Vùng áp thấp hình thành trên Biển Đông sắp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vùng áp thấp hình thành trên Biển Đông đang mạnh dần lên, di chuyển chậm theo hướng tây bắc về phía quần đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Vào 7 giờ sáng nay (8/8), vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7 giờ sáng mai (9/8), tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên toàn bộ tàu thuyền trong khu vực từ vĩ tuyến 15,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 112,5 độ Kinh Đông có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông ở cấp 3.

Vùng áp thấp hình thành trên Biển Đông sắp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới ảnh 1

Vùng áp thấp trên Biển Đông di chuyển chậm, sắp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động.

Vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-4m, biển động.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tháng 8 năm nay, Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Con số này xấp xỉ trung bình nhiều năm. Trong tháng 8, vùng có tần suất bão/áp thấp nhiệt đới tác động nhiều nhất là Bắc Biển Đông, ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.

Mùa bão năm nay được nhận định phức tạp, khó lường do tác động của trạng thái La Nina duy trì đến hết năm 2022. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 1 năm 2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng từ 4-6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

MỚI - NÓNG