'Vùng phát thải thấp' sẽ giúp giảm ùn tắc và cải thiện môi trường Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày mai (12/12), HĐND thành phố Hà Nội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết “Vùng phát thải thấp”, PV Tiền Phong trao đổi với đại diện Sở TN&MT Hà Nội về nghị quyết giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường quan trọng này.

Ông Nguyễn Trọng Nhất, Trưởng Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT Hà Nội (cơ quan xây dựng dự thảo) cho biết:

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ đô thị hoá cao, số lượng phương tiện cá nhân (xe gắn máy, xe ô tô) tăng nhanh, kéo theo các vấn đề ô nhiễm môi trường không khí từ các phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng.

Các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội gồm các nguồn thải tại chỗ, các nguồn thải từ bên ngoài thành phố (lan truyền) và chất lượng không khí còn chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện khí tượng (gây ra các mùa/thời điểm có ô nhiễm nghiêm trọng).

Về nguồn gây ô nhiễm không khí tại chỗ: chủ yếu là các nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông đường bộ (phương tiện phát thải chính trong giao thông là xe máy, tiếp đến là xe tải và xe taxi) và nguồn bụi đường, nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ.

'Vùng phát thải thấp' sẽ giúp giảm ùn tắc và cải thiện môi trường Hà Nội ảnh 1

Đường phố Hà Nội ùn tắc có nguyên nhân từ xe cá nhân là ô tô và xe máy nhiều.

Căn cứ để xây dựng Nghị quyết này từ đâu, thưa ông?

Trước thực trạng ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng, từ các kinh nghiệm quốc tế về xây dựng vùng phát thải thấp, thực hiện điều 28 Luật Thủ đô 2024, Sở TN&MT được UBND thành phố giao chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan để soạn thảo, tham mưu, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục và các biện pháp để phân vùng, xây dựng khu vực có mức phát thải thấp (vùng LEZ).

Thời gian qua, Sở TM&MT đã phối hợp và xin ý kiến các cơ quan có trách nhiệm như Bộ TN&MT, Sở GTVT Hà Nội, để xây dựng dự thảo nghị quyết để trình HĐND thành phố, cùng với đó ban soạn thảo cũng đưa ra kế hoạch xây dựng các bước thực hiện để sau khi được HĐND thành phố thông qua là bắt tay xây dựng đề án vùng phát thải cụ thể.

Để xây dựng đề án thực hiện, dự thảo Nghị quyết đề ra kế hoạch, từ nay đến năm 2025 UBND thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện một trong 4 nội dung quan trọng nhất, trong đó có quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng; quy định chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch…

Mục đích mà kế hoạch “vùng phát thải thấp” để giảm ô nhiễm môi trường hướng đến là gì, thưa ông?

Mục đích kế hoạch hướng đến là tạo ra môi trường sống sạch đẹp, không khí trong lành, từ đó thu hút du khách và các nhà đầu tư, đồng thời nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương; hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ngành kinh tế xanh, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường.

Cùng với đó, tăng cường các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng (net Zero) và các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, đặc biệt là mục tiêu về môi trường và sức khoẻ.

Với mục tiêu cụ thể: Giảm phát thải chất gây ô nhiễm không khí: giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí như nitơ dioxit (NO2), bụi mịn (PM); Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: giảm các vấn đề về hô hấp và tim mạch gây ra do ô nhiễm không khí, giảm phơi nhiễm cá nhân và cộng đồng với các chất ô nhiễm không khí từ khí thải giao thông; Cải thiện tình trạng giao thông tại khu vực/thời gian cụ thể: hạn chế các phương tiện gây ô nhiễm môi trường không khí có thể góp phần vào hạn chế số lượng phương tiện lưu thông, giảm ùn tắc.

Đề án cũng có mục tiêu ưu tiên các giải pháp giao thông bền vững và khuyến khích các phương tiện giao thông sạch hơn: tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện không động cơ và khuyến khích sử dụng các phương tiện phát thải thấp và/hoặc xe điện.

'Vùng phát thải thấp' sẽ giúp giảm ùn tắc và cải thiện môi trường Hà Nội ảnh 2

Khu vực Hồ Hoàn Kiếm là một trong các địa điểm được đề xuất lựa chọn thực hiện "Vùng phát thải thấp" bảo vệ môi trường.

Như vậy, triển khai vùng LEZ là áp dụng các biện pháp cụ thể cho tất cả các đối tượng phương tiện giao thông đường bộ dựa trên tiêu chuẩn/quy chuẩn khí thải tại địa phương với lộ trình phù hợp để đảm bảo tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của chính sách này.

Thực tế và kinh nghiệm quốc tế thực hiện “vùng phát thấp” ra sao thưa ông?

Trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, LEZ bắt đầu ở Thụy Điển vào năm 1996 nhằm hạn chế các xe tải hạng nặng chạy đầu diesel và sau đó mở rộng sang các nhóm phương tiện khác cùng với một số các biện pháp để hạn chế phương tiện ô tô cá nhân. Đây có thể được coi là chương trình LEZ đầu tiên trên thế giới. Theo sau Thụy Điển, các khu vực phát thải thấp đã được triển khai tại một số thành phố ở Đức, Hà Lan, bắc Italia, cũng như London trong năm 2007-2008. Kể từ đó, số lượng LEZ không ngừng tăng lên và hiện tồn tại ở nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu.

Đến nay, LEZ đã được triển khai tại 320 thành phố của châu Âu và dự kiến sẽ tăng lên 507 vào năm 2025. 10 thành phố du lịch nổi tiếng nhất của châu Âu hiện đã giới hạn các hầm chứa xăng và dầu diesel, cùng với các quy định nghiêm ngặt dự kiến sẽ được áp dụng trong các khu vực phát thải thấp bao gồm London, Paris, Brussels và Berlin trong vòng 3 năm tới.

Một biện pháp tham vọng hơn LEZ là khu vực phát thải siêu thấp (Ultra Low Emission Zone - ULEZ). Hiện tại có tới 35 khu vực không phát thải được lên kế hoạch ở Châu Âu vào năm 2030. Các khu vực không có ô nhiễm cũng được lên kế hoạch cho cùng năm tại các khu vực của Paris, Copenhagen, Amsterdam, Barcelona, Berlin, Heidelberg, Milan, Oslo, Rome, Rotterdam, Warsaw, Birmingham, Liverpool và Greater Manchester.

Triển khai LEZ cùng chính sách giảm ùn tắc đã mang lại các lợi ích to lớn về nâng cao chất lượng môi trường không khí cho các thành phố triển khai.

Với châu Á, hiện thủ đô các nước và các thành phố cũng đã và đang triển khai LEZ như Bắc Kinh, Tây Ninh, Ngạc Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Jakarta (Indonesia).

Tại Trung Quốc, thành phố Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc) áp dụng tiêu chuẩn khí thải của Trung Quốc mức III trở lên trong khu vực LEZ vào mùa đông, thành phố Ngạc Châu (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đưa ra lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn khí thải, cụ thể là áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức II vào tháng 10/2020 và áp tiêu chuẩn mức III vào tháng 10/2021.

Tại Hàn Quốc, Thủ đô Seoul áp dụng cơ chế Phạt vi phạm đối với các phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải đi vào LEZ. Kết quả cho thấy nồng độ NO2 đã giảm khoảng 20%, nồng độ PM10 giảm khoảng 15%; về lợi ích kinh tế thành phố đã tiết kiệm được khoảng 320 triệu đô-la Mỹ về chi phí y tế mỗi năm, đồng thời khuyến khích chuyển đổi sang các phương tiện sạch hơn và kích thích lĩnh vực công nghệ xanh.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.