Nghệ nhân trồng đào Lê Hàm cho biết: Thất thốn là một giống đào quý hiếm nên xưa kia thường được tiến vua. Cây đào này có dáng siêu trực, gốc đào xù xì, lá xanh mướt, hoa đỏ tươi, cánh dày đẹp đến nao lòng.
Đào thất thốn là giống đào quý, “sang chảnh” nhất trong các loại hoa đào. Nghệ nhân Lê Hàm yêu loài hoa này từ lúc mới mười chín, đôi mươi, cho đến bây giờ đã ngoài 55 tuổi vẫn thủy chung, tận tụy với một tình yêu duy nhất trong đời.
Yêu và đam mê duy nhất với hoa đào
Đến vườn đào Lê Hàm ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội), bước qua cánh cổng gỗ với bức tường đá ong là thấy những dãy nhà bọc kín máy điều hòa chạy hết công suất. Người đàn ông khó đoán tuổi đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền, qua vài câu chào hỏi, ông mời chúng tôi những chén nước lá được hái từ vườn nhà rồi mới thong thả trò chuyện.
Ông Hàm cho biết, những cây đào thất thốn phải chăm sóc rất kỹ lưỡng, nếu không có những bàn tay khéo léo, không có tình yêu với hoa đào sẽ không bao giờ làm được. Những bông hoa đào tuyệt đẹp đó không dành cho những kẻ phàm phu, tục tử: Chỉ cần chạm tay vào cánh đào thì bông hoa đó sẽ bị thui chột, không đẹp nữa. Vì vậy, mỗi năm hoa đào thất thốn nở, cánh nhiếp ảnh đến với đồ nghề cồng kềnh, chui vào vườn đào chạm vào cành vào hoa là ông Hàm cảm thấy lòng đau như xát muối. Ông cho biết, tôn trọng các bạn chụp ảnh, hiểu rằng họ muốn ghi lại những vẻ đẹp của hoa đào, nhưng nhiều khi họ mải mê với công việc mà quên mất việc cần nâng niu những cánh hoa đào quý cũng như công lao chăm bón của nghệ nhân.
Nhiều người nói đùa “ông Hàm yêu hoa đào hơn yêu vợ”, ông chỉ cười. Ông nói, nhiều khi mải miết lo hoa nóng lạnh mà xao nhãng nên đôi lúc cũng bị vợ cằn nhằn. Nhưng mình yêu hoa đào thôi, tình yêu lành mạnh, làm đẹp cho đời nên vợ cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Khách khứa, bạn bè cũng khen ông Hàm trẻ hơn tuổi thật khoảng 5-10 tuổi, ông Hàm tếu táo: “Đó là nhờ tình yêu đấy, cả đời chỉ có một tình yêu duy nhất với hoa đào thất thốn nên trẻ lâu. Nhiều người bảo nên trồng thêm các loài hoa khác cho phong phú nhưng tôi sợ đa mang phải đèo bòng chóng già lắm”.
Những năm trước, vườn đào thất thốn của ông Lê Hàm có khoảng 100 gốc. Tết năm nay tăng lên khoảng 120 gốc. Ngay cuối tháng 11 Âm lịch, đã có khách đến đặt thuê đào đón Tết Nguyên đán. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã tìm cách để đào thất thốn nở đúng dịp Tết hoặc nở đúng theo ngày mà khách yêu cầu.
Để loại đào này có thể sinh trưởng bình thường khi thời tiết thay đổi, ông phải xây dựng khu nhà riêng có tường bao quanh, mái tôn che, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ. Ngay từ khoảng tháng 10 (âm lịch), ông Hàm đã dùng điều hòa hai chiều để căn chỉnh nhiệt độ phù hợp với cây. Khác với các loại đào khác, đào thất thốn đòi hỏi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh khiến người trồng phải bỏ nhiều công sức chăm sóc.
Theo ông Hàm, xưa kia chỉ có những bậc quyền quý, cao sang mới chơi đào thất thốn. Nay nhiều người có tiền, có chút hiểu biết và yêu hoa đào thất thốn thì cũng có thể săn được những gốc đào đẹp với giá chát một chút. Nhưng một khi đã đam mê thì người chơi gần như không tiếc tiền cho thú vui của mình. Hiện nay, khách thường thuê về chưng mấy ngày Tết rồi trả lại chứ không mua hẳn. Vì mua về không biết chăm sóc cây sẽ chết.
Ông Hàm cho biết, giá thuê hoa đào tùy gốc, có gốc 10 triệu, 20 triệu đồng hay cao hơn có. Đa số người thuê là hộ gia đình, vì chỉ có những ngày Tết ở nhà thì mới có thể ngắm đào, còn cơ quan công sở thì thường không thuê đào thất thốn.
Thương nhớ dinh đào...
Vừa nâng chén trà lên nhấp một ngụm nhỏ, ông Hàm khẽ khàng đặt chén trà xuống rồi mắt nhìn xa xăm. Ông nói: “Tôi gắn bó với nghề trồng hoa từ bé, 5-7 tuổi đã theo bố mẹ, anh em ra đồng chăm đào. Những ngày giáp Tết, theo mẹ gánh hoa đào ra chợ, đi dọc 36 phố phường để bán hoa đào cho người ta chưng Tết, cúng ông bà tổ tiên... Mà hoa ngày đó chưng cũng khác lắm, không ai bán cả cây như bây giờ, người ta chỉ cắt thành những cành nhỏ cắm vào bình. Chỉ vậy thôi, đơn giản chứ không cầu kỳ.
Đến bây giờ nhà tôi chơi hoa cũng thế, Tết ngoài bình hoa đào thể nào cũng có 2 bình thược dược cắm lẫn với violet, lay ơn. Tôi chú trọng những bình hoa Tết lắm, dù bận rộn thế nào cũng phải sắm được hai bình hoa được chưng theo kiểu xưa”.
Cứ mỗi khi Tết đến, ông Hàm lại nhớ về dinh đào một thuở. Ông bảo làng ông xưa có hẳn một dinh đào, rộng gần 2 mẫu đất. Xưa dinh đào nằm ở cụm 3, phường Nhật Tân bây giờ. Nay vẫn còn tên gọi nhưng làng hoa đã mai một, chuyển sang vùng lân cận. Dinh đào xưa giờ là trường học, công sở, chung cư. Một thời gian nữa thôi, dinh đào chỉ còn là hoài niệm của những người già, cỡ tuổi ông Hàm trở lên. Còn lớp trẻ, chẳng ai nhớ đến dinh đào nữa.
Ngồi trong sân, nhắc lại ký ức “làng lúa, làng hoa” một thuở, ông cho biết, những gì trong bài hát rất đúng với ngày xưa. Đó là một ký ức đẹp mà những người bằng tuổi ông ở làng này không bao giờ quên:
“Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng ven đê
Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều
Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa
Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng”
Theo ông Hàm, cả nhà ông, họ hàng ông và cả làng đều làm nghề trồng đào. Khi đất trồng đào mai một dần do đô thị hóa, những người trồng đào cũng được chính quyền địa phương cấp cho một bãi đất rộng ở ven sông Hồng để trồng đào. Nhưng đào ở ngoài bãi sông Hồng không thể đẹp bằng đào ở trong dinh được.