Bị vứt đĩa vào sọt rác
Cha mẹ của nhạc sỹ Vinh Sử từ Hà Tây đi làm phu đồn điền cao su cho Pháp rồi lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ trong thập niên 1940. Sau đó song thân của ông tìm về Sài Gòn sinh sống bằng nghề làm lò bún. Nhạc sỹ ra đời trong một xóm lao động nghèo ở Bến Vân Đồn, quận 4.
Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, nhạc sĩ Vinh Sử kể: “Ba tôi làm nghề bún giàu lắm, giàu nhất xóm nhưng ông rất hà tiện, ra đường khát nước không dám mua uống. Con cái lớn 9, 10 tuổi đã bắt đi học nghề để khỏi phải nuôi. Nhà tôi có bốn anh em, ai cũng dốt hết, có mình tôi được đi học đàng hoàng. Mấy đứa em theo nghề ba tôi nên giờ giàu lắm, có mình tôi mê nhạc nên lênh đênh thôi”.
Vốn bản tính hơi ngông và ương ngạnh của tuổi mới lớn, năm 15 tuổi, Vinh Sử bỏ học và bắt đầu sáng tác nhạc. Ông đã phải chịu không ít ánh nhìn hoài nghi từ chính gia đình và những người hàng xóm thân quen. Ông tâm sự: “Ba tôi không biết chữ nên cả xóm ai cũng nghĩ tôi giống ba, không ai tin tôi viết nhạc hết. Họ nói nhạc gì mà nhạc, mày ăn cắp chứ viết được gì. Tới khi tôi nổi tiếng rồi mà cũng chả có ai tin”.
Âm nhạc như đã có sẵn trong máu của ông từ kiếp nào. Vừa học nhạc, ông vừa mua sách hướng dẫn để học cách sáng tác. Sau một năm học nhạc, Vinh Sử âm thầm tập sáng tác, những tác phẩm của ông đều nói về sự chia ly, những mất mát của tình yêu đôi lứa.
Tuy nhiên, sáng tác là một chuyện còn được ra mắt hay không là cả một vấn đề nan giải đối vị nhạc sĩ trẻ mới tập tành viết nhạc lúc đó. Ánh mắt Vinh Sử không khỏi ánh lên cay đắng khi kể lại: “Trước khi bước vào nghề nhạc, tôi từng ăn cắp tiền của ba má để bao những người trong giới đài phát thanh Sài Gòn, giới nghệ sĩ nổi tiếng thời đó. Tôi bán luôn nguyên căn nhà ba má cho, thời đó vàng được 1 ngàn/lượng, nhà bán được khoảng 300 - 400 ngàn. Ăn uống chơi bời cho tới khi hết tiền cũng chẳng ai giúp tôi cái gì cả. Nhà mất tôi giấu giếm gia đình ở với người bạn xích lô trong con hẻm ở quận 4. Sau ba má tôi cũng phát hiện, ông bà tức giận đến mức kêu công an tới bắt tôi.
Lúc đó, Chế Linh có thâu cho tôi bài Yêu người chung vách. Cứ tối đến tôi lại cầm cái băng nhỏ tới mấy chỗ xay sinh tố, cà phê lề đường mở cho mọi người nghe, ai cũng tấm tắc khen hay. Tôi đem bán bản quyền cho nhà phát hành nhạc ở đường Nguyễn Trung Trực nghe thử nhưng ổng chỉ ậm ờ, hẹn lần lựa kêu đi về đợi. Vài ngày sau trở lại, tôi bất chợt thấy cái bìa băng của mình trong sọt rác nhưng không dám cúi xuống lượm, phải lấy đôi dép đang mang kẹp cái băng đem đi giấu rồi lủi thủi về nhà”.
Càng yêu nhiều càng dễ sáng tác
Dù chịu không ít sự tổn thương và bị coi thường, Vinh Sử vẫn xem đây là điều may mắn khi không lâu sau đó, bản nhạc đầu tay Yêu người chung vách của ông được phát miễn phí suốt một tuần trên Đài phát thanh Sài Gòn nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ với trưởng ban văn nghệ đài lúc đó.
Vinh Sử kể: “Sau khi bài nhạc ra mắt tôi nhận được bông của bà con khắp nơi gởi về khen tặng. Cả ông Minh Phát từng quăng sọt rác bản nhạc cũng tìm đến tôi và ra giá nhất quyết đòi mua lại để phát hành. Từng bị lừa mất hết một căn nhà nên tôi trở nên dè chừng mọi người xung quanh, ngay khi được trả một cái giá rất hời cho bản nhạc tôi chỉ chấp nhận tự in 10.000 bài theo đơn đặt hàng để ông ấy phát hành. Sợ người ta ăn gian kê thêm số lượng đĩa của mình nên khi đi in băng tôi cứ thụt thò, lén lút”.
Có thể nói thời điểm đó, âm nhạc đã mang đến cho nhạc sĩ Vinh Sử tất cả, từ danh tiếng đến tiền bạc. Thời hoàng kim trước năm 1975 với tiền tác quyền từ các ca khúc đủ để ông tậu xe hơi, nhà lầu. Nhạc sĩ tâm sự trời cho ông cái tài chấp bút là sẽ nổi tiếng hay in bài nào thì nổi tiếng bài đó, kể cả các ca khúc mua lại từ các nhạc sĩ đàn anh như: Đỗ Thanh Sơn, Hàng Châu... Còn các bản nhạc được ông sáng tác từ trong những ngày đầu tập tành làm nhạc sĩ như: Gái nhà nghèo, Hai bàn tay trắng,Người phu kéo mo cau, Nhẫn cỏ cho em... nhanh chóng được đông đảo mọi người yêu mến. Vinh Sử vụt chốc trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng, được mệnh danh là “vua nhạc sến”.
Thế nhưng, ông quan niệm có tiền thì phải tiêu, ăn nhậu thì phải linh đình. Có tiền trong tay, vị nhạc sĩ nổi danh lại đổ vào những cuộc ăn chơi, làm “vua một đêm” ở các nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài Gòn, mỗi đêm chi tiêu cả chục lượng vàng. Bên cạnh những lời đồn thổi “tiêu tiền như nước”, Vinh Sử còn từng nổi tiếng đào hoa vì yêu nhiều và có tới bốn đời vợ.
Ông “vua nhạc sến” tếu táo chia sẻ: “Tôi thích yêu những người đẹp để dễ thất tình mà lấy cảm hứng viết nhạc. Tôi chỉ yêu người đẹp chứ người xấu thì ai mà yêu, ai điên mà yêu người xấu. Cuộc đời của tôi hình như không may mắn về đường tình duyên, người xấu cũng phụ mà người đẹp cũng bị phụ. Càng nhiều người phụ tôi thì lại càng có nhiều bài nhạc. Bao nhiêu bài nhạc thì bao nhiêu nhân tình, trong đó có viết cho vợ nữa. Nhưng tôi không lăng nhăng nhiều người, chấm hết với bà này tôi mới ở với bà khác.
Lúc trước báo chí cứ đồn thổi tôi ở một lượt với mấy bà, tôi đâu phải thần thánh gì đâu mà ở với tận mấy người một lúc dữ vậy. Bị người này bỏ thì tôi mới đi tìm người khác. Tôi không biết duyên là gì, chỉ có gặp hợp là tới với nhau. Nhiều khi đi tình cờ gặp nhau, nhìn rồi thấy cảm mến dần dần thương nhau. Thường khi bị bỏ tôi mới viết được nhạc như mấy ca khúc xa xưa như: Đêm lang thang, Yêu người chung vách, Gõ cửa trái tim..., có trái gõ bể cửa luôn mà vẫn không thấy gì”.
Tuổi già cô đơn, bệnh tật, nghèo khó
Ba năm trước nhạc sĩ Vinh Sử phát hiện ông bị căn bệnh ung thư đại tràng. Đến năm 2014, căn bệnh đã chuyển sang giai đoạn di căn. Tuy nhiên trái với thời hoàng kim sung túc có đủ đầy vợ đẹp, con khôn, ở tuổi xế chiều, ông “vua nhạc sến” lại có cuộc sống đơn bạc trong căn nhà 15m2 tại một con ngõ nhỏ ở Sài Gòn. Vinh Sử tâm sự: “Bây giờ tôi có người bạn già thỉnh thoảng cũng ghé thăm, đó là người vợ thứ ba. Cô ấy sau khi rời bỏ tôi thì có chồng khác nhưng giờ ông ấy cũng không còn nên lại về thăm tôi.
Còn chuyện ăn uống, thời buổi này chỉ cần có tiền thì cái gì cũng không thiếu, ngày ba bữa của tôi đã có hàng quán lo. Con cái tôi đều có nơi có chốn, nhiều khi chúng cứ điện thoại hoài tôi còn bực mình hơn. Tôi không cô lập mà chỉ thích sống một mình. Từ trắng tay mà trở nên giàu có giờ lại về trắng tay cũng là bình thường thôi, có nữa thì chết cũng đâu có mang theo được đâu nên thôi vậy cũng đủ rồi”.
Hiện tại, sau một thời gian trị bệnh, sức khỏe của Vinh Sử đã tạm ổn định. Tác giả của các ca khúc trữ tình hóm hỉnh chia sẻ nhờ bệnh tật, sức khỏe yếu nên ở nhà hoài mà ông mới viết được nhiều bài hơn. Ông vẫn còn mấy cuốn nhạc với khoảng trên 200 bài chưa được ra mắt.
Sol Vàng tháng 1/2016 với chủ đề “Vinh Sử - Gõ cửa trái tim” hứa hẹn sẽ là đêm nhạc mang đến nhiều cảm xúc sâu lắng cho những ai yêu mến dòng nhạc, trữ tình nói chung và âm nhạc của Vinh Sử nói riêng.
Đêm nhạc đặc biệt vinh danh những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Vinh Sử với các ca khúc nổi tiếng của ông như: Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Qua ngõ nhà em, Nối lại tình xưa… cùng một số ca khúc mới sáng tác gần đây.