Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Báo cáo Chủ tịch nước

Làm việc với đoàn công tác Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Hồ Duy Hải không kêu oan mà chỉ xin tha tội chết để có cơ hội trở về với gia đình.
Khám nghiệm hiện trường vụ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) bị giết hại

Ngày 2/1, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An, cho biết dự kiến ngày mai, 4/1, các cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm sẽ báo cáo với Chủ tịch nước toàn bộ việc xem xét đơn khiếu nại của gia đình tử tù Hồ Duy Hải. Sau khi có ý kiến của Chủ tịch nước, Hội đồng Thi hành án phạt tù tỉnh Long An mới có quyết định tiếp theo.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội gặp tử tù

Theo Công an tỉnh Long An, liên quan đến việc mẹ Hồ Duy Hải làm đơn kêu oan cho con, ngày 24/12/2014, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã dẫn đầu đoàn công tác đến Long An làm việc với tử tù này.

Nguồn tin cho hay để bảo đảm khách quan, đoàn của Ủy ban Tư pháp làm việc với Hải không có sự tham gia của các cơ quan tố tụng tỉnh Long An. Tại buổi làm việc này, tử tù Hồ Duy Hải không kêu oan mà chỉ xin tha tội chết để có cơ hội được trở về với gia đình.

Trước khi vào trại giam gặp Hải, đoàn công tác của Ủy ban Tư pháp cũng đã trao đổi trực tiếp với mẹ của tử tù này. Những người trong gia đình cho biết đoàn đã hỏi về việc học tập, bị bắt trong trường hợp nào, tính tình và sở thích… của Hải. Ngoài ra, đoàn cũng quan tâm đến việc vì sao gia đình kêu oan và việc kêu oan thế nào.

Tại buổi làm việc với đoàn, mẹ của Hải khẳng định con mình bị oan bởi dư luận địa phương cho rằng Hải không phải là hung thủ giết 2 người. Ngoài ra, do phía luật sư nghiên cứu hồ sơ thấy các chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập còn mập mờ, chưa thuyết phục nên bà tin rằng Hải không phải là hung thủ của vụ án.

Hạn chế thăm nuôi

Trong thời gian Hội đồng Thi hành án phạt tù tỉnh Long An đồng ý tạm hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải, các cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ vụ án và tiếp xúc tử tù này.

Theo lịch của trại tạm giam Công an tỉnh Long An, ngày 30/12/2014, phạm nhân ở đây được thăm nuôi. Tuy nhiên hôm đó, người thân tới trại tạm giam đăng ký thăm nuôi Hải nhưng không được gặp mặt mà chỉ được chuyển đồ tiếp tế. Theo người thân của Hải, họ muốn gặp để động viên tinh thần cũng như muốn biết tình trạng sức khỏe con em mình.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, giám thị trại tạm giam giải thích: “Trong quá trình các cơ quan trung ương đang xem xét lại vụ án, tạm thời không thể cho người ngoài gặp mặt tử tù”.

Trong khi đó, đánh giá về bản án của Hồ Duy Hải, một luật sư ở tỉnh Tiền Giang cho rằng do cơ quan điều tra thu thập chứng cứ của vụ án quá yếu nên đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

“Nếu như hung khí gây án là con dao và tấm thớt, trong quá trình điều tra vụ án không thu hồi được vật chứng thì việc điều tra viên chỉ nghe nhân chứng mô tả lại rồi vẽ vào giấy cho họ ký tên, mua hung khí khác để đưa vào làm vật chứng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ điều kiện hủy án”, luật sư này phân tích.

Xem xét lại toàn bộ vụ án

Rạng sáng 14/1/2008, một người đưa thư đến Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) thì phát hiện 2 nữ nhân viên ở đây là Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân nằm chết dưới sàn nhà. Hiện trường bị xáo trộn và mất đi một số tài sản cùng tiền mặt.

Khám nghiệm hiện trường và truy bắt hung thủ, cơ quan công an địa phương tạm giữ 4 người trước khi bắt Hồ Duy Hải. Cả 2 phiên tòa sơ và phúc thẩm đều tuyên án tử hình Hải.

Ngày 5/12/2014, theo lịch làm việc, cơ quan chức năng thi hành án tử hình đối với Hải. Tuy nhiên, do gia đình Hải liên tục gửi đơn kêu oan, ngày 4/12/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chỉ đạo các cơ quan tố tụng tối cao tạm hoãn thi hành án trường hợp này để xem xét lại toàn bộ vụ án.

 

Theo Minh Sơn

Theo Báo Người Lao Động