Vụ xả súng tại Đắk Nông: Cty Long Sơn nhiều lần đi giải tỏa đất dân

Bị cáo Bình khẳng định đã sống tại tiểu khu 1535 trước khi tỉnh gia đất cho Cty Long Sơn. Ảnh LỮ HỒ.
Bị cáo Bình khẳng định đã sống tại tiểu khu 1535 trước khi tỉnh gia đất cho Cty Long Sơn. Ảnh LỮ HỒ.
TPO - Các bị cáo là nhóm nông dân nổ súng vào công nhân Cty Long Sơn đều khai, nhiều lần bị cty cho người đến giải tỏa, đánh nhau với người dân. Bức xúc, người dân đã làm đơn tố cáo đến nhiều ngành chức năng nhưng không được giải quyết, thậm chí có người bị bắt giam 7 tháng mà không rõ nguyên nhân. 

 Dân đã canh tác trước công ty

Chiều ngày 2/1, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục phiên xét xử vụ án nổ súng tranh chấp đất khiến 3 người chết và 13 người bị thương xảy ra tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Theo cáo trạng, các bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi), Ninh Viết Bình (35 tuổi) và Hà Văn Trường (32 tuổi, cùng trú tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực) bị truy tố về tội giết người, còn bị cáo Đoàn Văn Diện (37 tuổi, ở huyện Bù Đăng, Bình Phước) bị tuy tố về tội che giấu tội phạm. Riêng bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, Phó giám đốc Cty Long Sơn) và Phạm Công Thiện (40 tuổi, quản lý Cty Long Sơn) cùng bị truy tố về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản bước.

Tại phiên xét hỏi này, HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo về nguồn gốc đất tại tiểu khu 1535 và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, nổ súng. Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu cho rằng, đất công ty quản lý được UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định giao đất hợp pháp và người dân là đối tượng vào xâm lấn dẫn đến tranh chấp. Theo bị cáo Sửu, đất mà các hộ dân đang sinh sống, sản xuất trước đây là đất rừng được giao cho công ty quản lý.

Vụ xả súng tại Đắk Nông: Cty Long Sơn nhiều lần đi giải tỏa đất dân ảnh 1 Bị cáo Sửu bị HĐXX bác lại lời khai về nguồn gốc đất. Ảnh LỮ HỒ.

HĐXX cho biết, cty Long Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông giao đất vào năm 2008, nhưng cây trồng của người dân bị công ty san ủi qua giám định có cây được trồng từ trên 12 năm. Khi được hỏi về việc thỏa thuận đền bù cây trồng cho dân khi triển khai dự án, bị cáo Sửu cũng trả lời mơ hồ, không nhớ được thời điểm, số lần và số lượng được đền bù. 

Bị cáo Đặng Văn Hiến khẳng định đã sinh sống, sản xuất ổn định trên khu đất tại tiểu khu 1535 trước khi cty Long Sơn xuất hiện. Từ khi công ty này xuất hiện, việc tranh chấp đất, đánh nhau với người dân xảy ra liên tục. Người dân đã nhiều lần làm đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng tỉnh, huyện thậm chí ra tận trung ương nhưng vẫn không được giải quyết. 

Khi HĐXX hỏi, tại sao khi bắn vào nhóm công nhân cty Long Sơn, bị cáo bắt các công nhân cởi áo, quần đồng phục công ty? Bị cáo Hiến nói rằng, do nhiều lần bị cty này đến tranh chấp, chặt phá cây trồng nên thấy màu áo công ty xuất hiện gần nương rẫy là bức xúc, ức chế.

 “Nếu bị cưỡng chế, tôi cũng hành động như thế”

Còn bị cáo Ninh Viết Bình khai, bản thân cũng vào sinh sống tại tiểu khu khu 1535 trước thời điểm cty Long Sơn được giao đất. Khi xảy ra tranh chấp, đã đấu tranh, làm đơn kêu cứu, tố cáo rất nhiều nhưng không được giải quyết. Bản thân bị cáo đã bị công an bắt giam 7 tháng rồi thả ra mà không cho biết lý do. “Bị cáo nghĩ bị bắt là do đấu tranh nhiều quá, vì thế chúng tôi mất niềm tin và bàn nhau sẽ chống trả lại công ty nếu họ đưa người đến tranh chấp đất” - bị cáo Bình khai. 

Trong phần xét hỏi chiều nay, các luật sư bào chữa cho nhóm nông dân nổ súng hỏi trong hội trường có ai chứng kiến vụ nổ súng, biết về nguồn gốc đất và nguyên nhân tranh chấp đất giữa Cty Long Sơn với người dân? Hàng chục cánh tay người dân giơ lên xin làm chứng. Một nữ nhân chứng lớn tuổi cho biết, bản thân đã cư trú tại tiểu khu 1535. Hôm xảy ra vụ Cty Long Sơn tự ý lập đoàn cưỡng chế rồi xảy ra đánh nhau, bà đã gọi điện cho công an, lãnh đạo xã, huyện báo về sự việc là “có đánh nhau to” và đề nghị vào can thiệp. 

Vụ xả súng tại Đắk Nông: Cty Long Sơn nhiều lần đi giải tỏa đất dân ảnh 2 Nhiều người dân giơ tay xin làm chứng tại phiên tòa. Ảnh LỮ HỒ.

Cũng theo nữ nhân chứng này, bà sống tại tiểu khu 1535 cùng hàng chục hộ dân khác trước khi tỉnh Đắk Nông được tách vào năm 2004. Theo bà này, việc Cty Long Sơn nói rằng người dân lấn chiếm đất của công ty là không đúng.

Một nam nhân chứng khác cũng khẳng định người dân đã sinh sống, sản xuất tại tiểu khu 1535 từ rất lâu, trước khi Cty Long Sơn được giao đất. Theo nhân chứng này, khi cty Long Sơn xuất hiện đã xảy ra tranh chấp, đánh nhau với người dân rất nhiều lần. Chính quyền huyện, tỉnh nhiều lần vào làm việc, có văn bản yêu cầu Cty Long Sơn không được tự ý cưỡng chế, phá bỏ cây trồng của người dân nhưng cty này không chấp hành. 

“Lãnh đạo tỉnh, huyện đã vào làm việc tại nhà tôi, thậm chí đích thân Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo phải giữ nguyên hiện trạng không được tự ý san ủi, phá bỏ cây trồng của dân. Cty Long Sơn đã không chấp hành, chống lệnh mới dẫn đến bức xúc khiến xảy ra vụ nổ súng. Nếu đất nhà tôi bị cưỡng chế, cây trồng bị chặt bỏ tôi cũng không giữ được bình tĩnh và cũng sẽ hành động như các bị cáo đây” - nhân chứng này trình khai tại tòa. Sau phát biểu của nam nhân chứng này, tất cả người dân dự khán đã vỗ tay ủng hộ. HĐXX buộc phải nhắc nhở người dự tòa giữ trật tự. 

Đến cuối giờ chiều ngày 2/1, phiên tòa tạm kết thúc và sẽ xét xử lại vào ngày 3/1.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.