thức vận tải, trong đó: đường bộ quốc gia có 11 tuyến cao tốc, quốc lộ chính chiều dài khoảng 7.980 km, là phương thức vận tải chủ yếu, quan trọng nhất, đường sắt tập trung 3/7 tuyến chính quốc gia, tổng chiều dài khoảng 669km, kết nối với cảng biển Hải Phòng và với 2 cửa khẩu quốc tế (Lào Cai, Đồng Đăng), chất lượng hạ tầng thấp; đường thủy nội địa, đang khai thác 5/17 tuyến chính của miền Bắc, trong đó có tuyến container đường thủy Việt Trì – Hải Phòng; hàng không trong vùng có lợi thế kết nối nhanh, thuận lợi, tuy nhiên cảng hàng không Điện Biên đang khai thác hạn chế, cảng hàng không Nà Sản xuống cấp nên đã tạm dừng khai thác; mạng lưới đường tỉnh có quy mô và chất lượng thấp.

MỚI - NÓNG