Vua Minh Mạng mắng đại thần

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tôi may mắn được tiếp cận với những tấu chương của các quan đại thần trên đó có bút tích - những dòng ngự phê của đấng minh quân Minh Mạng.

Người con thứ tư của vua Gia Long Nguyễn Phúc Đảm sau này là vua Minh Mạng dường như tốn khá nhiều giấy mực cho đương thời lẫn hậu thế.

Vua Minh Mạng mắng đại thần ảnh 1

Vua Minh Mạng

Ngài có nhiều cải cách nội trị lẫn ngoại giao mà bắt đầu là việc dựng công trình Ngọ Môn. Ngài bỏ tiệt các dinh trấn mà thành lập 31 tỉnh của cả nước Đại Nam. Ngài lập Quốc Tử Giám mở các khóa thi hội thi đình để lấy Tiến sĩ. Thời Minh Mạng, các nước láng giềng gần xa đều gửi sứ đến thông hiếu và ngài cũng cử sứ đến nhiều nước để bang giao. Thế mà ngài là người ghét đạo Thiên chúa đến mức cực đoan. Rồi chuyện ngài là người lập kỷ lục về đường thê thiếp cũng như con cái trong các vua chúa nhà Nguyễn vv...

Được chiêm quan những tờ ngự phê hiếm hoi còn lại của vua Minh Mạng, có cảm giác những ngự phê ấy như một khuyên son lớn trên cái nền châu bản nhà Nguyễn vậy!

So với vua Gia Long, số lượng văn bản của vua Minh Mệnh nhiều và chi tiết hơn. Nội dung phê duyệt phong phú trên nhiều lĩnh vực hành chính giáo dục (chú trọng việc đào tạo tuyển chọn nhân tài), văn hóa (chú trọng phát triển văn hóa dân tộc), nông nghiệp (quan tâm đến chính sách khuyến nông), Luật pháp (hy vọng cảnh dân an nước thịnh).

Ta hãy dừng chút để quan chiêm những tờ tấu chương của Tổng trấn Bắc Thành như bức tranh về việc kiểm tra số lúa đang kỳ thu hoạch; Về tình hình đê điều và cả thời tiết.

Lời ngự phê dài hơn thường lệ. Và hiếm hoi tình cảm của vị hoàng đế được thể hiện, bộc bạch.

Vua Minh Mạng mắng đại thần ảnh 2
Bút tích (Ngự phê) của vua Minh Mạng

“Hết sức vui mừng không thể hình dung được. Chỉ có chắp tay lên trán thiết tha cảm ơn Trời và càng thêm kính sợ mà thôi”; “Xem tập tâu, lòng trẫm được an ủi chút ít. Cốt sao đê điều được vững chắc, vật liệu bền, đê vững, sóng êm. Trẫm cùng thần dân các ngươi cùng vui mừng! Kính đấy”; “Được tâu trình có mưa khắp nơi, lòng Trẫm rất vui được an ủi. Chẳng hay ở trấn, hạt các ngươi có bị giá rét, khô hạn kém mưa hay không” (Ngày 29 tháng Mười năm Minh Mệnh thứ 8 (17-12-1827).

Rồi như ngự phê ghi nhớ việc Minh Mạng lập Quốc sử quán. Mục đích là góp nhặt những sự kiện để làm quốc sử. Mà châu bản là thứ chất liệu quý để làm sử.

Cung cách chép sử của nhà Nguyễn khoa học và hiệu quả, được coi là tiến bộ, đổi mới so với mọi thời trước. Sử nhà Nguyễn đồ sộ về mặt khối lượng, phong phú về nội dung. Một trong yếu tố cơ bản làm nên giá trị phong phú ấy, có ý kiến cho rằng những người đứng đầu (na ná như ban Biên tập) gồm Tổng tài Trương Đăng Quế - Văn minh Điện Đại học sĩ khi đó đảm chức Binh bộ Thượng thư, Sung cơ mật viện đại thần. Là những Hà Duy Phiên, Lại Bộ thượng thư kiêm quản Hình bộ Ấn triện, kiêm lãnh Quốc tử giám sự vụ. Hai ông là Tổng tài và phó Tổng tài chịu trách nhiệm quản lý điều hành việc làm sử của Quốc sử quán. Tất nhiên Ban biên tập thế nào thì sản phẩm như thế. Cũng nên nhớ, hai vị đại thần phụ trách ban biên tập ấy là do Minh Mạng trực tiếp điều động theo kiểu biệt phái đủ biết việc làm sử thời ấy quan trọng đến thế nào!

Yếu tố làm nên chất lượng của các bộ sử là do cơ quan làm sử (Quốc sử quán) đã căn cứ vào hệ thống châu bản, những sự kiện người thật việc thật có sự kiểm chứng minh định của chính người đứng đầu là nhà vua. Vậy nên hậu thế mới có những bộ sử giá trị như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam liệt truyện, Quốc triều chánh biên toát yếu, Đại Nam thống nhất chí... để mà thưởng lãm, tìm hiểu tra cứu.

Chuyện này tôi nghe nhiều người xứ Huế kể lại. Nhưng dịp tiếp cận với những chuyên gia tại Trung tâm kho lưu trữ, chưa thấy ai đề cập đến văn bản ghi lại câu chuyện này. Có thể châu bản nào bị thất tán hoặc không được ghi trong châu bản của thời Minh Mạng?

Dịp ngũ tuần đại khánh kỷ niệm 50 sinh nhật, nhớ về nơi phát tích đất Tống Sơn Thanh Hoa, vua Minh Mạng có chiếu về quê vời 50 vị cùng tuổi cùng năm sinh với nhà vua vào kinh đô dự tiệc. Tiệc trọng thể vui vẻ lắm. Vua còn ban ngự tửu lẫn lụa cho các cụ ở đất cố hương.

Nhưng sao thế kia, sắc diện nhà vua đương tươi thoắt sa sầm. Vua chợt nhận ra trong số các cụ đồng niên đồng tuế và đồng hương ấy, nhất loạt bận sắc phục đẹp đẽ lành lặn của triều đình ban nhưng có nhiều cụ trông dáng quá lam lũ, khí sắc võ vàng tiều tụy.

Tò mò, vua thân gặng hỏi thân thế nghề nghiệp thì thật bất ngờ có tới một phần ba các cụ làm nghề... ăn mày!

Viên tri phủ huyện Tống Sơn theo lệnh nhà vua tức tốc lai kinh. Xanh xám mặt mũi trần tình lại cái nỗi do lệnh ban ngặt quá không đủ thời gian để kiếm người theo tiêu chuẩn! Với lại đám sai nha đã lùng khắp xứ Tống Sơn nhưng không thể gom lựa đủ số lượng như chuẩn của nhà vua nên đành trưng dụng một số cụ trật tuổi ấy nhưng hành nghề ăn mày!

Những tưởng phen này viên tri phủ cầm chắc đầu rời khỏi cổ vì trái lệnh vua. Nhưng không phải. Vua Minh Mạng nghe xong bèn cho viên quan địa phương kia lui rồi sau cứ than thở mãi không thôi với quần thần rằng, phàm con người ta quả là có khí số cả trong đó làm vua thì chỉ có một! Ăn mày là nghề hèn hạ nhưng hoàn cảnh tình thế bắt người ta phải vậy chứ ai muốn. Vả lại làm cái nghề chăn dân mà để ngay dân đất cố hương phải cơ nhỡ khốn khổ như thế thực trẫm có lỗi lắm lắm!

Có một chuyện được ghi hẳn hoi trong châu bản. Chuyện ấy trong châu bản đã thành tài liệu cứ liệu sau này để Quốc sử quán đưa vào bộ sử nổi tiếng Đại Nam Thực lục chính biên (ta vẫn quen gọi tắt là Thực lục).

Năm 1830, ngày lễ mừng tứ tuần đại khánh (sinh nhật lần thứ 40) của vua Minh Mạng gần đến rồi mà xứ Huế trời cứ mưa liên miên không dừng (trời mưa xứ Huế sao buồn thế/ cứ kéo dài ra đến mấy ngày - Thơ Nguyễn Bính), Triều đình cũng các quan lo lắng lắm. Đột nhiên đúng ngày lễ chính thức, trời bỗng dưng tạnh hẳn. Lại có nắng, mọi người vui mừng khôn kể. Châu bản thời điểm ấy có chép lại việc vui này. Và kiêm một sự kiện khác.

Thị lang nội các Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế dâng bài tụng đại khánh thuật lại các công việc từ lúc vua Minh Mạng lên ngôi, nhà vua siêng lo chính trị làm gốc để được phúc hưởng thọ...

Bài tụng qua tấu chương được dâng lên. Chắc mẩm sẽ khen tặng. Nhưng oái oăm vua Minh Mạng đọc kỹ đã phê thế này.

Bọn ngươi không lo cố gắng làm hết chức phận cứ ngày thêm lẫm lỗi! Nay lại làm bài văn vô dụng này thì có ích gì? Trẫm có thích nịnh ngoài mặt đâu? Vậy ném trả và truyền chỉ quở mắng (Thực lục tập III, Trg 39).

Cũng cần nói thêm, Phan Thanh Giản và Trương Đăng Quế (đại thần Viện Cơ mật) là những đại quan tính khí ngay thẳng bản tánh không phải là dạng người chuyên nịnh hót. Vậy mà nhân việc mừng của vua (tiết đại khánh) trời đất đang mưa gió sụt sùi như thế bỗng chốc tạnh ráo, tưởng như cái đức của vua cảm hóa khiến trời cũng cảm động, hai ông chắc cũng thực bụng thôi, trót buột ra trong lời tụng như thế. Đã vậy bài tụng còn bị vua ném trả!

Chi tiết thú vị và mang tính thời sự đến bây giờ cho hậu sinh biết thêm tính cách cũng như phẩm chất của ông vua Minh Mạng. Từng nghiêm khắc với quần thần ra sao và ghê sợ thói nịnh hót như thế nào. Lỗi không phải kẻ nịnh mà người nghe nịnh, ưa nịnh. Có phải nhờ sự nghiêm khắc ấy mà đại thần Trương Đăng Quế đã tỉnh ra nhiều điều. Sau này ông có nhiều quyết định về chính trị kinh tế mang tầm cấp chiến lược quốc gia. Từng được vua Minh Mạng thực lòng khen là nhìn việc thấu triệt, nói được rõ ràng có thể đi đến chỗ thành công.

Một chuyện khác là vào dịp Tiết Vạn Thọ, chắc có lẽ rút kinh nghiệm việc cũ, Trương Đăng Quế không trực tiếp xếp hàng chúc tụng nhà vua mà chỉ dâng sớ cung chúc và tiện thể trong sớ cũng tâu trình luôn một công việc hệ trọng.

Vua Minh Mạng rất khen. Ngài truyền chỉ.

… Bọn khanh khỏe mạnh. Việc binh lính và ruộng đất làm đâu ra đấy nay lại xem tờ tâu sớ Trẫm rất vui mừng. Gặp ngày lễ Vạn thọ của Trẫm cúi trông triều ban không thấy bọn khanh xếp hàng trong hàng lòng Trẫm cũng nao nao (Thực lục, tập IV Trg 924).

Trở lại câu chuyện về lễ sinh nhật ngũ tuần đại khánh về vua Minh Mạng, theo thiển ý của người viết bài này có lẽ chỉ là giai thoại và dã sử? Nên nó đã không đã được ghi biên vào châu bản lẫn Thực lục? Nhưng chi tiết có lẽ hơi bi hài nhưng khắc họa thêm được một tính cách một phẩm chất nổi trội của vua Minh Mạng chắc cũng dung chứa bao nhiêu phần trăm sự thật nên đã dung dị thành giai thoại dân gian như thế?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.