Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép xuất hiện trong đề Văn lớp 12

Đề bài phần đọc hiểu.
Đề bài phần đọc hiểu.
Sáng 12/5, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết ra đề thi với chủ đề hướng về biển đảo Tổ quốc dành cho học sinh lớp 12 D1 - trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Đây là đề thi ôn luyện Tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ môn Ngữ văn của trường.

Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép xuất hiện trong đề Văn lớp 12 ảnh 1

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết. (Ảnh: Hocmai).

Đề thi được ra theo phương pháp mới với yêu cầu rèn kỹ năng đọc hiểu và viết. Cụ thể, trong câu 1, 2, 3 cô Tuyết đã cung cấp tài liệu là bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Sau đó, học sinh trả lời câu hỏi có vận dụng PISA theo hướng dẫn của Bộ GD& ĐT về cấu trúc đề thi năm học 2013-2014.

Trong câu 4, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết yêu cầu học sinh viết luận, trích dẫn lời nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay”.

Câu nói này có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngày 1/5 vừa qua Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng biển của Việt Nam.

Đề thi này dành cho học sinh lớp 12 khi các em bước vào 18 tuổi - những công dân Việt Nam thể hiện tình yêu quê hương đất nước bằng suy nghĩ của riêng mình.

Cô Trịnh Thu Tuyết cho biết: "Phần viết luận của học sinh có 2 bài làm độc đáo nhất, đó là các em viết thư gửi Bác Hồ và gửi người cha là chiến sĩ hải quân. Đặc biệt, bài làm của học sinh cho thấy sự hiểu biết của các em về chủ quyền biển đảo, thềm lục địa, Hội nghị cấp cao ASEAN...".

Đề thi xuất hiện trong hoàn cảnh vấn đề biển Đông đang nóng lên từng ngày khi 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD 981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt.

Hiện nay, giáo dục cho học sinh về chủ quyền biển đảo và lòng tự hào dân tộc mang lại ý nghĩa tích cực với tinh thần đồng lòng hướng về biển Đông.

Đề đọc hiểu số 5:

Đọc đoạn trích sau đây trong bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và trả lời các câu hỏi:

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không? (4/2009)

1. Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề Tổ Quốc nhìn từ biển? Trong cả bài thơ, những câu thơ: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo.. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích.... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa.. Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát luôn lặp lại như một điệp khúc. Điệp khúc cho thấy tác giả đã chọn một điểm nhìn khá đặc biệt để gợi cho người đọc những suy ngẫm về Tổ Quốc. Đó là góc nhìn nào, góc nhìn ấy đưa đến cho anh/chị những xúc cảm, suy ngẫm như thế nào?

2. Theo anh/chị, còn có những góc nhìn nào về Tổ Quốc bên cạnh góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến?

3. Hình ảnh "sóng" trong hai câu cuối khổ thơ được thể hiện trong tầng ý nghĩa nào? Chỉ rõ biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ này?

4. Trong bài viết Nhà thơ, Tổ quốc và tự do, 6/2009, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có viết: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.”

Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là "sự kiện 1/5" gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt.

Ngày 11/5/2014, nhân dân Việt Nam khắp ba miền đất nước đã xuống đường phản đối hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực biển đảo Tổ Quốc.

Từ quan điểm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ những sự kiện trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.

Cộng đồng mạng đồng loạt đổi avatar hướng về Biển Đông

Đây không chỉ là hành động thể hiện lòng tự tôn dân tộc mà còn khẳng định tinh thần yêu nước, sẵn sàng khi tổ quốc cần của thế hệ trẻ Việt.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.