'Vua rừng' vùng sơn cước

'Vua rừng' vùng sơn cước
TP - “Nếu thiếu lãng mạn chắc sẽ không bao giờ tôi xây dựng được một trang trại như ngày hôm nay”, anh Hồ Thanh Xuân, thương binh hạng 2/4,chỉ còn một chân, mở đầu câu chuyện về đời mình như vậy tại một hội nghị thương binh làm kinh tế giỏi.

Tôi đến trang trại của anh vào một ngày cuối tháng Sáu. Trời nắng nóng và gió Lào thổi ràn rạt như đang đổ thêm lửa xuống đầu người dân ở vùng  quê khắc nghiệt Quảng Trị.

Từ xã Hải Thượng, quê anh lên đến khu trang trại xa hơn 15 km. Khi vừa đến nơi gặp anh đang bán sản phẩm gỗ rừng do mình trồng được. Mấy chiếc ô tô chất đầy gỗ tươi  lăn bánh từ khu rừng của anh chạy thẳng về nhà máy chế biến gỗ Quảng Trị.

Anh Xuân đứng đếm những đồng tiền mới toanh, vui như Tết, vừa chỉ vào cái chân của mình, kể: “Năm 1975, khi đang là bộ đội, trong một lần đi rà phá bom mìn, tôi  bị “dính” một quả đạn làm cụt mất chân trái, bây giờ hưởng chế độ thương binh. Những ngày trời rét, mảnh đạn còn lại trong người chuyển động làm tôi  rất khổ sở”.

Bị thương, mất sức khỏe, anh Xuân về quê xin vào đội lâm nghiệp. Một thời gian sau anh được “ đôn” lên làm đội trưởng vì “lợi thế ” có tuổi. Đội của anh chịu trách nhiệm sản xuất cây giống.

Nhưng rồi cơ chế mới ra đời, đội lâm nghiệp bị xóa sổ, các đội viên không có việc làm, nhiều vườn cây giống rơi vào cảnh tiêu điều.Thấy vậy, anh Xuân liều mượn tiền mua lại  toàn bộ số vườn này để tiếp tục tổ chức sản xuất . Thấy anh làm khác thiên hạ, lúc đó nhiều người bàn tán vào ra về cái ông Xuân ngồ ngộ này.

Nhiều lần anh suy nghĩ  phải làm gì với hàng ngàn cây giống mình đang có trong tay. Chẳng nhẽ để cây lớn lên rồi đốn làm củi. Anh nghĩ đến chuyện lập trang trại, trồng rừng.

Vì trồng rừng không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động mà còn góp phần bảo vệ môi trường sống. Nhưng đất đâu mà trồng rừng, thời buổi ấy khó mà thuyết phục được các “ quan”  cấp đất làm trang trại. Đứng nhìn những cánh rừng bị chất độc da cam trong chiến tranh đốt cháy trơ trụi chưa biết khi nào lên xanh trở lại, lòng anh như có lửa.

Anh tìm đến UBND huyện Hải Lăng xin được cấp đất đồi trọc để trồng rừng. Thấy anh làm dự án trồng rừng, nhiều người có trách nhiệm nghĩ là anh hoang tưởng. Người lành mạnh chẳng làm được, huống gì đây là dự án của người chỉ còn... một chân.

Nghe người ta thì thầm vậy, anh buồn đến chẳng ăn được cơm. Anh trăn trở rồi quyết định phá lệ.Trồng rừng trước, xin cấp  đất sau.  Nếu mai này nhà nước có thu hồi lại rừng mình cũng chấp nhận.

Người “chạy trước cơ chế”

Một vùng đồi phía tây- nam huyện Hải Lăng hoang hóa, chỉ toàn lau lách bỗng dưng tràn ngập tiếng người, tiếng máy húc ủi đất rộn ràng như một công trường.Thấy lạ, nhiều người dân tò mò đến xem, họ giật mình khi biết được ông thương binh nhắc nhỏm một chân, đang chỉ đạo anh em  đào hố trồng rừng.

Những lúc vào mùa cao điểm, anh Xuân thuê đến hàng trăm người làm công cho mình. Rừng của anh trồng nhiều loại cây, trầm, sến, keo lá vàng, keo tai trượng… Cây mới trồng, rừng chưa thu hoạch được nên không có tiền trả lương hàng tháng cho lao động, anh phải đem ngôi nhà ở làng quê ra cầm cố để lấy tiền.

Nhiều khi đến đêm 30 Tết anh còn chạy vay tiền để trả nợ cho người ta. Quá khổ, có lúc nhụt trí, khó khăn tưởng chừng anh không vượt qua được. Nhưng rồi  với suy nghĩ người còn sống thì cây rừng còn lên xanh, anh quyết tâm đeo đuổi cho đến cùng kế hoạch của mình. Sau năm năm lăn lộn với núi rừng, anh Xuân đã trồng được 100 ha rừng đầu tiên cho mình.

Khi anh Xuân đã trồng hoàn chỉnh 100 ha rừng thì  Nhà nước mới có cơ chế giao đất, giao rừng về tận hộ gia đình, cho nông dân nhận khoán trồng rừng. Tin vui lại đến với người  mê trồng rừng, anh nhắc nhỏm một chân đến Ủy ban huyện xin cấp quyền sử dụng đất cho 100 ha rừng được anh trồng… liều trước đó. Dân địa phương trìu mến gọi anh là “ông chạy trước cơ chế”.

Đến lúc ấy thì không còn ai nghi ngờ khả năng của anh nữa. Có cơ hội tốt, anh xin cấp thêm 100 ha đất trống đồi trọc để thực hiện nốt kế hoạch xây dựng trang trại hạnh phúc của mình. Đó là một mô hình trang trại mà chồng trồng rừng, vợ trồng rừng, tất cả con cái đều tham gia trồng rừng với một niềm đam mê.

Anh Xuân khoe rằng hôm nay anh đã được cấp quyền sử dụng đất đai với diện tích 300 ha. Tôi nhẩm tính, với giá mỗi ha rừng bán 50 triệu đồng, anh đã có trong tay hàng chục tỷ đồng. Khoản tiền rất đáng trân trọng đối với một người làm ăn lương thiện kiếm được trong vòng 20 năm lao động cực nhọc.

Tôi  trêu đùa anh đã trở thành tỷ phú, anh từ tốn: “ Phần lớn diện tích rừng của tôi đã cho khai thác lấy gỗ. Tôi vừa khai thác mấy ha gỗ bạch đàn bán được 100 triệu trả tiền vay ngân hàng. Bây giờ còn lại của mình cả thảy, không nợ nần ai nữa. Sướng thật!”.

Trang trại hạnh phúc

Những giọt mồ hôi muối màu trắng trên áo người thương binh ngày đó  thấm vào đất, hạt giống được gieo xuống, nảy mầm vươn lên thành những cánh rừng xanh bạt ngàn phía tây- nam huyện Hải Lăng.Không ít người đến thăm mô hình trồng rừng của anh  hết sức thán phục ý chí, nghị lực và niềm lạc quan của một thương binh. 

Cắt nghĩa sự thành công của mình, anh Xuân nói rằng thuận vợ thuận chồng sẽ dời được non cao, lấp cạn bể lớn. Anh phát biểu: “Trang trại của tôi không thể nào lên xanh tốt như hôm nay nếu  thiếu đi  công lao chăm sóc của người vợ, ngày đêm cùng chồng thực hiện giấc mơ trồng rừng”.

Anh  Xuân lên đồi cuốc đất trồng rừng thì chị  Nguyễn Thị Mật, vợ anh cũng không ngại khổ cực, theo chồng lên rừng. Bốn người con trai của anh chị  cũng được mang lên ở giữa rừng, vừa học tập, vừa lao động.

Nhiều anh em trong Hội  cựu chiến binh thường đùa: “Ở giữa rừng  phía tây đang có một trang trại hạnh phúc”.Mười năm sau, hai con đầu của anh chị đã vào đại học. Con út đang theo học phổ thông. Còn một người con theo cha, tiếp tục thực hiện giấc mơ trở thành “vua rừng” miền sơn cước.

Có một người ở thị xã Đông Hà sau khi vào thăm trang trại của anh đã  ngỏ ý  muốn được mua đứt toàn bộ 300 ha rừng với  giá hàng chục tỷ đồng để làm du lịch sinh thái.

Tôi “tư vấn”: “Suốt đời người lầm lũi giữa rừng, ở tuổi gần 60 rồi anh bán hết  rừng về phố mua nhà ở cho nhàn thân”. Anh cười: “Đối với người nông dân thì đừng bao giờ phụ bạc đất đai. Phải biết tận dụng tiềm năng đất đai mà ông cha ta ngày trước phải  đổ xuống không biết bao nhiêu máu xương mới giành lại được. Tôi thua người ta một cái chân nhưng không thể thua về ý chí và nghị lực vươn lên từ nghèo khó, tàn tật để làm giàu chính đáng”.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
Bản tin Hình sự: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ
TPO - TIN NÓNG ngày 25/4: Phát hiện căn nhà nuôi nhiều phụ nữ mang thai hộ; Tàng trữ 1 viên đạn súng quân dụng bị tuyên phạt 12 tháng tù; Ông Trần Quí Thanh bị tuyên phạt 8 năm tù; Triệu tập hai đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên; Một cựu chủ tịch xã bị bắt; Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng Anh mang tên tổ chức Cambridge International...