Vùng biển Libăng vẫn bị Israel cấm vận

Vùng biển Libăng vẫn bị Israel cấm vận
TPO - Đúng như tuyên bố, kể từ chiều qua Israel bắt đầu dỡ phong tỏa đối với Li băng nhưng chỉ về đường không, còn hải quân nước này vẫn tiếp tục kiểm soát vùng bờ biển và các hải cảng của Libăng.
Vùng biển Libăng vẫn bị Israel cấm vận ảnh 1

Các tàu tuần tra của Israel (AP)

Phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Ehud Olmert cho biết: “Lệnh phong tỏa về vùng biển sẽ được tiếp tục cho đến khi một lực lượng hải quân quốc tế đủ năng lực được triển khai”. Bà cho biết, lệnh cấm vận đường biển sau đó sẽ “dần được dỡ bỏ” trong vài giờ hoặc một ngày.

Theo kế hoạch, Đức sẽ chỉ huy lực lượng hải quân đa quốc gia giám sát vùng biển Li băng. Lực lượng này gồm thủy thủ và tàu chiến của các nước Pháp, Italy, Hy Lạp và Anh. Kiểm soát đường không và đường biển là thách thức đầu tiên của lực lượng Liên Hợp Quốc tại Libăng với nhiệm vụ đảm bảo ngừng bắn và ngăn Hezbollah tái vũ trang.

Trong khi đó, chỉ ít phút sau khi lệnh cấm vận đường không được dỡ bỏ lúc 15h chiều qua, một chuyến bay của hãng Middle East Airways từ Paris tới đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Rafik Hariri ở Beirut. Các hãng hàng không quốc tế khác cũng hối hả nối lại đường bay thẳng tới Libăng.

Đi đầu là các hãng Air France, Egyp Air và Gulf Air, trong đó chuyến bay thẳng từ Paris tới của Air France chở theo Bộ trưởng Vận tải Pháp tới thăm Libăng. Hãng hàng không Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất Etihad Airways cũng khai thác trở lại đường bay giữa Abu Dhabi với Beirut từ hôm nay.

Bên cạnh đó, hãng hàng không Đức Lufthansa cũng cho biết, họ đang theo dõi tình hình và sẽ ra quyết định về việc nối lại đường bay tới Beirut trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, hãng Qatar Airways đã “xé rào” thực hiện chuyến bay thẳng từ Doha tới Beirut mà không dừng ở Amman trong khi lệnh phong tỏa của Israel vẫn còn hiệu lực.

Quân đội Do Thái bắt đầu phong tỏa Libăng ngay sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng quân sự hôm 12/7, nhằm ngăn chặn việc Hezbollah được hỗ trợ vũ khí từ bên ngoài. Ước tính, mỗi ngày Libăng thiệt hại từ 30 đến 50 triệu USD do lệnh cấm vận vùng trời và vùng biển của Israel gây ra.

MỚI - NÓNG