Vùng biển ô nhiễm nhất xứ Thanh

Vùng biển ô nhiễm nhất xứ Thanh
TPO - Đi dọc tuyến đường đê ven biển của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), ngập tràn rác thải rắn và chất thải sinh hoạt trong các khu dân cư đổ ra phía mái đê vùng biển, bất chấp có biển cắm cảnh báo cấm đổ rác.

Tỉnh Thanh Hóa có 5 huyện, 1 TP ven biển, trong đó huyện Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, TP Sầm Sơn đã và đang tập trung phát triển ngành du lịch biển, nên công tác bảo vệ môi trường ven biển được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, người dân đặc biệt quan tâm. Còn lại huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương có nhiều ngư dân sống bằng nghề khai thác hải sản trên biển, nuôi trồng thủy sản vùng bãi ngang và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Tại các địa phương này, 6 xã vùng biển của huyện Hậu Lộc là nơi có môi trường ven biển ô nhiễm nhất xứ Thanh.

Đi dọc gần 4km đường đê ven biển từ xã Hải Lộc qua Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc đến Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), ngập tràn rác thải rắn (gồm túi nilon, chai nhựa, bao bì...) và chất thải sinh hoạt trên bờ kè phía vùng biển. Nhiều khu vực có dân cư đông đúc như chợ Diêm Phố (xã Minh Lộc), vùng giáp ranh giữa xã Minh Lộc và Ngư Lộc, rác thải các loại chất thành đống. Nước biển khu vực này chuyển sang màu đen, bốc mùi hôi thối khó chịu.

Ghi nhận tại chợ Diêm Phố - chợ lớn nhất 6 xã ven biển Hậu Lộc, cho thấy, chợ họp đông đúc vào buổi chiều, khi tàu thuyền đánh bắt hải sản đi trong ngày cập bến cá Ngư Lộc. Sau mỗi phiên chợ, một phần rác thải các loại được đội vệ sinh môi trường của xã thu gom đem đi xử lý tại nhà máy xử lý rác tập trung, rác còn lại là người dân ném xuống mái đê ven biển.

Khi nước thủy triều lên, xuống kéo rác thải ra biển, đến khi sóng vỗ vào lại đưa rác thải vào bờ chất thành đống bốc mùi xú uế, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. Hàng chục năm nay, người dân sống quanh khu vực chợ Diêm Phố chịu cảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, vì hàng tấn rác thải mỗi ngày của chính người dân địa phương xả xuống ven biển chỉ cách khu dân cư vài trăm mét.

Tại khu dân cư đông đúc thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc (xã có môi trường biển ô nhiễm nhất huyện Hậu Lộc), rác thải từ túi nilon, đồ nhựa, thùng xốp hỏng, chất thải sinh hoạt đổ tràn lan ngay mép nước biển. Mùi tanh, mặn mòi của biển xen lẫn mùi xú uế nồng nặc dưới cái nắng đầu hè bốc lên từ những đống rác thải ven biển.

Một ngư dân cho biết: “Hàng tháng, mỗi nhân khẩu ở xã Ngư Lộc phải đóng 10.000 đồng để chi cho đội thu gom rác thải của xã, vận chuyển đi nơi khác xử lý. Tuy nhiên, đội thu gom rác thải không vận chuyển hết được lượng rác lớn trong khu dân cư, nên bà con ngư dân đành xả ra biển. Bên cạnh đó, trong tổng số gần 400 tàu thuyền đánh bắt hải sản của Ngư Lộc có phần lớn tàu đánh bắt hải sản gần bờ, đi về trong ngày, sử dụng số lượng lớn túi nilon, đồ nhựa, thùng xốp đựng hải sản, khi vào bờ bán hải sản xong liền vứt các loại rác thải này ra biển”.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - thừa nhận địa phương là nơi có môi trường biển ô nhiễm nhất tỉnh Thanh Hóa vì rác thải và chất thải sinh hoạt, sản xuất kinh doanh. Theo ông Ngữ cho biết, xã Ngư Lộc hiện nay có hơn 18.000 nhân khẩu (hơn 3.300 hộ dân), trong đó toàn xã chỉ có 37ha đất ở, nên mật độ dân số trên diện tích đất ở rất chật hẹp, đông đúc. Xã có trên 80% người dân sống bằng nghề đi biển khai thác hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Hiện nay, ước tính mỗi ngày tại xã Ngư Lộc thải ra khoảng 12 tấn rác các loại, trong đó chủ yếu là rác thải rắn như túi nilon, đồ nhựa, xốp, kim loại khó phân hủy. Phần lớn số rác thải này được đội môi trường của xã đến tận gia đình (mỗi nhân khẩu phải đóng 10.000 đồng/tháng tiền thu gom rác - P.V) thu gom chuyển đi nơi khác để xử lý. Còn lại số người dân sống ven đê biển và ngư dân đi biển khi vào bờ vẫn có thói quen xả rác thải ra biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Được biết, hiện nay tại huyện Hậu Lộc chưa có khu tập kết rác và nhà máy xử lý rác thải tập trung. Do vậy, toàn bộ rác thải ở các xã của huyện sau khi thu gom đều phải vận chuyển đi nơi khác cách hàng chục cây số để xử lý, nên chi phí xử lý rác cao hơn các huyện khác, gây khó khăn cho người dân, nhất là bà con ngư dân các xã ven biển. Đây cũng là nguyên nhân khiến ngư dân Hậu Lộc vẫn xả rác thải ra biển.

Để từng bước hạn chế tình trạng người dân xả rác thải ra biển, người dân, chính quyền các xã ven vùng biển Hậu Lộc đề nghị UBND huyện, tỉnh sớm xây dựng khu tập kết, xử lý rác thải tập trung ở huyện, nhằm giảm chi phí thu gom rác cho người dân. Chính quyền địa phương đã và đang tuyên truyền ngư dân làm thùng chứa rác thải các loại trên tàu, để đưa vào bờ chuyển đến điểm tập kết đem đi xử lý; hướng dẫn người dân trong khu dân cư phân loại rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ thành hai thùng riêng biệt để thuận tiện cho việc xử lý rác. Từ đó để người dân không xả rác ra biển, nhằm bảo vệ môi trường biển cũng là môi trường sống hàng ngày của ngư dân.

Một số hình ảnh ô nhiễm môi trường biển tại xã Ngư Lộc và Minh Lộc, huyện Hậu Lộc:

Vùng biển ô nhiễm nhất xứ Thanh ảnh 1
Vùng biển ô nhiễm nhất xứ Thanh ảnh 2
Vùng biển ô nhiễm nhất xứ Thanh ảnh 3
Vùng biển ô nhiễm nhất xứ Thanh ảnh 4
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.