Vụ Vườn điều: Những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng

Vụ Vườn điều: Những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng
Ông Nguyễn Thận – Nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh thời điểm vụ án xảy ra - đã có lý khi nói, “vô hình trung, việc chứng minh các bị can vô tội lại là sự buộc tội ai đó đã làm sai”.
Vụ Vườn điều: Những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng ảnh 1
Người thân các bị cáo khóc gọi họ trong giờ giải lao của PTPT lần 2

Tại phiên toà xét xử phúc thẩm (PTPT) lần 2 “Vụ án Vườn điều”, ông Nguyễn Văn Mười - Viện trưởng VKSND huyện Hàm Tân được mời làm nhân chứng khai ông chỉ cúi nhìn mấy mẩu thuốc lá Everest ở hiện trường mà không cầm lên xem, cũng biết người hút thuốc là Trần Văn Sáng.

Mọi người cứ mặc nhiên coi cái xác không còn khả năng nhận dạng là bà Dương Thị Mỹ, thậm chí Cơ quan điều tra - Công an tỉnh Bình Thuận (CQĐT) cũng không lấy vân tay nạn nhân…

Trần Thanh Vân sinh năm 1979, năm 1993 chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị tạm giam gần 10 tháng, từ 3/9/1999 đến 20/6/2000.

Một cậu ruột của Vân bị bắt ngày 16/12/1998 và bị kết án 6 năm tù giam, mọi hồ sơ vụ án đều ghi tên người này là Nguyễn Văn Sơn. Nhưng tên anh ta trong giấy CMND không phải là Sơn, mà là Nguyễn Văn Châu.

Ngay từ cuối năm 1998, Huỳnh Văn Nén đã khai về sự ngoại phạm của mình: trong thời gian bà Mỹ bị giết, Nén không ở Tân Minh mà ở xã Xuân Hoà (Xuân Lộc, Đồng Nai).

Tuy nhiên, nguyên điều tra viên (ĐTV) Cao Văn Hùng (đã bị loại khỏi ngành công an vì liên quan đến một vụ án ma tuý) cho rằng các lời khai của Nén và một số nhân chứng có lợi cho các bị can “không phải là chứng cứ trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội của Nén và đồng bọn nên không bỏ trong hồ sơ”.

ĐTV này còn mớm cung bằng cách trước khi lấy cung đã cho bị can nghe băng ghi âm và đọc bản khai của bị can khác…

“Con dao” bỏ lọt trong bao thuốc lá và việc gây sức ép với nhân chứng

Vụ Vườn điều: Những sai phạm nghiêm trọng về tố tụng ảnh 2
Giấy khai sinh của cháu N.T

Theo CQĐT, từ lời khai của Nén, CQĐT đã đào tìm được con dao phay gây án. Nhưng kích thước vật thu được lại lớn hơn nhiều so với kích thước do Nén khai về con dao. Nó đã hoàn toàn gỉ sét, khi vừa được nhấc lên khỏi nơi chôn thì bị vỡ làm 4 mảnh.

Đến nay “con dao” đã vỡ vụn, được gom lại trong một vỏ bao thuốc lá. Chiều 10/3/2005 tại PTPT lần 2, thẩm phán chủ tọa Phạm Hùng Việt lấy ra 2 tấm ảnh để hỏi ông Trịnh Văn Quang - người chụp ảnh vật được đào lên.

Ông Quang - Nay là Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND thị trấn Tân Minh (tách ra từ xã Tân Minh) - xác nhận ông chỉ chụp tấm ảnh màu, không chụp tấm ảnh đen trắng trong đó có một vật trông giống con dao hơn vật trong ảnh màu. Tại sao tấm ảnh đen trắng lại có trong hồ sơ?

Ông Quang cũng cho biết, trước khi đào dao có chạy máy rà kim loại, khi “con dao” được đào lộ ra, Nén mới được chở tới và làm động tác chỉ tay về phía “con dao” để được chụp ảnh.

Chưa hết, ông Quang kể, khoảng 22 giờ hôm đó (10/3/2005), ông Đinh Kỳ Đáp - Phó thủ trưởng CQĐT gọi điện thoại cho ông Quang, sau đó chuyển máy cho ông Hoàng Đình Loan - Nguyên Phó trưởng Công an huyện Hàm Tân và là người lập biên bản thu giữ “con dao” ngày 19/11/1998, vừa bị bắt tạm giam ngày 28/11/2005 vì “bảo kê” cho băng nhóm Hai Chi.

Ông Loan nói muốn gặp ông Quang. Khoảng 23 giờ 30, ông Loan cùng một ĐTV gặp và thuyết phục ông Quang viết xác nhận vật ông chụp ảnh là con dao. Tuy nhiên ông Quang không viết xác nhận. Nghe chuyện này, chúng tôi lại nhớ tới việc liên quan đến chiếc đồng hồ nhà chị Lương Thị Thảo.

Nhân chứng Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, khoảng 2 giờ sáng 19/5/1993, chị đi gánh nước còn gặp bà Mỹ đi từ chợ ra phía lộ, ngược hướng vào vườn điều (kết luận điều tra cho rằng vụ án xảy ra khoảng lúc 1 giờ 30). Chị biết thời gian vì lúc đó chuông đồng hồ nhà chị Thảo đánh 2 tiếng.

Sau này, ĐTV của Công an và VKSND Bình Thuận đã có được lời khai của chị Thảo, theo đó đồng hồ nhà chị hay sai giờ và gõ số tiếng chuông không đúng số giờ. Tuy nhiên trước Toà, chị Thảo khẳng định năm 1993 đồng hồ nhà chị chạy tốt, gõ chuông đúng số giờ, nếu pin yếu thì không gõ chuông…

Nhân chứng giả?

Sáng 9/3/2005, trước giờ khai mạc PTPT lần 2, một số người trực tiếp tiến hành tố tụng “Vụ án Vườn điều” rỉ tai các phóng viên quen biết, lần này chắc chắn “xong”. Theo họ, những nghi ngờ khiến tiến trình tố tụng bị sa lầy về việc có hay không lá thư bà Mỹ hẹn gặp Trần Văn Sáng tại vườn điều vì bà không biết chữ nay đã được làm sáng tỏ.

Cũng dịp PTPT lần 2 được mở, một tờ báo của ngành kiểm sát đăng bài viết khen ngợi sự tận tâm, tận lực của các cán bộ công an và VKSND trong việc làm sáng tỏ điểm mấu chốt của “vụ án vườn điều”. Bởi vậy, sự xuất hiện của nhân chứng Trần Thị Kim Yến trước Toà đã được đặc biệt quan tâm.

Chị Yến khai nhớ rất rõ, chị sinh đứa con thứ ba là N.T. ngày 26/3/1993, chị viết thư giùm bà Mỹ 20 ngày sau đó. Khi khán phòng ồ lên vì ngày đó cách xa đêm bà Mỹ bị giết (18/5/1993), KSV Võ Văn Thêm giữ quyền công tố tại Toà sửa thay chị Yến, rằng chị tính ngày theo âm lịch.

Yến nói rõ hơn, ngày chị sinh con là 26 tháng Ba (nhuận) âm lịch 1993 và khẳng định lời khai này là đúng. Tuy nhiên, ngày 26/3 (nhuận) năm Quý Dậu là ngày 17/5/1993, 20 ngày sau là ngày 6/6/1993, bà Mỹ đã được chôn cất trước đó nửa tháng.

Nghi ngờ về nhân chứng Kim Yến, một số người đến UBND thị trấn Tân Minh và Phòng Tư pháp huyện Hàm Tân tìm sổ đăng ký khai sinh của xã Tân Minh năm 1993. Nhưng cả ở 2 nơi họ đều không tìm thấy cuốn sổ có đăng ký khai sinh của cháu N.T.

Chúng tôi tìm đến xã Diên Thọ (Diên Khánh, Khánh Hoà), nơi gia đình chị Yến chuyển về năm 2000. Cán bộ UBND xã cho biết gia đình chị Yến mới đăng ký tạm trú, ở UBND xã cũng không có giấy tờ gì ghi cụ thể về ngày sinh của cháu N.T…

Tuy nhiên, tại một nơi đáng tin cậy nhưng ít ai ngờ tới, chúng tôi đã tiếp cận được giấy khai sinh của cháu N.T. Thì ra, không như lời chị Yến khai tại Toà, chị sinh con ngày 12/3/1993.

Được biết, sau khi chị Yến có lời khai với ĐTV, ngày 12/1/2005 KSV của Viện THQCT&KSXXPT đã đi phúc cung. Chẳng lẽ KSV cũng cẩu thả, chỉ nghe chị Yến khai mà không xác minh?

Sau PTPT lần 1 tháng 6/2001, công luận đã đề nghị giao việc điều tra “vụ án vườn điều” cho cơ quan điều tra cấp cao hơn. Tiếc rằng đề nghị này không được chấp nhận ngay từ khi đó, khiến việc điều tra không có được sự khách quan cần thiết mà cứ đi theo “vết xe đổ”, oan sai cứ kéo dài.

Nguyễn Đình Quân - Phương Thảo

Ý kiến của các chuyên gia pháp luật tại Tọa đàm về vụ án vườn điều do Học viện Tư pháp tổ chức

“Người ta có cảm giác rất ghê sợ như có một kịch bản làm sẵn’’ - PGS. TS. Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp.

“Định hướng buộc tội của ĐTV quá nặng nề và có lẽ trong tiềm thức của ĐTV, sự có tội của bị can là không thể thay đổi” - TS. Bùi Kiên Điện, Đại học Luật Hà Nội.

“Quá trình điều tra vụ án chưa tuân thủ nguyên tắc công khai hóa thu thập chứng cứ; thiếu sự giám sát của cơ quan kiểm sát’’- PGS. TS. Võ Thành Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý.

“Chúng ta đứng trước những số phận con người, do đó khi làm việc phải hết sức thận trọng, không để xảy ra sai sót dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc oan sai’’. - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.