Bản nhạc “Gắng bước lên chùa” (nhạc Đặng Thế Phong, lời Phạm Cao Củng) in trên báo Tin Mới ra ngày 27/2/1940 |
Trong đó, Con thuyền không bến lúc đầu có tên Vạn cổ sầu. Thông qua Lê Thương, Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Cao Luyện, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Văn Thương, v.v…, tôi được biết: Đặng Thế Phong còn là tác giả một số nhạc phẩm khác.
Đồng thời, ông còn có mối quan hệ về mặt sáng tác với nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Phạm Cao Củng.
Bộ sưu tập các bài hát Việt Nam từ khoảng 1937 tới 1975 của tôi không có nhạc phẩm nào mà Đặng Thế Phong và Phạm Cao Củng là đồng tác giả.
Cho tới một hôm…
Cuối năm 1993, tôi lên Đà Lạt dự kỉ niệm Đà Lạt một trăm tuổi. Một buổi chiều, đang đắm mình trong cảnh vật trầm lắng của một ngôi chùa lớn, giữa tiết trời mưa rét, tôi nghe tiếng hát của một người khoảng trên năm mươi tuổi đứng gần cổng chùa. Người đó hát nhè nhẹ, cách hát tỏ rõ ông hiểu âm nhạc.
Tôi làm quen với ông. Tôi bảo ông có giọng hát khá hay. Ông cười và hát lại cả bài. Tôi ngạc nhiên vì bài hát nói về chuyện lên chùa qua những âm điệu gần gũi với đặc trưng nơi cửa Phật.
Tôi nói: Lần đầu tiên, tôi được biết bài này. Nó làm cho tôi nhớ tới ca khúc Kinh khổ (Lời và nhạc: Trầm Tử Thiêng) mặc dầu hai ca khúc có nhiều nét khác nhau.
Ông khen tôi biết thẩm âm. Rồi ông cho biết: Bài hát vừa rồi có tên Gắng bước lên chùa - Nhạc: Đặng Thế Phong. Lời: Phạm Cao Củng.
Tôi hỏi: Có phải Đặng Thế Phong tác giả Con thuyền không bến và Phạm Cao Củng tác giả nhiều truyện trinh thám hay không?
Ông nói: Đúng, đúng! Rồi ông hẹn tôi: Hôm sau, khoảng 15 giờ, cũng tại chùa này, đến gặp ông để tiếp tục câu chuyện liên quan đến bài hát nói trên.
Đúng hẹn, tôi đến. Trời vẫn rét nhưng khô ráo.
Người đàn ông mang theo một cây đàn ghita. Ông hát và tự đệm đàn bài hôm trước. Giọng trầm ấm và thiết tha. Sau đó, ông cho tôi xem một bức ảnh chụp ca khúc Gắng bước lên chùa do chính tay Đặng Thế Phong viết nắn nót cả nhạc lẫn lời.
Dưới đầu đề Gắng bước lên chùa, Đặng Thế Phong ghi rõ: Nhạc: Đặng Thế Phong. Lời: Phạm Cao Củng. Cuối ca khúc, có dòng chữ: Tặng Hoàng Quý – Hà Nội, 1 Mai 1940 (tức mồng 1 tháng 5 - 1940).
Ông cho biết thêm: Bức ảnh này do cụ Phúc Lai, một chủ hiệu ảnh rất nổi tiếng ở Hà Nội và Hải Phòng lúc bấy giờ, chụp tại Hà Nội cho bố ông khoảng cuối năm 1940.
Ảnh chụp từ bản có dòng chữ đề tặng nói trên cho nhạc sĩ Hoàng Quý (tác giả Cô láng giềng, Cảm tử quân) - anh ruột của Hoàng Phú tức GS nhạc sĩ Tô Vũ.
Nhạc sĩ Hoàng Quý quen bố ông và đã cho bố ông mượn bài hát có lời đề tặng ấy để bố ông nhờ cụ Phúc Lai chụp làm kỉ niệm. Bố ông qua đời tại Đà Lạt năm 1991. Nhưng khoảng năm 1970, tại Sài Gòn, bố ông đã góp phần vào việc xuất bản tuyển tập nhạc Hoàng Quý.
Tôi hỏi tên ông và tên cụ nhưng ông trả lời: Vì lí do riêng, không thể cho biết. Tuy nhiên, ông nhiệt tình nói rõ: Ca khúc này, theo bố ông, đã in trên nhật báo Tin Mới khoảng đầu năm 1940.
Hồi giải phóng Sài Gòn, cùng cả gia đình dời Sài Gòn lên Đà Lạt, bố ông bỏ lại hết, kể cả trọn bộ tạp chí Nam Phong và trọn bộ báo Phụ Nữ Tân Văn.
Mùa đông. Chưa đến xế chiều trời đã trở nên mờ xám. Gió lạnh. Tôi phải đi xe ôm về nhà trọ ở xa ngôi chùa chúng tôi đang trò chuyện khoảng 5 cây số. Vì thế, không thể đi phô-tô-cóp-pi bức ảnh chụp bài hát nói trên được. Thật đáng tiếc!
Từ đó đến nay, tôi không được gặp lại người bạn quý ấy nữa.
Gần hai tuần sau, trở về TPHCM, tôi gặp ngay người chủ một tiệm sách báo cũ mà từ mười mấy năm nay tôi là khách quen, hỏi anh có báo Tin Mới hay không. Anh bảo: Khó lắm! Để em tìm!
Tôi ghi số điện thoại bàn cho anh chủ tiệm.
Mãi đến… mười năm sau
Một chiều cuối thu 2003, anh chủ tiệm sách cũ điện thoại cho tôi, bảo đến tiệm anh ngay. Tôi vừa tới, anh lập tức đưa ra hai tập Tin Mới đóng gáy da từ tháng Giêng đến hết tháng Chạp 1940, trong đó khoảng bốn chục số bị mất.
Rất mừng: Có một số in bài hát Gắng bước lên chùa. Đó là số Jeudi 4 Avril 1940 (tức thứ Năm, mồng 4 tháng 4 năm 1940).
Tôi nghẹn ngào tưởng như Đặng Thế Phong đang đứng trước mặt, và, những trang truyện trinh thám Phạm Cao Củng hồi nhỏ tôi đọc ở Thủ đô Hà Nội bỗng hiện ra trước mắt, chập chờn!!!
Tôi đề nghị anh chủ tiệm đi cùng tôi đến một cửa hàng ở đường Hai Bà Trưng để photocopy và xin anh nhận một số tiền nào đó tương đối lớn của tôi.
Anh bảo: Mười năm lặn lội đi tìm một bản nhạc của một nhạc sĩ lỗi lạc. Mười mấy năm anh mua sách báo cũ của em và nhiều tiệm khác... Em chẳng những không lấy một đồng của anh mà còn biếu anh tiền photocopy bài hát đó.
22 giờ, trời se lạnh.
Tôi ôm một tập Tin Mới ngồi sau xe máy do anh chủ tiệm sách báo cũ điều khiển phóng đến một cửa hàng photocopy trên đường Hai Bà Trưng (Tân Định, quận 1).
Xong việc, anh đèo tôi về tiệm của anh để tôi lấy xe đạp.
Tôi nâng niu hồi lâu ca khúc Gắng bước lên chùa trước khi bắt tay cảm ơn anh bạn, ra về.
Gần 23 giờ. Đường vắng. Trong gió se lạnh phả vào mặt, tôi đạp xe từ từ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khi qua cửa chùa Vĩnh Nghiêm, tôi chợt nghĩ: Thế là… mình đã Gắng bước lên chùa…
Đã hơi khuya. Gió heo may có vẻ mạnh hơn.
Đêm nay thu sang cùng heo may… Bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong…