Vụ tự tử gây chấn động dư luận

Fakhra trước và sau khi bị chồng tạt a-xít
Fakhra trước và sau khi bị chồng tạt a-xít
TP - Cái chết cùng quẫn của vũ nữ Fakhra, người Pakistan khi phải chịu đựng khuôn mặt bị chồng tạt a-xít gây biến dạng mặt suốt 12 năm qua đã làm dấy lên làn sóng căm phẫn kẻ thủ ác đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

> Nữ sinh tự tử giữa đêm

Thi thể của cô được đưa về nước hôm 25-3 đã gây nên làn sóng căm phẫn, nhiều người yêu cầu chính phủ phải thực thi công lý, trừng trị kẻ gây nên cái chết của Fakhra.

12 năm trước đây, cô gái trẻ xinh đẹp 21 tuổi Fakhra Younus bị gã chồng vũ phu Bilal Khar tạt a-xít hủy hoại khuôn mặt. Fakhra đã chịu đựng đau đớn sau hơn 40 lần lên bàn mổ để phẫu thuật chỉnh hình. Trong khi đó, gã chồng là con một quan chức cỡ bự vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

Fakhra vốn là vũ nữ ở khu đèn đỏ Karachi. Cô lọt vào mắt Bilal, gã đàn ông hơn 30 tuổi thường đến đây chơi bời, rồi trở thành vợ ba của hắn. Sau khi cưới Fakhra, Bilal thường xuyên đánh đập và chửi bới cô. Không thể chịu đựng mãi, Fakhra quyết định mang theo con trai 5 tuổi bỏ về nhà mẹ đẻ. Tháng 5-2000, Bilal đã lẻn đến nhà mẹ vợ, hắt thẳng chậu a-xít vào mặt vợ ngay trước mặt con trai khiến Fakhra bị mù một mắt, cụt tai phải, mất cánh mũi, miệng và ngực cũng bị biến dạng.

Gã chồng Bilal từng là nghị sĩ quốc hội. Cha hắn từng là thống đốc bang Punjap lớn nhất Pakistan. Năm 2002, Bilal bị bắt nhưng chỉ 5 tháng sau đã được bảo lãnh tại ngoại, sau đó được phóng thích vì “không phạm tội”. Dư luận đều cho rằng Bilal đã thoát tội bởi quyền thế của cha con gã.

Hồi tháng trước, bộ phim tài liệu “Saving Face” về nạn tạt a-xít phụ nữ ở Pakistan đã được trao giải Oscar về Phim tài liệu hay nhất, nhưng điều đó cũng không giúp gì cho việc cải thiện tình hình nữ quyền ở quốc gia này. Rukhsana Mukhtar, 25 tuổi, bị chồng tạt a-xít phá huỷ gương mặt vào năm 1999 sau một lần “dám cãi lời”. Cô đã tham gia làm bộ phim này với tư cách một nhân vật trong phim. Tuy nhiên sau khi bộ phim được công chiếu và trao giải, Rukhsana Mukhtar đã bị dân làng và gia đình đuổi đi vì bị cho là “bôi xấu” họ.

Fakhra đã nhảy lầu tự tử khi đang điều trị tại một bệnh viện ở Roma, Italia. Trong bức thư để lại, Fakhra bày tỏ vô cùng thất vọng về luật pháp và chính phủ Pakistan.

Thu Thủy
Theo Sina.com

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG